Theo tạp chí Diplomat, chuyến thăm của Tổng thống Obama đã hiện thực hóa lời hứa của ông với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm 2013 là “sẽ làm hết sức mình” để có thể đến thăm Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Tờ Diplomat nhận định, chuyến thăm của Tổng thống Obama đã vượt qua những nghi thức thông thường về ngoại giao trong việc “đáp lễ” những chuyến thăm trước đó của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi họp báo chung ngày 23/5
Rõ ràng, Tổng thống Obama muốn xóa bỏ những tàn dư trong quá khứ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba, Iran, Myanmar và Việt Nam trong những tháng cuối cùng khi còn tại nhiệm.
Tại Việt Nam, Tổng thống Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương mà theo ông đã tồn tại tới 5 thập kỷ.
Lịch sử đầy phức tạp của lệnh cấm buôn bán vũ khí
Lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương với Việt Nam được Mỹ áp đặt với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8/1964 và được mở rộng vào năm 1975 sau khi Việt Nam đã thống nhất.
Đến tháng 12/1984, Mỹ thông qua danh sách Quản lý Buôn bán Vũ khí Quốc tế (ITAR) theo đó áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí “đối với các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm buôn bán vũ khí trừ khi việc buôn bán này là nhằm thúc đẩy hòa bình trên thế giới và tuân thủ chính sách về an ninh và ngoại giao của Mỹ”.
Việt Nam cũng bị liệt vào danh sách ITAR cùng với các quốc gia khác như Albania, Bulgaria, Cuba, Séc và Slovakia, Đông Đức, Estonia, Hungary, Campuchia, Latvia, Litva, Triều Tiên, Mông Cổ, Ba Lan, Romania và Liên Xô.
Bất chấp quyết định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1994 dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Cliton, danh sách ITAR vẫn được duy trì như một “tàn tích” của thời Chiến tranh Lạnh.
Tổng thống Obama phát biểu về quan hệ Việt-Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24/5
Đến tháng 10/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực về an ninh hàng hải bằng việc tập trung vào việc hỗ trợ vũ khí phòng thủ cho lực lượng tuần duyên Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam không muốn “bị kẹt lại” ở việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí và tiếp tục đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Obama ngày 23/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương là “một bằng chứng rõ ràng cho thấy hai nước đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ”.
Cơ hội mua sắm vũ khí Mỹ của Việt Nam
Việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm buôn bán vũ khí cũng mở ra cơ hội để Bộ Quốc phòng Việt Nam trao đổi và hợp tác sâu rộng hơn nữa với Lầu Năm Góc và các tập đoàn quốc phòng của Mỹ.
Theo nhà báo kỳ cựu của Mỹ Wendell Minnick, Việt Nam đang rất quan tâm đến việc mua các máy bay không người lái để phục vụ việc giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo trên biển. Ngoài ra, Việt Nam còn muốn mua máy bay tuần tra P-3C Orion, tiêm kích F-16 và các hệ thống phòng không của Mỹ.
Năm 2015, Việt Nam đã chính thức thôi sử dụng 4 chiếc chiến đấu cơ MiG-21 của Nga và đang tính đến việc mua một vào chiếc F-16 để thay thế. Đây là loại máy bay được sử dụng rộng rãi bởi Không quân các nước Đông Á như Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Vấn đề nhân quyền
Tháng 6/2013, trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cùng Tổng thống Obama ra Tuyên bố chung về mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó nêu rõ 9 lĩnh vực hợp tác lớn, bao gồm cả việc thúc đẩy và bảo vệ quyền co người.
Tổng thống Obama trò chuyện cùng khoảng 800 thủ lĩnh trẻ Việt Nam tại buổi gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) tại TP.HCM ngày 25/5
Nội dung về nhân quyền trong Tuyên bố chung nêu rõ vẫn còn tồn tại những bất đồng giữa hai nước. Tuy nhiên, Tuyên bố chung cũng nêu rõ, Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác cũng như cho phép Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Tự do Tôn giáo và Tín ngưỡng đến Việt Nam. Việt Nam đã thực hiện đầy đủ cả 2 cam kết nói trên.
Kể từ năm 2013, Việt Nam đã sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình trong đó không thừa nhận nhưng không cấm hôn nhân đồng giới. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tiến hành sửa đổi Hiến Pháp, trong đó có bổ sung các điều về nhân quyền (Điều 3), tự do tôn giáo (Điều 24) và tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25).
Đến tháng 11/2014, Quốc hội Việt Nam cũng thông qua Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Dân sự và Luật Tố tụng Dân sự sửa đổi theo hướng bảo đảm hơn nữa quyền lợi của công dân.
Liên quan đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam, Tổng thống Obama ngày 23/5 thừa nhận: “Đây là lĩnh vực mà hai bên vẫn còn nhiều bất đồng. Dù vậy, Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ trong những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm”.
Một ngày sau, tại một cuộc họp báo, khi được hỏi về việc “làm thế nào để có thể giải quyết được nhiều bất đồng mang tính căn bản giữa hai quốc gia”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói: “Chúng tôi đã đạt được những tiến bộ đáng kể và những nỗ lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ người tàn tật đã được ghi nhận”.
Mỹ sẽ thường xuyên điều tàu đến cảng Cam Ranh?
Vào cuối năm 2015, Việt Nam đã mở một cảng mới ở Vịnh Cam Ranh và Hải quân Mỹ được hoan nghênh sử dụng cảng này giống như Hải quân các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, ít có khả năng Việt Nam chấp thuận cho Mỹ hiện diện thường xuyên và luân phiên tại đây giống như thỏa thuận mà Mỹ đã đạt được với Philippines.
Theo quy định hiện hành, Việt Nam chỉ cho phép một quốc gia được điều tàu Hải quân đến nước này mỗi năm một lần. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, giới hạn này sẽ được dỡ bỏ để cho phép tàu Hải quân các nước tham gia vào các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo trong khu vực như Tổng thống Obama nêu ra ngày 24/5.
“Chúng tôi hy vọng rằng, quân đội hai nước sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong việc đối phó với các thảm họa nhân đạo trong khu vực. Sẽ có những thời điểm có thêm nhiều tàu Mỹ đến Việt Nam. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi chỉ làm điều này khi nhận được lời mời của Chính phủ Việt Nam”, ông Obama tuyên bố./.
Trần Khánh/VOV.VN