Tiếng Việt | English

04/06/2022 - 09:20

Nhiều nước xây thêm nhà máy điện hạt nhân

au sự cố xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) cách đây hơn 11 năm (3/2011), đã có nhiều lo ngại về tương lai phát triển điện hạt nhân tại nhiều nước trên thế giới.

Thế nhưng, một vài số liệu gần đây cho thấy, rất nhiều quốc gia phát triển đã và đang xây thêm nhà máy điện hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen ở Gundremmingen, miền Nam Đức. Ảnh AFP

Nhà máy điện hạt nhân Gundremmingen ở Gundremmingen, miền Nam Đức. Ảnh AFP

Mở lại lò cũ và xây mới

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore, ông Alvin Tan đầu tháng 4 vừa qua đã có bài trình bày trước quốc hội nước này về điện hạt nhân, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề từ độ an toàn, chi phí đến các yếu tố môi trường. Điều này được coi là bước đột phá trong chiến lược phát triển năng lượng của quốc đảo này. Lý do, cách đây 10 năm, năm 2012, một nghiên cứu về điện hạt nhân tại Singapore đã đưa ra kết luận rằng, các lò phản ứng truyền thống, kích thước lớn không phù hợp để triển khai tại quốc đảo có diện tích khiêm tốn như Singapore. Tuy nhiên, công nghệ trên thế giới đã thay đổi, các lò phản ứng ngày nay cũng nhỏ, hiện đại hơn. Đó cũng là lý do để Bộ trưởng của Singapore mạnh dạn quay trở lại đề tài phát triển điện hạt nhân trong tương lai của quốc gia.

Trước đó, đầu tháng 3, Tổng thống Philippines đã ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Mục đích giảm dần các nhà máy nhiệt điện dùng than và đạt mục tiêu giảm phát thải khí carbon. Như vậy, trong tương lai, quốc gia này có thể cho hồi sinh nhà máy điện hạt nhân Bataan cách thủ đô nước này khoảng 100 km, từng bị biến thành điểm du lịch sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Nhật Bản) năm 2011. Dự án nhà máy điện hạt nhân Bataan được khởi công năm 1976, hoàn thành năm 1984 và lẽ ra đã trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á.

Cũng tại châu Á, Trung Quốc là một trong những quốc gia đang nỗ lực giảm khí thải carbon và xoa dịu các lo ngại về an ninh năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. Tháng 3 vừa qua, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia và Cục Quản lý năng lượng quốc gia của Trung Quốc thông báo sẽ duy trì tốc độ xây dựng và đảm bảo an toàn cho các dự án điện hạt nhân ven biển mới. Theo đó, trong kế hoạch 5 năm từ 2021 - 2025, với sự hỗ trợ của chính phủ, Trung Quốc sẽ xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới mỗi năm. Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng được dự báo sẽ vượt Mỹ và Pháp để trở thành nước vận hành năng lượng hạt nhân lớn nhất thế giới sau năm 2030.

Tại các nước phương Tây, nhiều quốc gia cũng “ồ ạt” triển khai dự án hạt nhân. Tháng 3 vừa qua, chính phủ Anh thông báo kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt bằng cách xây thêm 8 lò phản ứng hạt nhân mới. Mục tiêu nước này đặt đến năm 2050 phải có khoảng 24 gigawatt điện hạt nhân, tương đương 25% nhu cầu điện dự báo. Anh hiện có 6 nhà máy điện hạt nhân cung cấp khoảng 20% nhu cầu cả nước. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nói rõ việc tăng sản lượng điện hạt nhân sẽ giúp giảm giá điện và họ sẽ không bị Nga “bắt nạt”.

Chưa xử lý được chất thải phóng xạ

Tuy nhiên, không phải lúc nào điện hạt nhân cũng được chào đón cho dù trong bối cảnh nhiều nước đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu Nga.

Tại Nhật Bản, đất nước phát triển điện hạt nhân từ rất sớm, nhưng nay lại tỏ ra khá dè dặt. Hiện điện hạt nhân chỉ đóng góp khoảng 4% tổng sản lượng điện quốc gia Nhật, giảm gần 1/3 so thời điểm trước khi xảy ra sự cố vỡ 3 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Trong 60 lò phản ứng xây tại Nhật, nay có 24 lò ngưng hoạt động, 5 lò đang hoạt động, 5 lò được phê duyệt để khởi động lại nhưng bị tạm dừng để kiểm tra định kỳ và 3 lò đang được xây dựng. Số còn lại chưa được chấp thuận tái khởi động. Sau sự cố năm 2011, người dân Nhật Bản đến nay vẫn còn phản đối loại năng lượng này. Hiện 70% điện của Nhật dùng từ nhiên liệu hóa thạch và khoảng 18% từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Tương tự, tại Đức, một số ý kiến cho rằng, điện hạt nhân hay gắn với bom nguyên tử và chiến tranh lạnh. Thế nên, cũng không ít ý kiến phản đối trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang “vật lộn” với tìm lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch - Nga, Đức vẫn tiếp tục lên kế hoạch đóng cửa tiếp 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại. Năm 2011, Đức có 17 nhà máy điện hạt nhân nhưng giờ chỉ còn 3 nhà máy, đóng góp 5% tổng sản lượng điện của toàn quốc. Đầu năm nay, chính phủ Liên bang Đức đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) khi coi điện hạt nhân là năng lượng bền vững. Trong lá thư gửi cho Ủy ban Châu Âu (EC), Đức cho rằng đây là nguồn năng lượng rủi ro, tốn kém và đưa ra nhiều cảnh báo về an toàn hạn nhân, nơi lưu trữ chất thải phóng xạ về lâu dài… Bên cạnh đó, Bỉ cho biết đến năm 2025 sẽ đóng cửa toàn bộ 7 lò phản ứng; Tây Ban Nha sẽ bắt đầu quá trình đóng cửa từ năm 2027.

Như vậy, dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm, điện hạt nhân vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi lớn trên thế giới. Một số quốc gia đã quyết định nói không với dạng năng lượng này. Chuyên gia năng lượng quốc tế, TS Trần Văn Bình, Việt kiều Đức, cho rằng VN cần cẩn trọng trong xây dựng điện hạt nhân vì vấn đề đau đầu nhất là xử lý chất thải phóng xạ. “Thế giới vẫn chưa giải được bài toán xử lý chất thải phóng xạ, nếu có, chi phí vô cùng lớn. Đức, Bỉ, Tây Ban Nha từ chối là vậy. Pháp khó hơn vì nền kinh tế của họ cần điện hạt nhân rất lớn”, TS Trần Văn Bình cho biết./.

Theo thanhnien.vn (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích