Những app vay tiền có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet (Ảnh chụp màn hình)
Vay 2 triệu, trả 200 triệu đồng
Đến thời điểm này, anh Nguyễn Văn Nam(*) (huyện Thủ Thừa) vẫn chưa thực sự “hoàn hồn” sau khi mất hơn 200 triệu đồng tiền dành dụm của gia đình. Vào khoảng cuối năm 2021, do cần tiền xoay xở một số việc cá nhân nhưng lại không muốn làm phiền đến người thân hay bạn bè, anh Nam tìm đến app vay tiền trên mạng để vay 2 triệu đồng.
Thủ tục vay khá đơn giản, sau khi cài đặt app và điền một số thông tin cần thiết, anh nhận được 1,8 triệu đồng vào tài khoản chỉ sau 15 phút. Phần tiền còn lại được cho là khấu trừ vào các khoản phí làm hồ sơ, thủ tục cho vay. Thời hạn trả tiền là 2 tuần, số tiền cần hoàn trả trên 3 triệu đồng.
Đến thời điểm trả, do chưa có tiền, anh Nam liên tục bị gọi điện thoại quấy rối, thúc ép trả tiền với lời lẽ vô cùng khiếm nhã. Cùng thời điểm đó, anh được giới thiệu một số app vay tiền khác với mức lãi tương tự. Vì cần tiền thanh toán khoản nợ vừa vay trước đó, anh tiếp tục vay tiền của app thứ 2. Vòng quay cứ thế tiếp diễn đến khi số tiền gốc và lãi của nhiều app cộng lại lên đến con số hàng trăm triệu đồng.
Khi đó, anh liên tục nhận các cuộc điện thoại phá rối, chửi bới nặng lời. Không chỉ vậy, người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũng bị làm phiền liên tục. Cuộc sống của anh rơi vào khủng hoảng, tinh thần sa sút trầm trọng, các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Anh hoàn toàn bí bách. Nhắc lại khoảng thời gian khủng hoảng đó, anh Nam kể: “Ban đầu, tôi chỉ nghĩ mình vay qua app sẽ không làm phiền đến mọi người. Với số tiền vay 2 triệu đồng, tôi có thể trả ngay khi lãnh lương nhưng không ngờ, mọi thứ lại vượt quá tầm kiểm soát. Khi tôi cài đặt app vào điện thoại, tôi phải cấp quyền truy cập danh bạ, Zalo, Facebook cho đơn vị cho vay, chính vì thế, họ có số điện thoại người thân và bạn bè của tôi. Họ gọi ngẫu nhiên bất cứ ai và bịa đặt, chửi bới, làm mất uy tín của tôi. Không thể chịu nổi áp lực, tôi nhờ gia đình giúp đỡ. Gia đình tôi dùng toàn bộ số tiền dành dụm để trả cho họ. Tổng cộng số tiền tôi trả là trên 200 triệu đồng, trong khi số tiền thực tế tôi nhận được không đến 10 triệu đồng. Gốc chồng lãi, mỗi ngày nợ lại nhiều thêm! Sau khi tôi thanh toán trên 200 triệu đồng, họ tiếp tục đòi nợ nhưng tôi đã hết khả năng chi trả và được người thân khuyên nên báo với cơ quan chức năng. Tôi làm đơn tố giác”. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, cuộc sống của anh Nam dần ổn định. Bạn bè, người thân không còn bị làm phiền như trước, tuy nhiên, những tổn thất về vật chất, đặc biệt là tinh thần thì vẫn còn.
Bắt đầu từ một số tiền nhỏ để xoay xở việc gia đình, anh Nam vướng vào vòng lẩn quẩn đến mức mất toàn bộ tiền dành dụm, danh dự bị ảnh hưởng, tinh thần suy sụp,... chỉ vì vay "tín dụng đen" qua mạng.
Cảnh giác trước "ma trận" các app vay tiền
Ngày nay, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, dịch vụ cho vay tiền qua app ngày càng nở rộ và biến tướng thành “tín dụng đen” khi lãi suất cho vay vượt nhiều lần so với quy định. Chính vì vay qua các trang web hoặc app khá đơn giản, nhanh, gọn nên nhiều người dân bị “dính bẫy”.
Hiện nay, có rất nhiều app vay tiền tồn tại trên mạng. Thử search (tìm kiếm) từ khóa “app vay tiền” là có hơn 30 app hiện ra như ứng dụng Tamo, Doctor Đồng, MoneyCat, Crezu, Visame,... Người truy cập không biết app nào đáng tin cậy và app nào lừa đảo. Nhiều người là nạn nhân khi vay tiền qua các app, trang web, phản ánh: Đa số thủ tục vay online đơn giản, giải ngân nhanh nhưng khi chậm trả thì bị đòi nợ theo kiểu “giang hồ”.
Với nội dung quảng cáo hấp dẫn như vay online không gặp mặt, thủ tục đơn giản, vay siêu nhanh,... các đối tượng đã lập ra các app có nội dung, hình thức tương tự với app của các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính được pháp luật công nhận để lôi kéo những người mất cảnh giác đăng ký vay tiền. Nạn nhân sẽ được hướng dẫn truy cập vào AppStore hoặc CH Play để tải và cài đặt ứng dụng vay tiền trên điện thoại, sau đó đăng ký một tài khoản vay tiền bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân như hình ảnh, số chứng minh nhân dân, hình chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng và người vay đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn. Đặc biệt, trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động, cung cấp thông tin của người thân để bảo lãnh gói vay nhưng thực tế, những hình ảnh cá nhân và quyền truy cập vào danh bạ điện thoại lại là công cụ để bên cho vay đe dọa người vay.
Để không bị sập bẫy, người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay,... Hoặc nếu thực sự có nhu cầu về tài chính, người dân nên trực tiếp liên hệ, làm thủ tục hồ sơ vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng chính thống hoặc thông qua các mô hình vay vốn ưu đãi từ các đoàn thể địa phương như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên,...
Đối với các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý với tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, nạn nhân cần trình báo đến cơ quan công an để được giải quyết, xử lý kịp thời, bảo vệ bản thân và gia đình.
|
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi
Quế Lâm - Hà Lan