Mặn đã xuất hiện
Tại Long An, theo nhận định của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia, nhiệt độ ở mức cao hơn từ 0,5-10C so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng mưa tháng 12/2019 phổ biến ở mức từ 10-40mm; tháng 01 đến 3/2020 phổ biến ít mưa; tháng 4 đến 5-2020 lượng mưa xấp xỉ ở mức trung bình nhiều năm. Với điều kiện khí tượng nêu trên, nguồn nước ngọt trên đồng bằng có khả năng khan hiếm ngay từ đầu mùa khô, nhất là tại các khu vực ven biển, xa nguồn nước sông Mê Kông, các hoạt động sản xuất chủ yếu tích trữ, sử dụng nước mưa; thêm vào đó, nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn, tăng nhu cầu nước cho cây trồng và vật nuôi,… “Hiện nay, độ mặn tại các tuyến sông đã xuất hiện. Với tình hình này, nhiều khả năng Long An phải tái hiện hạn, mặn lịch sử giống như năm 2016” - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy sản tỉnh - Võ Kim Thuần thông tin.
Tại các địa phương xuất hiện mặn đã đóng toàn bộ cống ngăn mặn
Chưa quên “bài học xương máu” từ hạn, mặn năm 2016, mùa này, ông Nguyễn Văn Bình (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) chủ động đào sẵn 2 ao dự trữ nước ngọt với sức chứa 100m3, để đủ dùng cho đợt mặn xâm nhập thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán. Ông Bình cho biết: “Những năm trước, gia đình tôi trồng lúa cứ đến hạn, mặn là không đủ nước ngọt nên bị thiệt hại. Vài năm gần đây, tôi chuyển sang trồng gần 0,5ha thanh long. Nhìn chung, hiện nay, tôi chủ động đào ao dự trữ nước ngọt để đủ nước tưới. Tuy nhiên, năm nay, lo lắng lớn nhất của tôi cũng như người dân ở đây là nước mặn về quá sớm, nhiều khả năng mặn tăng cao.Nếu từ nay đến qua Tết Nguyên đán Canh Tý mà xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt thì nguy cơ thiệt hại trong sản xuất lúa rất cao”.
Còn anh Võ Văn Tuấn (xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) lo lắng: “Tôi vừa gieo sạ 0,5ha lúa cách nay hơn 1 tuần. Khi nghe địa phương khuyến cáo tình hình hạn, mặn sắp tới, tôi vô cùng lo lắng. Không biết vụ lúa năm nay có “ăn” không”. Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, trên địa bàn huyện Tân Trụ gieo sạ trên 2.000ha.Hiện nay, nước mặn tràn về giữa lúc cây lúa đang trong giai đoạn 10-30 ngày tuổi.Thời gian tới, việc điều tiết nước bảo vệ sản xuất là một bài toán khó, đầy thách thức đang đặt ra cho ngành chức năng.
Theo Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ - Lê Tấn Ai, thời điểm này, độ mặn đo được trên sông ở trên địa bàn huyện dao động từ 2-3‰. Với độ mặn trên, ước tính nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 đang có nguy cơ bị đe dọa xâm nhập mặn. Trước thực trạng trên, huyện đã có giải pháp giúp người dân chủ động ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ lúa, đủ nước tưới trồng cây ăn trái. Giải pháp cấp thiết hiện nay là đóng tất cả các cống ngăn mặn (70 cống) để bảo vệ hơn 5.000ha đất sản xuất lúa, thanh long, rau màu, cây ăn quả,… Đồng thời, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi độ mặn ở các vùng giáp ranh và các tuyến kênh để kịp thời có giải pháp ứng phó. Cùng với việc đóng cống ngăn mặn và trữ nước ngọt để người dân chủ động sản xuất, huyện còn cấp máy đo độ mặn cho các xã để theo dõi độ mặn trên các sông. Việc nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước và dẫn nước ngọt trong mùa khô cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Trước tình hình mặn bao vây, nguy cơ hạn, mặn trong năm 2020 là rất cao. Để chủ động sản xuất, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương thông tin: “Công tác phòng, chống hạn, mặn ở huyện được tập trung thực hiện nghiêm túc. Huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hợp lý và chủ động dự trữ nước để bảo đảm không bị thiếu hụt vào mùa khô, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện có 3 cống đập chính: Đôi Ma, Bến Trể và Xóm Bồ có chức năng cung cấp nước ngọt, tưới tiêu, rửa phèn vào mùa mưa, ngăn mặn xâm nhập trong mùa khô hạn. Nối liền 3 cống lớn này là tuyến đê bao dài gần 20km qua các xã: Long Cang, Phước Tuy, Tân Ân ven sông Vàm Cỏ Đông. Từ 3 cống lớn này có trên 50km kênh thủy lợi nội đồng và hàng chục cống phụ khác tạo thành hệ thống thủy lợi nội đồng cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho toàn bộ 9 xã vùng thượng và thị trấn Cần Đước.
Thường xuyên kiểm tra độ mặn các tuyến sông
Để chủ động nguồn nước, cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, thông báo chất lượng nước trên sông và nội đồng, xây dựng lịch đóng, mở cống.Các cống đầu mối được triển khai về cho các xã, người dân biết để chủ động sản xuất, phòng, chống xâm nhập mặn vào đồng ruộng trong mùa khô.Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân có kế hoạch dự trữ nước trong kênh, rạch, ao, mương phục vụ sản xuất”.
Chủ động phòng, chống hạn, mặn
Theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trên địa bàn tỉnh Long An, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 sẽ ít thuận lợi, nguy cơ hạn, thiếu nước có thể xảy ra. Dự báo diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở các trạm vùng cửa sông: Lân cận Cầu Nổi (Vàm Cỏ) không có nước ngọt trong suốt mùa khô, kể cả vào lúc triều thấp; dọc theo sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây từ Cầu Nổi trở lên vẫn có khả năng tranh thủ lấy ngọt đến tháng 01, vào lúc triều thấp. Những ngày có độ mặn max trên 6-7g/l, độ mặn chân triều vẫn cao, cần kiểm tra khi lấy nước. Từ giữa tháng 02/2020 trở đi, nguồn nước ngọt có xuất hiện nhưng hạn chế; lân cận Tân An (Vàm Cỏ Tây), Bến Lức (Vàm Cỏ Đông) trở lên, nguồn ngọt vẫn còn khá dồi dào đến đầu tháng 02/2020. Từ giữa tháng 02/2020 trở đi, nguồn nước ngọt giảm nhanh, khả năng lấy ngọt khó khăn.
Trước tình hình trên, ông Võ Kim Thuần cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 8008/CT-BNN-TCTL, ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020, UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn do các cơ quan chuyên ngành khí tượng - thủy văn, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cung cấp và trên website Phòng, chống thiên tai của tỉnh để chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020. Trong đó, xác định từng vùng, khu vực có khả năng bị ảnh hưởng để đề ra giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nhằm kịp thời nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh, rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến,...; tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt.
Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, tránh lấy nước ở những khu vực bị nhiễm mặn vào đồng ruộng, tránh gây ô nhiễm nguồn nước bên trong nội đồng, gieo sạ đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của địa phương; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới hoặc khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đánh giá, rút kinh nghiệm từ diễn biến xâm nhập mặn trong mùa khô qua các năm cực đoan để có những giải pháp hợp lý, kịp thời, giảm thiểu đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.Đẩy nhanh tiến độ thi công tu bổ, sửa chữa và nạo vét các công trình thủy lợi, trục vớt lục bình để nâng cao năng lực dẫn nước, trữ nước.
Ngoài ra, Long An phối hợp Tiền Giang phòng, chống khả năng xâm nhập mặn từ hướng sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn tỉnh Long An và vào địa bàn tỉnh Tiền Giang./.
Huỳnh Phong