Tiếng Việt | English

21/09/2016 - 11:19

Nhớ ơi chiếc nóp mùa thu ấy!

1. Mới đây, tôi gặp ông trong cái chộn rộn của buổi chiều vào lễ khai mạc Hội thi, trưng bày sinh vật cảnh chào mừng 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 của huyện Tân Hưng. Ông kể tôi nghe về chiếc nóp kỷ niệm một thời niên thiếu của ông.

“14-15 tuổi, tui khoác lên mình chiếc nóp do má tui đan cho. Ở Đồng Tháp Mười mình, muỗi bay như trấu vãi, bù mắt cũng bay tối mặt tối mũi. Người dân thời khẩn hoang cắt bàng đan đệm làm chiếu ngủ, rồi từ tấm đệm vuông vức đó xếp lại như bì thơ, may các điểm tiếp giáp, rồi chui vô đó ngủ, gọi là “nóp”. Đi xuồng, dùng khúc cây dựng nóp lên, căng ra làm buồm. Gió thổi tung nóp, đẩy xuồng chạy băng băng trên mặt nước. Những năm tháng thiếu thời, tui mang nóp ra bưng chăn vịt hay chăn trâu cho gia đình. Tới thời chống Mỹ, tui vào khu kháng chiến, được phát cho cái mùng. Cái mùng chỉ có mỗi một công dụng là che muỗi, chớ không đa dụng như nóp”.

Rồi ông kể tiếp, vào những năm giặc đánh phá ác liệt, khói lửa ngút trời Đồng Tháp Mười, ông hoạt động ở khu vực Gãy Cờ Đen, kinh Dương Văn Dương,... Địch đánh bom rát quá, ông lánh sang Đồng Tháp ẩn náu trong nhà dân. Mùa nước nổi 1966, ông vừa bơi xuồng tới xã Vĩnh Châu (huyện Tân Hưng) thì bất ngờ trực thăng Mỹ xuất hiện, sà tới bắn bể nát mũi xuồng, ông phải bỏ xuồng mà chạy.


Kỷ vật thời Nam bộ kháng chiến: Chiếc nóp được bó gọn như ba lô để đeo lên vai khi hành quân. Súng trường, thanh trường kiếm, gậy tầm vông vạt nhọn, súng lục, muỗng vùa để ăn cơm... (Ảnh chụp tại nhà thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất ở TP.HCM)

Rồi ông gặp một lão nông có cảm tình cách mạng, cho mượn chiếc ghe lườn, còn tặng thêm chiếc nóp. Ông căng nóp làm buồm cho ghe chạy được nhanh để thoát khỏi tay giặc, vào trú ẩn trong khu Láng Sen. Tại đây, nhiều khi địch đánh từ phía Tân Hồng (Đồng Tháp) lên khu Láng Sen, ông phải nhận ghe chìm xuống nước rồi phủ lá sen lên đầu núp để tránh trực thăng Mỹ. Đêm thì lên gò cao, chui vô nóp mà ngủ, muỗi mòng, các loại côn trùng và rắn rết không thể “quấy rầy”. Trực thăng Mỹ có bay rà trên đầu, thì mình có cả rừng tràm che chở,...

Đó là câu chuyện của ông Lê Văn Thích - nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Hưng. Ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945, ông mới lên 3, nhưng vẫn nhớ câu hát rực cháy tim gan của ngày đầu máu lửa vang khắp làng trên xóm dưới của mình: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/... Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà đoàn người giàu lòng vì nước/ Nóp với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân trai nào kém oai hùng...”.

2. Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, tôi đi xuồng dọc kênh Ma Ren, băng qua xã Tân Hiệp (huyện Thạnh Hóa) hãy còn rất sơ sài. Đến khu vực trấp Rùng Rình, tôi lên bờ, vào chòi của 2 lão cựu chiến binh đều cấp bậc trung tá quân đội lâu năm, quá tuổi “xưa nay hiếm” còn lên đây khẩn đất. Đêm nghỉ lại chòi với 2 ông già, 2 ông cứ quơ vỏ tràm mà đốt, khói xông mù mịt khiến không còn một con muỗi nào vo ve.

Ông tên Nguyễn Văn Ngôi (Tư Ngôi) nói, "nhà tui ở Đức Hòa, kế nhà thầy Cai tổng Vinh. Bữa đó, thầy Cai tổng huy động hàng chục lực điền tới nhà máy xay xát vác gạo vô bao chất thành đống. Các con ông là Nguyễn Văn Một, Nguyễn Văn Hượt và Nguyễn Văn Hạo đang ăn học ở Sài Gòn, đều về hết, đêm nào cũng luyện võ cho đám trai trẻ. Rồi Nam bộ kháng chiến nổ ra, gạo thóc của thầy Cai đều đưa hết xuống ghe chạy vô chiến khu Đồng Tháp Mười. Các con thầy thì dẫn trai trẻ ở nhà máy xay xát đi kháng chiến, mỗi người đều được phát cho một chiếc nóp do các bà, các cô trong làng đan tặng. Sau này, cả 3 người con trai thầy Cai tổng Vinh đều là cấp chỉ huy trong quân đội, có tiếng văn võ song toàn.

Ông kia tên Nguyễn Văn Hên nói, ngày đó, tui cũng “nóp với giáo mang ngang vai” mà đi. Đi dọc kinh Dương Văn Dương hay kinh Nguyễn Văn Tiếp đều thấy 2 bên bờ đầy những chiếc nóp dựng làm lều che mưa, ánh lên màu vàng rực. Đây là khu vực đóng quân của các tiểu đoàn 307, 309, 311,...

Ông Tư Ngôi nói, "tui cũng ra đi theo tiếng gọi Nam bộ kháng chiến với gậy tầm vông và chiếc nóp quảy lên vai. Tui nhớ mãi hình ảnh thầy Cai tổng Vinh. Giặc Pháp sau khi tái xâm chiếm nước ta, chúng giựt sập hết nhà ở lẫn nhà máy xay xát, tịch thâu hết gia sản của thầy Cai. Khi ông Hạo hy sinh, thầy Cai vai mang chiếc nóp, nách cắp mo cau cơm, chân lội nước dọc bờ sông Vàm Cỏ Đông để tìm xác con...".

Giọng ông chợt nghẹn lại: “Tui thương ổng, một con người nghĩa khí, chí tình với cách mạng!”. Tôi nằm nghe chuyện 2 lão cựu chiến binh mà nhớ câu thơ của vua Trần Nhân Tông cảm tác sau chiến thắng quân Nguyên Mông trở về: “Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong” (Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong).

Lại nhớ hình ảnh người thương binh đặc biệt Lê Thống Nhất, gần tuổi 90 mà mỗi lần kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến là ông nằm vắt vẻo trên chiếc xe đặc biệt dành cho người mất cả hai chân mà hát đi rồi hát lại bài “Nam bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn: “Mùa thu rồi, ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến...” trong khi mắt vẫn đăm đăm nhìn chiếc nóp treo trên tường cùng các loại vũ khí thô sơ: Dao trường, gậy tầm vông vạt nhọn,... - kỷ vật thời Nam bộ kháng chiến của ông./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết