Tiếng Việt | English

19/04/2025 - 07:00

Tân An thành phố tôi yêu

Đầu năm 2000, từ TP.HCM đi Cà Mau tôi ghé thăm người bạn mới quen ở thị xã Tân An. Hai anh em ngồi cà phê vỉa hè trước cửa Công ty Việt Pháp, đối diện trạm biến áp 110kV tỉnh Long An, gần điểm giao giữa đường Hùng Vương với Quốc lộ 1 bây giờ. Khi ấy, xung quanh trạm biến áp còn trồng những bụi tre ngà rậm rạp, đường hai chiều, nhà cửa, phố xá còn lác đác, đơn sơ. Cô chủ quán mặc bộ đồ bà ba màu hồng cánh sen, cười thật tươi bưng ra hai ly cà phê thơm ngào ngạt. Trong câu chuyện của người bạn, Tân An hiện lên với bề dày lịch sử và giá trị văn hóa. Và rồi đúng 20 năm sau, tôi đã trở thành công dân trên mảnh đất này.

Tân An, vừa mang trong mình những nét cổ kính của những ngày đầu mở đất nhưng cũng là một thành phố trẻ trung, đầy năng động (Ảnh: Nghệ sĩ nhiếp ảnh Duy Bằng)

Nằm ở cửa ngõ phủ Gia Định (thành lập năm 1698 - TP.HCM ngày nay) nên từ rất sớm, triều đình Đàng Trong đã có kế sách “chiến lược” đối với vùng đất giáp ranh về phía Tây nhằm vừa gìn giữ biên cương, vừa mở mang bờ cõi về vùng đất mới còn hoang hóa.

Năm 1705, ngay sau khi đánh bại cuộc tiến công của quân Xiêm La vào cửa biển Sầm Khê (Rạch Gầm, Tiền Giang ngày nay), Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân đã đưa quân về đóng ở Vũng Gù (nhiều ý kiến cho rằng từ này xuất phát từ chữ Kompong Ku, nghĩa là bến bò - Tân An ngày nay). Tại đây, ông chỉ huy quân đội xây dựng trận tuyến phòng thủ, khai khẩn vườn ruộng.

Đặc biệt, ông cho đào một con kênh dài khoảng 9km nối thông suốt kênh Vũng Gù, sau này được mở rộng thành sông Bảo Định, nối liền sông Hưng Hòa (tức Vàm Cỏ Tây) với sông Tiền. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, người Việt tiếp tục mở làng, lập ấp dọc theo dòng sông, để rồi vùng đất này ngày càng trở nên trù phú và có vị thế địa chiến lược với cả miền Tây Nam Bộ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tấn Quốc, đây là cơ sở quan trọng để xác định tuổi đời 320 năm của TP.Tân An (1705-2025).

Tiếp theo bước chân mở cõi của Nguyễn Cửu Vân, nửa đầu thế kỷ XVIII, ông Huỳnh Công Lương - một võ tướng từng giữ chức quan Cai Đội trong triều đình chúa Nguyễn, đã đến vùng đất Giồng Cái Én (nay thuộc phường Khánh Hậu, TP.Tân An) lập nghiệp.

Chính tại nơi đây, vợ chồng ông sinh hạ người con Huỳnh Tường Đức, người mà sau này trở thành danh tướng lẫy lừng Nguyễn Huỳnh Đức (quốc tính vua ban). Từ năm 1781 đến 1817, ông có những đóng góp quan trọng giúp vua Gia Long thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi Đại Việt chưa từng thấy. Đặc biệt, trước khi mất, ông đã tự tay xây dựng sinh phần cho chính mình.

Ngày nay, khu vực lăng mộ, đền thờ cùng những di vật gắn liền với tên tuổi vị danh tướng được coi là công trình lăng mộ cổ kính còn giữ được nguyên vẹn, chứa đựng giá trị văn hóa tâm linh rất quan trọng trên mảnh đất Tân An.

Nằm trong khuôn viên 1.280m2, tổ hợp công trình lăng gồm ba cổng, lăng mộ và đền thờ. Chất liệu chính được xây dựng là đá ong, gốm, vữa tam hợp và gỗ quý; kiến trúc chính của khu quần thể mang phong cách lăng mộ cung đình Huế. Đặc biệt trong đền thờ, gia tộc còn giữ được nguyên vẹn các sắc phong, cổ vật từ khi xây dựng như bộ phẩm phục triều đình ban cho Quận công khi còn sống, khám thờ, hoành phi câu đối, đỉnh đồng, lọng tán, trường kỷ, ván gỗ,...

Một buổi chiều nắng trải vàng như màu hổ phách. Cây trôm có tuổi đời trên 300 năm trước cửa lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức xòa bóng kín một góc trời Tân An. Chúng tôi chậm rãi nhẹ bước chân thành kính dưới tán những cây hoa sứ trổ bông thơm thanh khiết. Nhìn nét chữ của người xưa vẫn đứng thâm nghiêm trên nền sơn đỏ; tấm văn bia đã bao trùm rêu phong cổ kính, lòng mỗi người bỗng trào dâng niềm ngưỡng vọng bao la. Chúng tôi khẽ nhắm hờ đôi mắt, lắng lòng vào hơi thở mà tưởng tượng thấy hình dáng vị võ tướng ngày xưa còn đang dạo gót nơi này.

Về Tân An, mọi người sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của dòng sông đã đi vào huyền thoại và cũng đã in đậm trong những vần thơ, câu hát,... Nằm vắt ngang qua phía Đông thành phố, Vàm Cỏ Tây như người phụ nữ dịu dàng. Hai bên bờ, những cây dừa nước khẽ nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông mát lành. Dù mùa nước hay mùa khô, lúc nào dòng sông ở khúc Tân An cũng trong xanh, dịu ngọt. Nhìn dòng sông yên bình thơ mộng là thế nhưng ai có thể ngờ rằng đã có một thời nước sông đỏ lặng một màu mất mát hy sinh.

Dù là một thành phố trẻ nằm ở ngay cửa ngõ trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn cả nước nhưng Tân An vẫn giữ được sự yên bình, nhẹ nhàng vốn có, đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Không có nhiều khu đô thị, thương mại hay công nghiệp sầm uất, đời sống xã hội nơi đây chưa đến mức xô bồ, náo nhiệt. Đường phố được quy hoạch và xây dựng mới nên rộng rãi thênh thang.

Nhà cửa nằm liền kề nhau san sát nhưng không quá cao tầng đồ sộ. Các khu vui chơi công cộng, công viên thoáng mát và sạch sẽ. Ngay cả khu chợ đêm, cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt từ bình dân tới cao cấp, khu ẩm thực với đầy đủ các món ăn hợp khẩu vị cho mọi lứa tuổi; cảm giác dạo chơi nơi này thật nhẹ nhàng, thoải mái. Mua sắm ở Tân An không có cảnh săn đón hay bắt chẹt khách mua hàng. Dù là người địa phương hay khách du lịch thì cũng tha hồ lựa chọn.

Tôi thích những buổi chiều cuối tuần đưa các con ra khu quảng trường vui chơi, ở đó có khoảng không gian bao la cho những cánh diều vươn mình căng gió. Các con tôi sẽ tha hồ thả hồn theo những đám mây trên trời mà mặc sức tưởng tượng. Để rồi sau đó, cả nhà lại chạy lòng vòng ra khu đường Hùng Vương (đoạn phường 6), ở đó có đầy đủ các món ăn phù hợp mọi thành phần, lứa tuổi, từ bún chả Hà Nội, cơm gà, phở, buffet, bánh canh Trảng Bàng, bún bò Huế, bánh xèo miền Tây hay bún xiêm lo có nguồn gốc từ đất nước Campuchia láng giềng,...

Tân An, vừa mang trong mình những nét cổ kính của những ngày đầu mở đất nhưng cũng là một thành phố trẻ trung, đầy năng động để rồi ai đi xa cũng nhớ, cũng hướng về thành phố thân yêu./.

Nguyễn Hội

Chia sẻ bài viết