Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (tỉnh An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng. Dòng chính chảy hướng Đông - Nam về phía chợ Khánh An, có tên khác là sông Bassac, hay sông Bát-Sắc, Ba-Thắc. Dòng phụ chảy theo hướng Tây - Nam, gọi là sông Bình Ghi, men theo biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, ôm gần một nửa cù lao tả ngạn. Khi tới ngã ba Bắc Đai, sông Bình Ghi nhận thêm một lượng nước lớn từ phía Campuchia và được người dân gọi là sông Phú Hội, xuôi về đến vàm Vĩnh Hội Đông, nó lại có tên gọi khác là sông Châu Đốc.
Vào mùa nước lên, dọc theo các tuyến sông đầu nguồn, không khó bắt gặp những “bến cá” tấp nập xuồng ghe. Đó là những vựa cá được người dân xây cất ven sông để tiện việc thu mua thủy sản, cũng như chuyên chở đi bán lại cho thương lái. Năm nào mấy chợ cá đó đông vui, nhộn nhịp bán mua là biết dân làm nghề hạ bạc bội thu.
Chúng tôi đến “bến cá” đầu nguồn huyện An Phú, khi trời còn tờ mờ sáng đã thấy hàng chục chiếc ghe đậu san sát nhau. Ghe này cân cá vừa xong là lập tức lui ra để ghe khác tấp vào. Cứ như thế, mỗi bến, có gần 20 nhân công, nhưng làm việc luôn tay, người nào cũng mướt mồ hôi. Dù vậy, trong ánh sáng lúc rạng đông, tôi vẫn thấy vẻ hân hoan trên gương mặt của mỗi người.
Vợ chồng anh Út Lâm bán xong 120kg cá linh, vừa lui ghe vừa đếm số tiền thu được sau một ngày đặt dớn, tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Anh nói, năm nay, nước lên nhiều vào đầu tháng Bảy âm lịch, sau đó hơi “chững” lại lúc cuối tháng. Tuy vậy, lượng cá cũng khá ổn định. Mỗi ngày, trung bình vợ chồng anh đặt dớn được khoảng 100kg, có ngày trúng nhiều lên tới gần 200kg. Dù giá cá linh bán làm cá mồi cho các vùng nuôi cá trê, cá tra chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, nhưng với anh bây nhiêu đó cũng đủ tiền trang trải cuộc sống. Mỗi năm, vào mùa khô, anh chị canh tác mẫu ruộng phía sau nhà, khi thấy nước đổ là lập tức chuẩn bị xuồng ghe, đăng dớn cho vụ đánh bắt. Nước chụp lên đồng là anh chị xuống dớn liền. Năm nay, đã 60 tuổi, nhưng nhìn anh Lâm vẫn rắn rỏi, nước da đen sạm vì dạn dày nắng gió, gương mặt góc cạnh với nụ cười hiền khô lúc nào cũng nở trên môi.
Vợ anh ngồi sau lái phụ họa thêm chuyện hai vợ chồng có nhà cửa gần đó, nhưng mùa nước nổi thì thích ở trên ghe, thăm dớn, bán cá, nấu ăn, mọi việc đều làm lúc lênh đênh sóng nước. Gần 40 năm về chung sống với nhau, năm nào vợ chồng anh cũng làm nghề cá khi nước lên. Có năm giăng lưới, giăng câu, đặt lọp, đặt xà di, gần đây anh chị chuyển sang đặt dớn cá linh đầu mùa, nước bêu chút thì chuyển qua giăng câu cho tới khi nước giựt. Anh chị có 4 người con, 3 đứa theo nghề hạ bạc, chỉ 1 đứa đi làm công nhân trên Bình Dương. Dù cá mắm mấy năm nay có khi trúng khi thất, nhưng vợ chồng Út Lâm luôn tin sẽ sống khỏe bằng nghề này. “Trời cho nhiều thì ăn nhiều, cho ít thì ăn ít, nhưng chắc chắn không đói đâu mà sợ” - anh Út nói thế rồi cười thật lớn, sau đó nổ máy chạy ghe về phía cánh đồng biên.
Anh Trần Văn Tý (41 tuổi) làm chủ một cơ sở thu mua cá với 15 nhân công. Anh cho biết, mỗi ngày, cơ sở anh thu vào khoảng 3 tấn cá, chủ yếu là cá linh non. Số cá này một phần sẽ được bán lại cho các chợ đầu mối, còn đa số là xay ra bán làm cá mồi cho các vùng nuôi. Anh Tý tâm sự: “Làm nghề này, tuy có cực một chút vì phải thức khuya dậy sớm, gánh cá nặng nhọc nhưng thu nhập khá ổn. Mỗi mùa nước, cơ sở của anh lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, lại giúp bà con trong xóm có công ăn việc làm nên anh thấy hài lòng lắm”. Khi trò chuyện với chúng tôi, tay anh Tý vẫn đều đặn xúc cá để vào máy xay. Anh Tý cho biết thêm, xóm anh có hơn 10 cơ sở thu mua cá, dân làm nghề câu lưới muốn ghé bán chỗ nào thì ghé. Các cơ sở này cũng không cạnh tranh nhau bởi lượng xuồng ghe chở cá về mỗi ngày rất nhiều.
