Lệ thường hàng năm, cứ đến rằm tháng Giêng, tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An lại diễn ra Lễ cúng Cầu an, Lễ giỗ Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) và Hội thi đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ. Nhưng năm nay, do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên những hoạt động này tạm dừng. Tưởng nhớ vị hậu tổ của loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhiều người nhớ lại ngày đưa linh vị Đức nhạc sư từ quận 8, TP.HCM về thờ tại đình Vạn Phước cách đây hơn 20 năm.
Đình Vạn Phước - nơi diễn ra các hội thi đờn ca tài tử Nam bộ, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống
1. Đó là một sáng đẹp trời rằm tháng Giêng năm Đinh Sửu 1997, sau Hội thảo khoa học về nhạc Lễ và ĐCTT Nam bộ diễn ra trọn ngày hôm trước là Lễ rước bài vị của nhạc sư khai sáng bộ môn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ - Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) từ một ngôi đình nhỏ ở quận 8, TP.HCM, về thờ tại đình Vạn Phước. Đoàn rước bài vị mặc trang phục cổ truyền; cờ, lọng rợp trời; nhạc lễ, múa lân tưng bừng. Người dân đứng chật hai bên đường và sân đình đón chờ sự kiện. Người dân xem nhạc sư như một vị thần được thờ ở đình vì là người khai sáng bộ môn nghệ thuật ĐCTT Nam bộ “chứa đựng đầy đủ, đậm đặc các giá trị văn hóa Việt và có những đặc trưng riêng. Là một loại hình văn nghệ thính phòng, nằm trong không gian văn hóa Nam bộ khá đặc biệt. Theo thời gian, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ phát triển vừa mang tính chuyên nghiệp, vừa mang tính dân gian, tài tử. Nó là sự tích tụ, trải nghiệm âm nhạc cổ truyền Việt Nam ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam của cả ngàn năm. Nó có sức mạnh lạ lùng, lý thuyết truyền khẩu chặt chẽ, cô đọng được nhiều truyền thống trong quá khứ” (Giáo sư, Tiến sĩ nhạc học Nguyễn Thuyết Phong nghiên cứu, đúc kết và nêu trong tham luận tại hội thảo trên).
Nhà văn Sơn Nam tuy chỉ nghiên cứu chung về văn hóa - lịch sử Nam bộ, không chuyên sâu về ĐCTT nhưng cũng có mặt suốt cuộc hội thảo, lễ rước và cúng đình Vạn Phước, được mời nói chuyện trước đông đảo cử tọa. Bằng ngữ điệu rặt Nam bộ pha chút dí dỏm, hài hước, ông lôi cuốn người nghe bao nhiêu chuyện thời quan nhạc triều Nguyễn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong bối cảnh nước mất nhà tan sau khi Nam bộ bị cắt ra thành thuộc địa Pháp. Sài Gòn khi ấy đi Lục tỉnh chỉ có đường thủy. Pháp cho mở đường ray xe lửa Sài Gòn qua Tân An - Mỹ Tho và xây cầu Bến Lức, cầu Tân An để phục vụ mưu đồ xâm lược lâu dài. Nhiều tư sản nước ngoài lập nhà kho, nhà máy chế biến lúa, gạo xuất khẩu, trang bị máy móc cồng kềnh, chạy bằng hơi nước làm “đinh tai nhức óc”...
Cụ Nguyễn Quang Đại mang tấm lòng yêu nước vào Nam trong bối cảnh đó. Nhạc Tây chỉ mới du nhập, dành cho người Pháp ở Sài Gòn. Các ban nhạc, đoàn kịch rước từ Pháp qua, chỉ dành cho quan lại Pháp. Đồng bào ta giữ văn hóa của ông, cha nhờ vào các chùa, đình, miếu. Người dân giải trí, phần lớn là nói thơ Vân Tiên, hò hát khi gặt lúa, chèo ghe. Ai nấy đều mê tuồng hát bội. Thực dân Pháp muốn cho người dân thuộc địa Nam kỳ mất gốc nhưng không thành. Ngay cả giới điền chủ, công chức có Tây học sau này vẫn bảo tồn và phát huy cổ nhạc qua nhạc tài tử, tuồng cải lương,...
