Đồng chí Nguyễn Văn Chính
|
Dấu ấn trên vùng đất Long An
Vốn có cái duyên gắn bó với quê hương Long An bởi ông sinh ra tại làng Tân Quý, Quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn, nay là xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ông tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, hoạt động trong tổ chức Thanh niên Tiền phong và giành chính quyền tại quận lỵ Cần Giuộc. Cứ thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn chặt với vùng đất Cần Giuộc và quê hương Long An qua 2 lần giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An.
Những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Long An lần thứ 2, lúc ấy không chỉ riêng Long An mà tất cả các địa phương trong cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, ngưỡng cửa khủng hoảng KT-XH. Sự áp đặt chủ quan trong định giá đã tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá thị trường tự do với giá chỉ đạo của Nhà nước.
Điều đó khiến đời sống của người dân và cả cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang ngày càng khó khăn. Lương quá thấp, làm không đủ lo cho cuộc sống nên hàng trăm công nhân, viên chức, giáo viên xin nghỉ hoặc tự bỏ việc để đi buôn, thậm chí đi làm thuê.
Giữa lúc ấy, đồng chí Chín Cần mạnh dạn tìm cách thay đổi cơ chế giá cả, tiền lương, một trong những khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ. Khi triển khai thực hiện, gần như tất cả các mặt hàng phân phối đều được Long An bán ra thị trường. Toàn bộ số mặt hàng được phân phối của cán bộ, công nhân viên được quy ra tiền theo giá thị trường và cộng vào lương hàng tháng. Người sản xuất có thể mua được vật tư, nguyên liệu cần thiết, người tiêu dùng có thể mua được các loại hàng thiết yếu mà không phải trông chờ vào mạng lưới phân phối của Nhà nước. Việc lưu thông hàng hóa trở lại bình thường, kinh tế được phục hồi, sản xuất tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện. Giải pháp “bù giá vào lương” gây một hiệu ứng tích cực.
Từ năm 1980, Long An luôn là địa phương hoàn thành kế hoạch Trung ương giao và là một trong số ít địa phương có dư ngân sách để nộp cho Trung ương.
Nói về dấu ấn đột phá ấy, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An - Phạm Thanh Phong khẳng định: “Chính từ dấu ấn cải tiến của Long An mà người đi đầu là Bí thư Chín Cần cùng với đóng góp của một ít địa phương khác được áp dụng trong cả nước tạo nên những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng và là bước đệm để phát triển như ngày hôm nay”.
Dấu ấn cải tiến “giá - lương - tiền” tạo bước đột phá cho Long An và cho cả nước và là bước đệm để tạo nên những quyết định lịch sử tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, nhưng đối với người dân Long An, còn có một dấu ấn lớn mà đồng chí Chín Cần để lại chính là “di sản” về vùng Đồng Tháp Mười trú phú hôm nay.
Gần 40 năm trước, không ai dám nghĩ người dân Long An có thể chinh phục được “rốn phèn” Đồng Tháp Mười. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến khảo sát nhưng cũng chỉ lắc đầu vì cho rằng cây lúa không thể tồn tại trên vùng đất phèn ấy hoặc có chăng muốn chinh phục cũng phải tốn cả triệu đô-la cho 1ha đất.
Thời điểm đó, Long An được chia làm 2 vùng rõ rệt, vùng phía Nam đất chật, người đông; vùng phía Bắc đất rộng, người thưa. Đồng Tháp Mười mênh mông, mùa nắng đồng khô cỏ cháy, mùa mưa nước nổi trắng đồng.
Quyết tâm khai phá Đồng Tháp Mười đã đưa đến quyết định táo bạo. Và chính đồng chí Chín Cần đã dẫn đầu đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp vào Đồng Tháp Mười để khảo sát nắm tình hình trước khi bắt tay vào thực hiện chủ trương khai phá. Những chuyến khảo sát đã giúp ông đưa ra những quyết sách chiến lược cho vùng đất này. Trước đây, từ trung tâm tỉnh về Đồng Tháp Mười bắt buộc phải đi bằng đường sông hoặc muốn đi đường bộ thì phải vòng qua Cai Lậy, Tiền Giang. Muốn khai mở thì phải xây dựng một con đường xuyên qua Đồng Tháp Mười. Ý nghĩ ấy đã trở thành hiện thực khi hàng trăm ngàn lượt người từ các huyện phía Nam thay phiên nhau lên Đồng Tháp Mười đắp đường, mở đất. Con lộ 49, nay là Quốc lộ 62 xuyên qua bưng biền dần hình thành từ chính sức dân và lòng quyết tâm chinh phục, cải tạo vùng đất mới. Song song đó, tỉnh còn chủ trương thành lập các đoàn bộ đội kinh tế vừa khai hoang “đánh thức” vùng đất “ngàn năm còn yên ngủ”, tạo điều kiện cho người dân nghèo có ruộng đất làm ăn, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Hàng trăm con kênh, rạch được xẻ ngang, dọc giữa Đồng Tháp Mười đưa nước ngọt về rửa phèn, biến “rốn phèn” dần trở thành vùng đất phù sa màu mỡ. Chỉ trong vòng 2 năm (1978 và 1979), đã có 650 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu lên định cư, khai phá, xây dựng vùng đất Đồng Tháp Mười. Và ngày nay, vùng đất hoang vu năm nào đã trở thành vựa lúa lớn của Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Ngoài ra, ông còn được biết đến là người đặt nền móng xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, đánh dấu bước phát triển mới của hội cũng như phong trào nông dân trong cả nước. Từ khi có quỹ, các phong trào do hội phát động thực sự đi vào cuộc sống.
Vùng Đồng Tháp Mười trù phú hôm nay có dấu ấn lớn từ quyết định táo bạo của đồng chí Nguyễn Văn Chính. Ảnh: Văn Đát
Sống mãi trong lòng nhân dân
Trong lúc tỉnh dự định xây dựng một bộ tài liệu về những đóng góp của đồng chí Chín Cần với quê hương Long An thì vào lúc 16 giờ, ngày 29/10/2016, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM. 93 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, đồng chí Chín Cần dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Và cho đến hôm nay khi nhắc lại, hình ảnh đồng chí Chín Cần vẫn mãi còn in sâu trong lòng nhân dân tỉnh Long An nói riêng cũng như trong lòng nhân dân cả nước.
Những ngày diễn ra tang lễ đồng chí tại TP.HCM, dù xa xôi nhưng những đoàn đại biểu, nhân dân các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp..., đến các đoàn Trung ương đã đến chia buồn, tận tay thắp nén hương tỏ lòng thành kính trước sự ra đi của một người con ưu tú của đất nước. Lật lại cuốn sổ tang, từ lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành, đoàn thể đến các địa phương, bạn bè đều dành những tình cảm trân quý gửi đến ông.
Cùng công tác tại Trung ương, nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang có lẽ là người hiểu nhất những đóng góp quan trọng của đồng chí Chín Cần cho đất nước. Trước sự ra đi của đồng chí, ông đã viết: “Anh Chín Cần kính mến! Nhân dân và chúng tôi mãi nhớ đến anh với những công lao to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Mãi mãi nhớ đến anh với những đóng góp to lớn trong việc tìm lối ra cho đất nước trước khi đi vào công cuộc đổi mới. Nhân dân, trong đó có chúng tôi mãi mãi nhớ đến anh!”.
Với những đóng góp to lớn của đồng chí Chín Cần đối với đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình khẳng định tại lễ truy điệu: “Trong suốt hơn 61 năm hoạt động cách mạng, cho đến khi về hưu, trải qua bao khó khăn, gian khổ trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, dù ở bất kỳ vị trí nào, đồng chí Nguyễn Văn Chính cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, một lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với lý tưởng cách mạnh, tận tụy với nhân dân, sống mẫu mực, thủy chung với đồng chí, bạn bè. Luôn hoàn thành mọi trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao, đồng chí cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí nêu cao tấm gương về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, về tình thương yêu và trách nhiệm với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình, sống thanh liêm, giản dị. Những năm tháng cuối đời, tuy tuổi cao nhưng đồng chí vẫn quan tâm đóng góp ý kiến vào công việc chung, với niềm tin son sắt vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Đồng chí ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng chí, đồng đội, cho anh em, bạn bè thân hữu và là tổn thất không gì bù đắp được”.
Thay mặt cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đã viết những lời vĩnh biệt trong sổ tang: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chín Cần đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tích của tỉnh Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc. Sau ngày đất nước giải phóng, đồng chí là người Bí thư Tỉnh ủy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa Long An tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười, biến vùng đất hoang hóa thành vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long và có những dấu ấn nổi bật trong đổi mới giá - lương - tiền trong thời kỳ bao cấp”.
Có thể khẳng định, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Chín Cần mãi mãi là tấm gương để các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Như lời một người bạn từng công tác chung với ông những năm 80 đã viết: “Anh là người cán bộ của nhân dân đúng nghĩa nhất, cao quý nhất. Anh làm cho thế hệ chúng tôi khi nhớ về Bác Hồ, bác Tôn, bác Giáp, bác Đồng…, lại nhớ đến Võ Văn Kiệt, Kim Ngọc, Chín Cần. Làm sáng rạng thời kỳ đêm tối lịch sử là nhờ có những vì sao như anh”./.
Có người hỏi Nguyễn Văn Chính không biết sợ hay sao mà liều vậy? Đối diện với thực tế đất nước, cuộc sống, cũng như bản thân mình, Nguyễn Văn Chính đã dốc những lời gan ruột: “Có chứ. Tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Tôi sợ lắm chứ. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, thì tôi sợ nhất là nếu cứ để cho tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất, nên tôi phải nghĩ ra cách tránh” (trích Đặng Phong (2013), “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới, Nxb. Tri thức, tr. 365.). |
Kiên Định