UBND TP Cần Thơ và Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc vừa khánh thành Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đặt tại KCN Trà Nóc 2, quận Ô Môn.
Hứa hẹn từ KVIP
Đây là dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, có tổng vốn đầu tư 21,13 triệu USD. KVIP gồm 2 tòa nhà có tổng diện tích 13.000 m2 lắp đặt các trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu, phát triển 3 ngành chính: chế biến nông sản, thủy sản và cơ khí chế tạo.
Nông nghiệp ở ĐBSCL còn tiềm năng rất lớn để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài Ảnh: Ngọc Trinh
KVIP được xây dựng theo mô hình công nghệ cao (TechnoPark) của Hàn Quốc - một trong những mô hình cơ bản giúp đất nước này từ nghèo khó sau chiến tranh đã phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Hiện tại, Hàn Quốc đã phát triển 18 TechnoPark trải đều cả nước. Các TechnoPark vẫn phát huy tác dụng rất lớn đối với sự phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao. KVIP là TechnoPark thứ 19 của Hàn Quốc và là TechnoPark đầu tiên của quốc gia này đầu tư ra nước ngoài.
Mục tiêu của KVIP là xây dựng các cụm công nghiệp thuộc 3 ngành gạo, thủy sản, cơ khí nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh về giá gạo ở ĐBSCL trên thị trường quốc tế; thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chế biến gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, dự án này còn giúp phát triển cơ khí nông nghiệp với các sản phẩm “made in Việt Nam”.
“DN nào có ý tưởng thì đăng ký vào KVIP thông qua hình thức làm đề án thực hiện ý tưởng. Khi đề án được hội đồng xét duyệt của KVIP thông qua thì ý tưởng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ KVIP như: bố trí phòng làm việc và có chuyên gia hỗ trợ thực hiện ý tưởng; DN được đào tạo, hỗ trợ vay vốn, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ việc ươm tạo…” - ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, giải thích.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kỳ vọng KVIP sẽ thúc đẩy nghiên cứu, phát triển sản phẩm có hàm lượng giá trị cao hơn, thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhất là DN Hàn Quốc. TP Cần Thơ sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho DN khi đến với KVIP.
Sức hút từ nông nghiệp
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), ngành nông nghiệp ở ĐBSCL có triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực: nông nghiệp hướng tới năng suất, chất lượng cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu; chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, chế biến thực phẩm; công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ, cơ khí nông nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ nông nghiệp...
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất từ nguồn vốn ODA cho Việt Nam và có hơn 2.700 dự án đầu tư vào nước ta nhưng rất ít dự án có mặt ở ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ, nhiều năm nay, chỉ một DN Nhật Bản đổ vốn vào.
“Tại Cần Thơ, cơ cấu tỉ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 9,9% trong cơ cấu nền kinh tế nhưng lao động trong ngành lại chiếm tới 61%. Vì vậy, TP Cần Thơ muốn phát triển mạnh hơn nữa ngành nông nghiệp. Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nếu DN Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư vào nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ có lợi cho cả đôi bên” - ông Thống nhận định.
Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, ông Yasuzumi Hirotaka, cho biết khu vực ĐBSCL có tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, vùng này vẫn chưa tận dụng được các thế mạnh vốn có nên Việt Nam đóng góp sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới chỉ 1% là rất khiêm tốn. Thời gian tới, phía Nhật Bản cam kết hỗ trợ, hợp tác với vùng ĐBSCL để thúc đẩy, phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa khọc, công nghệ cao nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm./.
Coi trọng quảng bá, xúc tiến đầu tư Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các tập đoàn lớn của Nhật Bản ngại đầu tư vào ĐBSCL là do DN Nhật chỉ chuyên về lĩnh vực công nghiệp, điện tử, trong khi lợi thế của ĐBSCL là nông nghiệp. Sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nhật Bản tại Việt Nam, hai nước ra tuyên bố chung là đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nên hy vọng thời gian tới, DN Nhật sẽ đổ vốn vào nhiều hơn. “Tuy nhiên, người Nhật sẽ không đầu tư vào một nơi mà họ không am hiểu về văn hóa, lối sống. Vì vậy, các địa phương ở ĐBSCL cần coi trọng công tác quảng bá vùng đất của mình để người Nhật có thể tìm hiểu và đến đầu tư” - ông Lam nói. |
Ca Linh/nld.com.vn