Nhà văn Sơn Nam cho biết, đã đọc gia phả của một số dòng họ lâu đời ở Cần Đước, Cần Giuộc, cho thấy lịch sử 300 năm vùng này là rất rõ. Cụ Ba Đợi biết người dân vùng này rất chí cốt, chưa bị văn hóa ngoại lai làm mất gốc. Cụ đến Cần Đước, được các gia đình điền chủ trải chiếu bông mời vào trọng đãi để dạy nhạc cho con em, coi đó là việc làm danh giá. Chính vì vậy, chỉ riêng vùng Cần Giuộc, Cần Đước, học trò lớp đầu của cụ Ba Đợi đã khá đông và trở thành những nghệ sĩ có danh tiếng như Nhạc Láo, Nhạc Thời, Hai Tò Le, Sáu Thòn, Chín Chiêu, Năm Tịnh, cô Bảy Lung, cô Sáu Giỏi, ông Xã Năm, Hai Bầu, Năm Khiết, Năm Xem, Ba Đồng, Năm Quýnh,... nối nhau trao truyền nhạc Lễ và ĐCTT cho các lớp sau, đến nay đã trải mấy đời học trò tạo nên chiếc nôi nhạc Lễ và ĐCTT cho Cần Giuộc, Cần Đước.
Cụ Ba Đợi vừa dạy nhạc, vừa cải biên, sáng tạo, làm phong phú kho tàng nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Có thể nói, cụ đã đem dòng nhạc chính thống mang hơi thở, nỗi niềm, khí tiết của dân tộc vượt khỏi cung cách nghiêm trang gò bó, khô khan của nhạc cung đình - ví như sông Hương chảy lờ đờ mà chuyển thành sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai chảy khoan thai, phóng khoáng - hợp với tính cách lưu dân khẩn hoang đất phương Nam. Cụ đã biến dòng nhạc phục vụ vua chúa và tầng lớp quý tộc thành dòng nhạc dân gian để bất cứ người nông dân nào cũng có thể đờn ca hoặc dựa vào các điệu thức đó mà ứng tác, trải tiếng lòng của mình. Từ đó, cuộc hành trình vạn lý của bộ Ngũ châu miền Đông, 8 bản Ngự, 4 điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán cùng 20 bản Tổ do thầy Ba Đợi sáng tác như nước từ nguồn không ngừng tuôn chảy khắp các mạch ngầm dân gian và có sức sống dài lâu, mãnh liệt qua bao thăng trầm, biến thiên lịch sử...
Ông Mười Út (người đeo cà vạt) và nhà văn Sơn Nam (thứ 3, trái qua)
2. Rời đình Vạn Phước, nhà văn Sơn Nam đến nhà ông Mười Út ở xã Tân Lân, cách đình Vạn Phước một cánh đồng.
Ông Mười Út (Nguyễn Văn Hương) mời nhà văn Sơn Nam ngồi lên bộ ngựa trải chiếu bông. Nhìn dáng người nhỏ, gầy của nghệ nhân ĐCTT kỳ cựu ngoài tuổi 80 ngồi gảy đờn tỳ bà, tôi liên tưởng hình ảnh cụ Cao Văn Lầu, cha đẻ bản Dạ Cổ Hoài Lang bất hủ, vào một chiều muộn cuối năm 1973 ở Thảo lư Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang, cũng ngồi chơi đờn, phong cách như ông Mười Út. Hai hố mắt sâu thẳm lim dim thả hồn theo từng giọt đờn. Rồi ông Mười Út chuyển sang đờn tranh.
Vừa so dây nắn phím, ông vừa nói với nhà văn Sơn Nam: “Tui tâm đắc cách Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dạy, rằng chơi ĐCTT là phải biết hòa điệu, biết nhường nhịn, nhưng cũng phải biết quăng bắt. Phong cách tài tử có quy tắc hẳn hòi. Đờn phải tròn vành, rõ chữ, bản nào ra bản nấy, nhạc khí nào chánh, nhạc khí nào phụ... Dù vậy, người đờn cũng phải phát huy tính ngẫu hứng, sáng tạo...”. Rồi lão nghệ nhân búng ra từng con nhạc bằng 10 ngón tay xương xẩu. “Đây là bản Đảo ngũ cung...” - ông giới thiệu và làm xao động tâm hồn lão nhà văn đồng điệu Sơn Nam bởi từng cung bậc đờn tranh réo rắt, bổng trầm.../.
Ông Mười Út đang gãy đờn
Quang Hảo