Tiếng Việt | English

17/05/2021 - 10:10

Những điểm mới của Luật số 62/2020/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng

Luật Xây dựng được ban hành năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, sau hơn 4 năm thực hiện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế. Đặc biệt sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực, đã có một số luật mới liên quan được ban hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Kiến trúc, cũng như nhiều luật khác được sửa đổi. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 để hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng là hết sức cần thiết.

Một góc Công viên phường 3, TP.Tân An. Ảnh: Phương Oanh

 

Một góc Công viên phường 3, TP.Tân An. Ảnh: Phương Oanh

Ngày 17/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14, trong đó một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 có hiệu lực sớm kể từ ngày 15/8/2020 và toàn bộ Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.

Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng 2014 là tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn công tác đầu tư xây dựng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quan điểm, yêu cầu xây dựng Luật

Thứ nhất, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Thứ hai, phù hợp với thực tiễn, tập trung sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất và đã được đánh giá tác động, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện.

Thứ ba, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm tính tương thích của các chính sách với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Thứ tư, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tăng cường phân cấp hợp lý và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Luật số 62/2020/QH14 được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: (i) Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; (ii) Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; (iii) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Trên cơ sở đó, Luật số 62/2020/QH14 đã sửa đổi, bổ sung 64 điều, bổ sung thêm 2 điều và thay thế thuật ngữ tại 13 điều trên tổng số 168 điều của Luật Xây dựng. Luật được bố cục gồm 3 Điều như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14, Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 40/2019/QH14.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 40/2019/QH14.

Điều 3. Điều khoản thi hành.

Quy định thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo Luật số 62/2020/QH14 phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng: Việc thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư để quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt thiết kế xây dựng; việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng để kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng. Quy định này cắt giảm thủ tục hành chính của cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định một số nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và thẩm định toàn bộ dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Dự án đầu tư xây dựng có quy mô lớn hoặc có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng và dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được quy định tại Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về  quản lý dự án đầu tư xây dựng, có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chủ đầu tư tổ chức thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở để làm cơ sở phê duyệt. Cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thẩm định bước thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Bên cạnh đó, được miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14.

Đánh giá chung các chính sách của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 dự báo tác động đến người dân và xã hội như sau:

Về kinh tế: Giảm thời gian, chi phí, nội dung thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư xây dựng (thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng).

Về xã hội: Tác động tích cực đến môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng.

Về thủ tục hành chính: Thực hiện lồng ghép, đồng thời, song song các thủ tục liên quan trong quá trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế xây dựng. Không phát sinh thủ tục hành chính mà giải pháp này nhằm đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính.

Về hệ thống pháp luật: Tạo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch trong hệ thống pháp luật.

Một góc chợ Tân Trụ. Ảnh: Duy Bằng

Một góc chợ Tân Trụ. Ảnh: Duy Bằng 

Tình hình triển khai hoạt động thi hành Luật:

Thứ nhất, ban hành văn bản quy định chi tiết và chỉ đạo, đôn đốc thi hành: Các cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật phù hợp với quy định pháp luật có liên quan. Sở Xây dựng đã dự thảo Quyết định Ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An; Quyết định Ban hành Quy định về phân cấp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và dự toán xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An; Quyết định Ban hành quy định về phân cấp quản lý cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An; đang lấy ý kiến góp ý trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành theo quy định.

Thứ hai, rà soát pháp luật liên quan, tuyên truyền, phổ biến Luật: Sở Xây dựng đã tham dự hội nghị tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật tại Cục Công tác phía Nam - Bộ Xây dựng. Đồng thời, ngày 20/4/2021 Sở Xây dựng đã phối hợp Viện Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và các Nghị định, quy định chi tiết.

Nội dung tập huấn bao gồm các nghị định: Nghị định 06/2021/NĐ-CP, ngày 26/01/2021 Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP, ngày 09/02/2021 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, ngày 09/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, ngày 03/3/2021 Quy định chi tiết một số nội dung về  quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, ngày 26/3/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, ngày 01/4/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Thứ ba, kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thực hiện: Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tình hình thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật./.

Sở Xây dựng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích