Tiếng Việt | English

01/11/2023 - 09:11

Người nặng nợ với nông dân

Gần 70 tuổi, hàng ngày, Phó Giám đốc Hội Làm vườn tỉnh Long An - kỹ sư (KS) Nguyễn Thanh Tùng vẫn xắn quần, lội bùn thăm ruộng cùng nông dân để giúp họ tìm ra biện pháp canh tác phù hợp nhất. Niềm vui, hạnh phúc của KS Tùng đơn giản chỉ cần nhìn thấy nông dân “trúng mùa, được giá”.

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm (1993-2023) hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh, ai gặp KS Tùng, kể cả Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tay bắt, mặt mừng chào hỏi bằng tất cả sự trân trọng, quý mến. Bởi với họ, KS Tùng không chỉ là “đầu tàu”, “đàn anh” trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn là người “mắc nợ” nông dân, đặc biệt là chưa bao giờ thôi tâm huyết với ngành Nông nghiệp và sẵn sàng giúp đỡ khi “đàn em” cần.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Tùng (bìa phải) nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp cho “đàn em”

KS Tùng cho biết: “Mọi người hay nói đùa tôi “mắc nợ” nông dân mà bản thân tôi cũng cảm thấy đúng, bởi tôi về hưu từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn gắn bó với nông dân. Tháng nào tôi cũng cùng nông dân xắn quần, lội bùn thăm ruộng ít nhất 10 lần, chưa kể thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân của ngành Nông nghiệp tổ chức. Đối với tôi, chỉ cần nông dân gặp khó khăn thì giống như mình gặp khó khăn, từ đó tôi luôn trăn trở trước khó khăn của nông dân”.

Nói rồi, KS Tùng cười giọng hào sảng, chẳng khác nào một lão nông chính hiệu. Có lẽ vì gần cả đời người gắn bó với nông dân nên cái khí chất nông dân đã thấm sâu vào con người ông, khiến những ai khi mới lần đầu tiếp xúc đều cảm nhận ông là người thân thiện, chân chất và đầy tâm huyết trong lĩnh vực nông nghiệp.

Được biết, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Giáo dục, năm 1979, ông Tùng về công tác tại Trường Trung cấp Nông nghiệp Bến Lức. Sau đó, ông được điều động về tỉnh làm Trưởng phòng Kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Tại đây, ông tham mưu lãnh đạo đưa ra nhiều quyết sách trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng đến cải tạo chất lượng giống. Song song đó, ông cùng đội ngũ kỹ thuật đi từng nhà vận động nông dân thực hiện thí điểm các loại giống.

Bằng tâm huyết, trách nhiệm, ông Tùng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho đến ngày về hưu. Còn giờ đây ở tuổi “xế chiều”, sức khỏe không còn tốt như trước nhưng hầu hết các buổi hội thảo, tập huấn, ông đều tích cực tham gia. Hiện ông Tùng được các cấp, các ngành mời làm chuyên gia tư vấn cho nhiều dự án, chương trình: Canh tác lúa thân thiện môi trường, Câu lạc bộ Canh tác thông minh,...

KS Tùng cho biết thêm: “Hiện nay, tôi băn khoăn nhất là việc nông dân cứ sản xuất chạy theo sản lượng, ít chú ý đến chất lượng. Điều này vô tình làm sản phẩm làm ra không được thị trường đón nhận, giá cả bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái, nhất là không tiến vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Do đó, thời gian tới, tôi sẽ tập trung hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Hy vọng, tôi còn sức khỏe, thời gian để hoàn thành tốt ước mơ này, góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhất là nâng tầm nông sản địa phương”.

Nhiều người đã quen với hình ảnh ông KS có nước da ngăm đen, thân hình nhỏ nhắn luôn truyền tải các kiến thức nông nghiệp cho “đàn em” và nông dân. Chỉ cần nói chuyện với ông về những vấn đề nông nghiệp, mọi thắc mắc đều được giải đáp một cách tỉ mỉ bởi những kinh nghiệm mà bản thân ông đúc kết từ thực tế mà đôi khi sách vở không có được.

Trong quá trình công tác, KS Tùng được nhận nhiều bằng khen của các cấp, các ngành. Song, có lẽ đối với ông, danh hiệu, phần thưởng cao nhất chính là sự tôn trọng, yêu thương của “đàn em” trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi về hưu và sự quý mến, tin tưởng của nông dân. Để rồi những năm tháng trôi qua thì những đóng góp của KS Tùng trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn mãi được nhiều người nhớ đến./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết