Vai trò then chốt của giáo dục giới tính
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, nhấn mạnh rằng giáo dục giới tính đóng vai trò then chốt.
Theo ông Nghinh, giáo dục giới tính cần được triển khai một cách đầy đủ và bài bản từ gia đình đến nhà trường, được lồng ghép chính thức trong các cấp học từ trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Giáo dục giới tính giữ vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ tự bảo vệ bản thân. ẢNH MINH HỌA
Tại trường học, chương trình giáo dục giới tính phải vượt ra ngoài kiến thức sinh học đơn thuần, bao gồm các nội dung về quyền và trách nhiệm trong quan hệ tình dục, cách phòng tránh thai, phòng ngừa xâm hại tình dục, bản sắc giới và kỹ năng xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Trong gia đình, cha mẹ cũng cần đóng vai trò chủ động, là người đầu tiên và gần gũi nhất hướng dẫn con cái về các vấn đề giới tính và sức khỏe sinh sản. Hiện nay do nhiều phụ huynh còn e ngại hoặc thiếu kiến thức nên cần có các chương trình hỗ trợ, tập huấn để giúp họ tự tin hơn khi trò chuyện với con.
Khi nhà trường và gia đình cùng đồng hành trong việc giáo dục giới tính, trẻ sẽ có được nền tảng vững chắc để bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ như mang thai ngoài ý muốn hay bị xâm hại tình dục.
Đồng ý kiến, bác sĩ Phạm Quang Nhật, Phó trưởng khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ cũng nhấn mạnh rằng công tác tuyên truyền và giáo dục giới tính cần được thay đổi về cách tiếp cận để trẻ thực sự thấu hiểu và liên hệ với bản thân.
Theo bác sĩ Nhật, điều quan trọng là làm sao để trẻ không chỉ tiếp nhận kiến thức như một người ngoài cuộc, tức là đứng ở "ngôi thứ ba", chỉ quan sát như đang xem một bộ phim; mà phải cảm nhận được mình là người trong cuộc, là "ngôi thứ nhất" hoặc "ngôi thứ hai" trong câu chuyện đó.
Trẻ cần được đặt vào vai trò chủ thể, hiểu rằng nếu mình mang thai ngoài ý muốn thì chính bản thân sẽ phải đối mặt với những hệ lụy gì, phải làm gì để bảo vệ chính mình. Khi trẻ được hướng dẫn và trải nghiệm kiến thức từ góc nhìn của chính bản thân, thay vì chỉ nghe kể về “người khác” thì hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn rất nhiều.
Đối với góc độ gia đình, bác sĩ Nhật cho rằng việc làm sao để cha mẹ có thể nói chuyện với con về giới tính một cách nhẹ nhàng, không tạo cảm giác ép buộc hay răn đe là điều không dễ. Vì vậy, cần có các buổi truyền thông, tập huấn dành riêng cho phụ huynh, hướng dẫn cách nói chuyện sao cho trẻ dễ tiếp nhận, cảm thấy thoải mái và không bị áp lực.
Trách nhiệm tạo dựng một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn cho con
Trước thực trạng các trường hợp trẻ mang thai, sinh con hay phá thai đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, luật sư Đào Đức Hạnh, Đoàn luật sư TP.HCM nhấn mạnh vai trò của bậc làm cha mẹ.
Ông cho rằng mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với con cái, nhất là việc phòng, chống xâm hại cho trẻ.

Cần tạo dựng một gia đình hạnh phúc, trọn vẹn cho trẻ. ẢNH MINH HỌA
Gia đình cần phối hợp để hướng dẫn trẻ nhận biết và phòng tránh những hành vi xâm hại. Đặc biệt, cha mẹ không nên né tránh mà cần chủ động trò chuyện với con về những vấn đề nhạy cảm.
Hãy dạy trẻ rằng “chỗ riêng tư” trên cơ thể là nơi không ai được phép chạm vào. Trẻ cũng cần hiểu rằng những hành vi xâm hại tình dục là vi phạm pháp luật và các em có quyền được bảo vệ cũng như biết cách tự bảo vệ bản thân.
Trẻ em có quyền từ chối những cái ôm hoặc bất kỳ hành động tiếp xúc nào khiến các em cảm thấy không thoải mái. Cha mẹ cần dạy con không được nhận quà từ người lạ và tuyệt đối không đi theo ai vào nơi kín đáo, vắng vẻ khi chưa có sự đồng ý của bố mẹ.
Đồng thời, hãy trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giúp các em nhận biết và tránh xa những người có ý định xấu.
Luật sư Hạnh nhấn mạnh rằng cha mẹ cần tạo cho con một môi trường đầy yêu thương, an toàn và ấm áp, nơi trẻ luôn được lắng nghe và quan tâm. Khi cảm nhận được sự bảo vệ từ gia đình, trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ nếu gặp điều gì bất thường.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần biết rõ con mình đang ở đâu, làm gì, với ai, đặc biệt là khi trẻ sử dụng internet hoặc ra ngoài một mình. Việc này giúp hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với những người có ý định xấu.
Về mặt chính sách, luật sư Hạnh cho rằng nhà nước cần xác định rõ các nhóm trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục ở từng địa phương để theo dõi, hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi cần thiết.
Đồng thời, hệ thống pháp luật cũng cần được hoàn thiện với các quy định rõ ràng hơn về khái niệm xâm hại tình dục trẻ em, các biểu hiện cụ thể của hành vi xâm hại, cũng như trách nhiệm và thẩm quyền của từng cơ quan trong việc bảo vệ trẻ.
Giải pháp về sức khỏe sinh sản
PGS-TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng cho rằng bên cạnh giáo dục, việc tạo điều kiện cho trẻ vị thành niên tiếp cận các dịch vụ y tế an toàn, thân thiện và thuận tiện cũng là một giải pháp quan trọng.
Các chính sách cần được xây dựng theo hướng hỗ trợ để trẻ dễ dàng tìm đến sự giúp đỡ khi cần, được tư vấn đúng đắn và giải quyết hậu quả một cách an toàn, toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Khi trẻ được tiếp cận sớm với kiến thức và dịch vụ phù hợp, nguy cơ phải đối mặt với những biến cố nghiêm trọng trong độ tuổi non nớt sẽ giảm đi đáng kể.
Cùng ý kiến này, ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM cho biết: Nhà nước cần xây dựng và thực hiện các chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và phòng chống HIV dành riêng cho trẻ vị thành niên. Cần đặc biệt quan tâm đến những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn và mang thai ngoài ý muốn cao.
Những chương trình này cần được triển khai một cách tế nhị, đảm bảo tính bảo mật, không phán xét, không kỳ thị và không phân biệt đối xử.
Mặt khác, theo ông Bình, để ngăn ngừa tình trạng mang thai sớm và nâng cao sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, công tác truyền thông cần được tăng cường và thực hiện một cách hiệu quả hơn, bằng cả hình thức gián tiếp như qua mạng xã hội (Zalo, TikTok, Facebook...) và trực tiếp như truyền thông nhóm nhỏ, sân khấu hóa nội dung./.
Theo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/bao-dong-tre-vi-thanh-nien-sinh-con-hay-day-tre-biet-bao-ve-cho-rieng-tu-185250412163112928.htm