Hiếu học, thông minh, giỏi Hán văn và Pháp văn, 16 tuổi, ông ra Hà Nội học trường Cao đẳng Y dược, nhưng nửa chừng chuyển sang học Luật, hết năm thứ hai thì sang Paris học tiếp tại Đại học Sorbonne. Năm 1920 ở Pháp, ông lấy bằng cử nhân Luật chỉ sau 3 tháng học. Sớm chịu ảnh hưởng tư tưởng nhân văn của cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789) và nghe theo tiếng gọi cứu nước của Nguyễn Ái Quốc “về đối mặt với kẻ thù xâm lược”(1), cuối năm 1921, ông bỏ dở luận án tiến sĩ, trở về nước đi tuyên truyền, vận động quần chúng đòi các quyền tự do dân chủ.
Năm 1923, ông xuất bản báo La Cloche Fêlée (Chuông Rè), LAnnam (Nước Nam); viết cả tiểu thuyết, viết sách, vạch mặt bọn thực dân xâm lược, vừa phê bình Khổng giáo vừa kêu gọi thanh niên hãy sống có lý tưởng vì Tổ quốc, kêu gọi đồng bào xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. La Cloche Fêlée là tờ báo đầu tiên ở Đông Dương đăng công khai “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền”, đăng toàn văn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848) của Mác và Ăngghen, đăng các bài bênh vực Liên Xô, Cách mạng tháng Mười Nga và ủng hộ Nguyễn Ái Quốc, cho thấy ông thiên hướng theo chủ nghĩa Mác. Ông được dân chúng ở Nam kỳ bấy giờ rất mến mộ, thanh niên trí thức đương thời xem ông như thần tượng vì tài hùng biện và viết báo giỏi.
Năm 1924, ông thành lập tổ chức cách mạng yêu nước là Thanh niên Cao vọng đảng, còn gọi là Hội kín Nguyễn An Ninh – theo Báo cáo của Sở Mật thám Nam kỳ tháng 2-1928 thì: Thanh niên Cao vọng có tới gần 7.000 đảng viên ở nhiều tỉnh, trong đó chủ yếu là Hóc Môn - Gia Định, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh, Mỹ Tho, khiến thực dân Pháp rất lo sợ, nhiều lần bắt giam ông.
Do thiếu đường lối cứu nước rõ ràng và tổ chức lỏng lẻo, Hội kín sớm tan rã nhưng Nguyễn An Ninh đã kịp đi khắp Nam kỳ giới thiệu lực lượng quần chúng cách mạng của mình cho các tổ chức tiền thân của Đảng, vì vậy, ông có đóng góp to lớn vào việc phục hồi và phát triển lực lượng của Đảng thời kỳ đầu thành lập.
Năm 1932, Nguyễn An Ninh xuất bản tập “Tôn giáo”; năm 1933, ra báo La Lutte (Tranh Đấu) và cùng Nguyễn Văn Tạo ra ứng cử vào Hội đồng thành phố, đậu cao, nhưng bị Toàn quyền Pasquier bác bỏ. Năm 1938, ông xuất bản cuốn “Phật giáo” phê phán Phật từ bỏ cái tôi, trong lúc phải khẳng định cái tôi của con người.
Suốt những năm 1920, 1930 Nguyễn An Ninh luôn sát cánh với các nhà yêu nước và những chiến sĩ cộng sản, nhất là Võ Công Tồn, Châu Văn Liêm, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn, Dương Bạch Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trân,…
Ông có sáng kiến tổ chức phong trào Đại hội Đông Dương (thường gọi Đông Dương Đại hội và được Đảng chấp thuận) nhằm đẩy mạnh hoạt động công khai đấu tranh chống chế độ thuộc địa phản động, đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
Nhà của ông ở Mỹ Huề - Trung Chánh (Hóc Môn), cách trụ sở bí mật của Trung ương Đảng tại Bà Điểm vài cây số, là nơi lui tới của nhiều trí thức yêu nước và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, tại đây có tủ sách cộng sản lớn nhất Nam kỳ và cả nước Việt Nam lúc bấy giờ (Biên bản tịch thu của mật thám Pháp cho biết: tủ sách riêng của Nguyễn An Ninh có tới 13.000 cuốn – trong đó rất nhiều tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lê Nin).
Ngày 4-10-1939, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt lần thứ 5, bị kết án 5 năm tù và 10 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Ở tù Côn Đảo, ông luôn đoàn kết với những người cộng sản, nêu gương sáng của một nhà yêu nước vĩ đại.
Bị chế độ nhà tù thực dân tàn bạo hành hạ đến kiệt sức, Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng vào ngày 14-8-1943.
Tưởng nhớ Nguyễn An Ninh – một trong những nhà yêu nước lừng danh nhất của Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, ngày 1-8-1980, Nhà nước Việt Nam đã truy nhận Nguyễn An Ninh là liệt sĩ.
22 năm sau, ngày 15-9-2002, Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh được khánh thành, tọa lạc ở phía Tây Bắc TP.HCM, thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12, diện tích 3.000m2. Đây cũng là nơi Nguyễn An Ninh từng sống và hoạt động cách mạng trước khi diễn ra cuộc Nam kỳ khởi nghĩa và tiếp đó là Cách mạng Tháng Tám./.
Long Thái
(1) Sách Nguyễn An Ninh, NXb TP.HCM, 1988, trang 107.
(2) Tạp chí Xưa & Nay – cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (số 79, tháng 9 năm 2000), trang 41.
(3) Bài đăng báo Sài Gòn Giải Phóng, số 5781, ngày 14-8-1993.