Tiếng Việt | English

11/09/2018 - 20:45

Nhớ lần nhạc sĩ Văn Cao và thi sĩ Hoàng Cầm đến Tân Trụ

Cứ mỗi lần đi ngang bệnh viện Nguyễn Văn Tuyên ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tôi dừng lại giây lát để ngắm bức tượng đồng bán thân của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Tuyên và tượng bà mẹ tung cánh chim bồ câu bay về tổ ấm của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nhưng trong tâm thức, tôi vẫn ấn tượng về hình ảnh cố nhạc sĩ Văn Cao và cố thi sĩ Hoàng Cầm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên (cầm đàn guitar) dìu nhạc sĩ Văn Cao. Phía sau là ca sĩ  Ánh Tuyết

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên (cầm đàn guitar) dìu nhạc sĩ Văn Cao. Phía sau là ca sĩ  Ánh Tuyết

TS Nguyễn Văn Tuyên chào đời trên mảnh đất Bình Tịnh, huyện Tân Trụ, mà cha ông là thầy giáo làng Nguyễn Văn Giác vừa mở lớp dạy học cho con em trong làng, vừa làm ruộng nuôi đàn con đông đúc. Ấy vậy mà các con thầy về sau đều là những người có danh vọng. Như Nguyễn Văn Tuyên du học ở nước Pháp, đỗ TS hóa dầu, làm tổng giám đốc một tổng công ty hóa dầu ở châu Âu. Tuy định cư trên đất Pháp hơn nửa thế kỷ, ông Tuyên vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, luôn hướng về quê cha đất tổ.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông hay về Việt Nam giúp đỡ nhiều việc ở nơi này, nơi khác trong nước. Ở Tân Trụ, ngoài các khoản tài trợ khác, ông còn dành 300.000USD xây bệnh viện cho quê hương, được UBND tỉnh ra quyết định cho bệnh viện mang tên ông.

Tại lễ khánh thành bệnh viện, sau khi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài, phát biểu biểu dương tấm lòng TS Nguyễn Văn Tuyên và ứng tác mấy câu thơ: “Trời Tây thao thức vọng quê hương/Bình Tịnh Long An nhớ lạ thường/ Tổ quốc quang vinh tim khắc khoải/ Ơn dân kính tặng mái nhà thương”; liền đó, một cụ già chống gậy run run bước lên lễ đài, thấy có nhiều quan khách người nước ngoài và quan chức ở Tổng Lãnh sự Pháp tại TP.HCM, cụ liền đọc một bài thơ bằng tiếng Pháp ca ngợi nghĩa tình người con xa xứ Nguyễn Văn Tuyên. Cụ chính là thi sĩ Hoàng Cầm - thi sĩ lừng danh xứ Kinh Bắc, tác giả bài thơ Bên kia sông Đuống mà tôi đã đọc và yêu. Hoàng Cầm cũng là tác giả bài thơ khá “lạ” - Lá Diêu bông được sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ với những thi tứ ảo diệu - như thực như hư: “... Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời/... Ới Diêu bông...”.

Hoàng Cầm không chỉ là thi sĩ mà còn là nhà văn, nhà viết kịch (tác giả kịch thơ Kiều Loan, Hận Nam Quan...) dịch và phóng tác nhiều tác phẩm của Lamartine, Andersen,...; viết và xuất bản nhiều truyện ngắn, truyện vừa. Khi “Toàn quốc kháng chiến” bùng lên, Hoàng Cầm thành lập đoàn kịch Đông Phương lưu diễn phục vụ các đơn vị bộ đội ở chiến khu, rồi nhập ngũ, thành anh Vệ quốc quân, phụ trách Đoàn Văn công của Quân đội nhân dân Việt Nam (tiền thân Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị sau này) đồng thời viết một số vở kịch nói, tập thơ, trường ca,... trong những năm chống Pháp.

Thi sĩ Hoàng Cầm vừa chống gậy bước xuống chỗ ngồi, TS Tuyên dìu một cụ già có mái tóc bạc phơ, bước lên lễ đài và cất giọng rặt Nam bộ mà không xen một tiếng Pháp nào: “Đây là một tượng đài âm nhạc Việt Nam thời cận đại, tác giả Tiến quân ca - Quốc ca của Việt Nam, và Sông Lô, và Thiên thai, và Mùa xuân đầu tiên...”. TS Tuyên dừng lại khi Văn Cao chắp tay chào cử tọa với nụ cười thật hiền nhưng vì đang yếu, người nghệ sĩ tài hoa không nói gì mà đành bá vai TS Tuyên đi về chỗ ngồi.

Liền đó, ca sĩ Ánh Tuyết bước ra với chất giọng trong trẻo cất lên tiếng hát Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về - Người mẹ nhìn đàn con nay đã về - Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên (...) - Từ đây người biết quê người - Từ đây người biết thương người - Từ đây người biết yêu người...”.

Thấm thoát 23 năm trôi qua kể từ ngày ấy và sự kiện ấy. Cũng thật không ngờ, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng 2 “cổ thụ” làng văn đến với vùng quê nghèo. Ngày ấy, TS Nguyễn Văn Tuyên cho biết là phải về Pháp gấp để trị bệnh. Và lần về Pháp này chưa đầy tháng, ông vĩnh viễn ra đi, trở về lòng đất mẹ Bình Tịnh thân thương...

Và nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà báo Văn Cao cũng vậy, chỉ cách đó không lâu, ngày 10/7/1995, ông “chống gậy” vân du cõi “người hiền” với TS Nguyễn Văn Tuyên. Riêng thi sĩ Hoàng Cầm thì đến ngày 06/5/2010 mất ở Hà Nội khi tròn tuổi 89, “đi” sau TS Nguyễn Văn Tuyên và nhạc sĩ Văn Cao 15 năm./.

Hồi ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết