Tiếng Việt | English

15/06/2015 - 16:06

Nhà báo cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt

Ông bà ta thường nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”, học làm người trước khi học chữ và xem kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống là quan trọng hàng đầu. Bởi vậy, nhà báo trong sáng tạo ra tác phẩm báo chí cũng cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt để thành công trong công việc.

Đi, quan sát, gặp gỡ, hỏi chuyện, viết bài là công việc thường ngày của nhà báo đòi hỏi sự năng động, nhiệt tình và trách nhiệm. Kỹ năng giao tiếp của nhà báo thể hiện xuyên suốt trong các hoạt động tác nghiệp từ việc tiếp xúc cơ sở để lấy tư liệu, phỏng vấn, hình thành ý tưởng, đề tài, hoàn thành tác phẩm. Qua đó thể hiện khả năng nhận biết vấn đề, xử lý thông tin, cách sử dụng ngôn ngữ báo chí của từng thể loại để diễn đạt ý tưởng, giúp cho người xem, người nghe, người đọc nắm bắt được thông tin. Trong cuộc tiếp xúc cụ thể, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp nhà báo đưa ra lời nói, biểu thị cử chỉ, thái độ hợp lý để xác lập sự tin cậy, đồng cảm và khuyến khích câu trả lời. Kỹ năng giao tiếp tốt còn giúp nhà báo khai thác sâu vào chủ đề, có được thông tin mới mẻ, chân thực, độc đáo và mang đến cho nhân vật cảm giác được hiểu, được chia sẻ, được ghi nhận trong không khí thoải mái, chân thành.

Nhà báo kỳ cựu của kênh truyền hình CNN Larry King, người đã được nhận danh hiệu “Người dẫn chương trình ấn tượng nhất” nước Mỹ và được tạp chí Time bình chọn là “Chuyên gia micro số 1” đã từng chia sẻ “Người ta bảo rằng tôi có tài ăn nói và lại nói rất thành công nữa chứ. Thực ra để có được ngày hôm nay tôi đã phải nỗ lực không ngừng,… Rèn luyện là cách duy nhất để có được năng lực thật sự cho dù bạn có năng khiếu bẩm sinh hay không”. Vậy sự rèn luyện công phu kỹ năng giao tiếp là yếu tố quyết định phong cách giao tiếp của nhà báo. Khả năng giao tiếp của nhà báo càng tốt thì thông tin thu nạp càng nhiều và truyền tải thông tin đến công chúng càng hiệu quả./.

Trần Thị Kim Phụng 

Chia sẻ bài viết