Tôi hỏi anh Tý khu vực này chỉ mua cá, vậy các sản vật khác người ta sẽ bán ở đâu. Anh Tý chỉ tay về phía bờ sông đối diện, nơi có mấy chiếc ghe, vỏ lãi đang đậu, nói chỗ đó thu mua cua ốc và các thứ khác. Tôi liền đi qua cầu Nhơn Hội, tới bến sông nơi anh Tý chỉ. Đó là cơ sở thu mua thủy sản của gia đình ông Ba Phước. Khác với mấy cơ sở mua cá, chỗ ông Ba Phước không mướn nhân công, vợ chồng ông phụ trách hết. Nếu ghe tới bán nhiều quá, con cháu ông sẽ xuống làm tiếp. Cái sàn nhà cao được trưng dụng làm chỗ để cân bàn, thùng xốp, bao tải và những thứ khác phục vụ cho việc mua bán. Bà Ba Phước ngồi trên cái bàn gần đó với mấy cuốn tập ghi chép chi chít số liệu, cái máy tính nhỏ và chiếc điện thoại “cùi bắp”, nhưng chuông reo liên tục.
Bà Ba Phước cho biết, chỗ của bà mỗi ngày thu mua khoảng 2 tấn cua, 1,5 tấn ốc; còn lươn, chuột, ếch gom lại chừng 100kg. Cua, ốc đa số được bán lại để người ta xay nhuyễn cho tôm ăn. Còn những loại cua lớn, ốc ngon, lươn, ếch, chuột sẽ bán cho các chợ đầu mối. Gia đình bà Ba đã làm công việc này 40 năm, mùa nước mua cua ốc là chính, còn mùa khô mua chuột, ếch, rắn, lươn nhiều hơn. “Vùng đầu nguồn này sản vật phong phú lắm, mùa nào người ta cũng đánh bắt được, mình chỉ cần mua đừng ép giá, thanh toán tiền bạc sòng phẳng là bà con tin tưởng, có thứ gì cũng đem lại bán cho mình” - bà Ba bộc bạch.
Khi chúng tôi tới, có mấy chiếc vỏ lãi chở đầy cua cập bến. Hai đứa con bà Ba Phước lập tức nhảy xuống vác lên từng bao để cân, xong rồi đổ vào cái khay lớn để phân loại cua. Ông Ba Phước và 4 đứa cháu đứng quây quanh cái khay, tay thoăn thoắt lùa cua theo từng kích cỡ vào những rãnh trên khay. Đó là cách phân loại “cua mồi” và “cua thịt” để tiện cho việc bán lại. Còn bà Ba ngồi trên bàn, lắng nghe con đọc số ký của từng bao cua, ghi chép vào sổ rồi tính tiền trả cho người bán. Từ người lớn đến những đứa trẻ, ai nấy đều làm phần việc của mình thật thuần thục vì đã làm đi làm lại rất nhiều lần.
Tôi ngồi chỗ thu mua của ông Ba Phước chừng 1 giờ, nhưng đếm được 18 chiếc ghe, vỏ lãi đến bán cua, ốc. Chiếc nào ghé vô là cả nhà ông Ba xoắn tay áo lên làm thật nhanh để người dân còn quay trở lại cánh đồng tiếp tục đánh bắt. Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, ông Ba tranh thủ chỉ cho mấy đứa con cách phân loại cua thịt, cua mồi, cách phân biệt ốc bươu vàng và ốc lác, ốc đá. Riêng bà Ba điện thoại cho thương lái, hỏi thăm tình hình giá cả thủy sản thu mua bao nhiêu, bán ra bao nhiêu.
Tôi không ngờ ở một xóm nhỏ vùng biên vốn dĩ rất hẻo lánh này nhịp sống lại tất bật như thế. Đi dọc từ sông Bình Ghi trở xuống, không khó để bắt gặp những “bến sông vui”. Niềm vui của người dân khi đánh bắt cá mắm khẳm ghe chở về đây bán, niềm vui của những cơ sở thu mua khi vừa có thu nhập vừa tạo công ăn việc làm cho người thân, chòm xóm. Tiếng nói tiếng cười lúc nào cũng vang lên trên những bến sông này./.
Theo baoangiang.com.vn
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nhon-nhip-cho-ca-vung-bien-a405587.html