Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc ta luôn đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Truyền thống đó được giữ gìn và bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xã hội xưa rất xem trọng người thầy. 3 vị trí đặc biệt quan trọng của xã hội xưa là “Quân - Sư - Phụ” cho thấy người thầy chỉ đứng sau vua. Từ ngàn xưa, ông bà ta đã dạy: Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Không thầy đố mày làm nên; Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy; Trọng thầy mới được làm thầy;...
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của thời xưa được quy định trong khuôn phép nhất định. Người thầy là biểu tượng của nhân cách, đạo đức chuẩn mực và tài trí. Yêu cầu của một người thầy không chỉ đòi hỏi về tri thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” (đạo làm người) và trò phải biết kính trọng, lễ phép với thầy. Khi trò vi phạm, thầy quở mắng, trách phạt, thậm chí đuổi học.
Trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có vị trí vô cùng quan trọng và truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội đòi hỏi người thầy không chỉ truyền thụ tri thức, định hướng cho học sinh tiếp nhận tri thức một cách tích cực mà còn phải là người đồng hành cùng các em trong học tập lẫn cuộc sống. Nếu như trong xã hội xưa, thầy là người “nắm giữ” tri thức và truyền dạy lại cho trò thì ngày nay, học sinh có thể chủ động tìm kiếm tri thức và vai trò của người thầy lúc này là định hướng, giúp các em khai thác nguồn tri thức vô tận một cách hiệu quả nhất.
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ trí thức có kiến thức, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Để đào tạo lực lượng trẻ có đủ “đức” và “tài” cần phải có đội ngũ giáo viên có năng lực chuyên môn và tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Người thầy trong xã hội hiện đại vẫn phải hội đủ các chuẩn mực của đạo đức, nhân cách và trí tuệ.
Ngày nay, khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn, trở nên gần gũi, thân thiện hơn, có thể chia sẻ với nhau những vấn đề trong học tập lẫn cuộc sống. Theo đó, học sinh kính trọng thầy, cô bằng nhiều cách khác nhau chứ không xem người thầy chỉ đứng sau vua như ngày xưa.
Bên cạnh truyền thụ tri thức, giáo dục đạo đức, định hướng nghề nghiệp, quan tâm, chia sẻ với học sinh nhiều vấn đề trong cuộc sống, giáo viên còn phải là người “truyền lửa”. Để “truyền lửa”, tạo cho học sinh cảm hứng và sự đam mê với bài học, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức rộng, không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn là kiến thức xã hội. Cả trang phục, điệu bộ, giọng nói, ánh mắt,… cũng góp phần chuyển tải nhiều thông điệp, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập.
Bên cạnh đó, người thầy còn là tấm gương sáng để học sinh noi theo, là thước đo chuẩn mực, đạo đức, lối sống cho các em. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tạm gác lại việc gia đình, những người vốn chỉ quen với bảng đen, phấn trắng lại tập làm quen với máy đo huyết áp, kit test nhanh Covid-19,… để cùng tham gia chống dịch. Trong “cuộc chiến” đầy cam go đó, những người thầy, có người phải tự cách ly để bảo đảm an toàn cho gia đình, người thân; có người không may bị nhiễm Covid-19 khi tham gia chống dịch nhưng vượt qua những khó khăn, thầy, cô vẫn vững niềm tin để truyền đi nguồn năng lượng tích cực cho người dân, trong đó có cả học sinh của mình giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng.
Rồi năm học mới bắt đầu giữa lúc dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tiếp tục khắc phục những khó khăn, thầy, cô nhanh chóng bắt tay vào việc dạy trực tuyến. Dù không được trực tiếp gặp mặt, chỉ tương tác với nhau qua phần mềm học trực tuyến nhưng thầy, cô vẫn cố gắng “truyền lửa”, tạo sự gắn kết, vừa dạy kiến thức, vừa lồng ghép kỹ năng sống, nhất là các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên các giáo viên phải dạy trực tuyến trong thời gian dài.
Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, cả thầy và trò đều nhanh chóng khắc phục khó khăn, thích ứng với điều kiện mới và người thầy vẫn lặng lẽ “truyền lửa” cho học sinh để các tiết học trực tuyến không nhàm chán và tạo động lực cho các em phấn đấu theo phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Giữ vai trò người “truyền lửa”, tất cả thầy cô đều mong muốn mang đến cho học sinh của mình những điều tốt đẹp nhất. Và khi đã chọn nghề giáo, “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” (cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), thầy cô mang trong mình trọng trách vừa là người truyền thụ tri thức, vừa giáo dục đạo đức, vừa là người đồng hành chia sẻ với học sinh cả trong học tập và cuộc sống./.
Tâm Yên