Minh họa: Thiện Mỹ
Hồi đó, trường thiếu giáo viên môn Văn. Thầy được mời về dạy văn dù đã ngoài 60 tuổi. Cái tuổi về hưu lẽ ra thầy phải ở nhà an nhàn cùng con cháu, hưởng thú điền viên hay đi thăm thú bạn bè nhưng gia cảnh không được khá giả nên buộc lòng thầy phải cơ cực ở tuổi xế chiều.
Thầy lập gia đình sớm nhưng sau tai nạn, thầy mất đi cánh tay, người bạn đời vì thế cũng bỏ thầy ra đi. Mãi đến năm 40 tuổi thầy mới đi thêm bước nữa. Thế nên, bây giờ, thầy vẫn phải miệt mài lao động để nuôi 3 người con ăn học. Vợ thầy cũng là giáo viên với đồng lương ít ỏi, cô cố gắng gói ghém chi tiêu.
Thú thật, lúc thầy vào lớp tôi dạy, đám bạn đã không ưa thầy chỉ vì thầy… có một tay. Chúng nó bảo: “Cụt tay phải như thế thì làm sao viết bài, chấm bài. Rồi tuổi tác già thế này, đầu óc không còn minh mẫn thì dạy ai hiểu”. Bao nhiêu nụ cười chế giễu bủa vây sau lưng thầy. Có lẽ thầy biết nhưng thầy không nói. Thầy vẫn lặng lẽ đến lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh, gác bỏ ngoài tai những gì không hay về mình.
Nhưng rồi các bạn đã thay đổi suy nghĩ của mình. Thầy viết tay trái nhưng rất đẹp, rất nhanh. Thầy tâm sự, hồi trước thầy làm báo. Nhưng sau tai nạn giao thông, mất đi cánh tay, thầy xếp máy ảnh, sổ ghi chép để chuyển sang học sư phạm.
Sau thời gian đầu ái ngại, đám học trò dần yêu mến thầy và hứng thú với môn Văn. Thầy tạo nên xúc cảm, trí tưởng tượng, tính phản biện trong mỗi học sinh. Nhiều bạn dù không thuộc bài, nhưng hiểu được dàn ý nên làm rất tốt. Những bạn chưa hiểu bài, điểm kém, thầy ân cần chỉ bảo, giảng lại từng bài.
Có nhìn thấy thầy lái xe mới hiểu được thầy giỏi đến mức nào. Dù đường trơn trợt, đầy ổ gà nhưng thầy vẫn chạy bon bon như người bình thường. Biết mình tật nguyền, thầy chạy rất chậm, dù con đường có vắng vẻ thì thầy cũng chỉ chạy cao lắm 40km/giờ là cùng. Thường thì x
Xe máy có tay ga nằm phía bên phải, nhưng với chiếc xe cà tàng của thầy thì ngược lại. Để làm được điều đó, thầy phải nhờ thợ thiết kế riêng. Và để quen với chuyện này, thầy phải mất vài tháng tập lái.
Thầy luôn dạy chúng tôi không được xem thường người khác, nhất là người khuyết tật. Thầy bảo: “Các em phải cảm ơn ba mẹ, cảm ơn cuộc đời vì được sinh ra lành lặn, khỏe mạnh. Là người bình thường, các em có nhiều cơ hội tiến thân hơn trong xã hội. Vì vậy, hãy cảm thương cho những hoàn cảnh bất hạnh. Xã hội không có ai là người vô dụng cả. Mỗi cá nhân được tạo hóa ban cho một năng lực đặc biệt khác nhau. Cái chính là chúng ta dùng năng lực đó giúp ích cho đời chứ không thui chột trong suy nghĩ tiêu cực, đó mới là điều đáng quý”.
Biết bao năm trôi qua nhưng lời thầy dạy vẫn theo tôi trên từng bước đường. Giờ thầy ra đi mãi mãi nhưng lời dạy và hình ảnh người thầy viết bằng tay trái luôn vẹn nguyên trong trái tim của lớp học trò ngày ấy. Không hẹn mà gặp, cứ vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, dù bận rộn cách mấy, đứa nào cũng tranh thủ về thắp cho thầy nén nhang, mong rằng ở một nơi xa xôi nào đó, thầy vẫn luôn tự hào về đám trò nhỏ!
Đặng Trung Thành