Tiếng Việt | English

25/12/2021 - 15:30

Những lý do khiến đồ dùng điện tử của bạn nhanh hỏng

Nếu bạn đang thắc mắc tại sao đồ dùng điện tử của mình lại nhanh hỏng thì hãy để ý những thói quen dưới đây.

1. Dùng kim loại để vệ sinh cổng sạc

Vị trí cổng sạc khá sâu và cứng khiến việc làm sạch nó khá khó khăn, vì vậy một số người sẽ sử dụng các vật kim loại như ghim, dao hoặc kẹp giấy để vệ sinh nó dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, điều này có thể làm xước cổng sạc điện thoại và thậm chí là làm hỏng nó.

Một trong 2 biện pháp tốt nhất để vệ sinh cổng sạc là sử dụng một chiếc tăm đủ nhỏ để vừa bên trong cổng và làm sạch tất cả các góc cạnh. Lựa chọn thứ hai là sử dụng một máy nén khí có thể thổi hết bụi và mảnh vụn. Lưu ý, tránh thổi bằng miệng vào bên trong cổng vì hơi thở của bạn có chứa các hạt nước có thể làm hỏng cổng sạc.

2. Để điện thoại “phơi nắng”

Để điện thoại ngoài cửa sổ trong khi sạc là thói quen của không ít người. Tuy nhiên, điều này sẽ vô tính khiến điện thoại của bạn mất nhiều thời gian hơn do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời làm chậm quá trình sạc. Không những vậy, màn hình sẽ hấp thụ nhiệt rất nhanh và bắt đầu chập chờn. Trong trường hợp xấu nhất, điện thoại của bạn có thể quá nóng và tắt nguồn để tự bảo vệ.

3. Để pin về 0% rồi mới sạc

Phần trăm tuổi thọ pin tốt nhất nằm trong khoảng 20% ​​-80%. Bạn không nên để điện thoại giảm xuống 0% trước khi sạc, đồng thời việc sạc đầy pin điện thoại đến hơn 80% có thể gây hiện tượng phồng pin. Giới hạn lý tưởng là sạc nó đến 50%, vì vậy một nửa số ion liti nằm trong lớp oxit liti coban và nửa còn lại nằm trong lớp graphit.

Những nếu điều này khiến bạn cảm thấy phiền toái vì phải sạc pin nhiều lần, vậy hãy cố gắng sạc nó ở mức tối đa là 80%.

4. Thường xuyên để điện thoại bị ướt

Đối với những chiếc điện thoại không có tính năng chống nước, việc bị rơi xuống nước hiển nhiên sẽ khiến chúng bị hỏng. Tuy nhiên, kể cả khi điện thoại của bạn có tính năng chống nước hiệu quả, thì việc làm ướt điện thoại không lý do cũng sẽ vô cùng nguy hại.

Tính năng chống nước có thể sẽ hoạt động hiệu quả nếu điện thoại bị dính mưa hay rơi xuống nước trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu bị ngâm dưới nước trên 30 phút thì khó để đảm bảo rằng điện thoại của bạn không hề hư hại.

5. Tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng chưa được xác minh

Vì nhiều lý do mà không ít chúng ta khá “dễ tính” trong việc tải “thử” các phần mềm miễn phí về điện thoại. Tuy nhiên, việc này ẩn chứa rất nhiều rủi ro nếu như các phần mềm đó có chứa virus độc hại. Đó là lý do tại sao bạn nên theo dõi các cửa hàng ứng dụng chính thức có xếp hạng và đánh giá cho tất cả các ứng dụng.

Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng chương trình chống vi-rút của bạn đang bật để phát hiện bất kỳ phần mềm độc hại nào đang cố gắng xâm nhập vào thiết bị của bạn.

6. Để bàn phím máy tính bị bẩn

Dù cho bạn có đang sử dụng loại máy tính nào thì theo thời gian, bụi, tóc và các mảnh vụn sẽ bị mắc kẹt trong bàn phím.Thậm chí, vụn bánh hay vụn thực phẩm còn có thể thu hút một số côn trùng và động vật “làm tổ” trong máy tính của bạn.

Hãy đảm bảo rằng, bạn đã hạn chế tối đa việc bụi bẩn hay các mảnh vụn xâm nhập vào máy tính. Đồng thời, hãy làm sạch khu vực làm việc và máy tính của bạn thường xuyên.

7. Mang đồ điện tử vào phòng tắm

Mang điện thoại vào phòng tắm không chỉ không tốt cho sức khỏe mà còn có thể gây nguy hiểm cho điện thoại và chính bạn. Khi bạn đứng dậy từ nhà vệ sinh, điện thoại của bạn có thể tuột khỏi tay và rơi xuống nước. Nếu bạn để điện thoại ở bên cạnh khi đang tắm, chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến điện thoại và bộ sạc rơi vào bồn, gây điện giật chết người.

8. Sạc điện thoại qua đêm

Các nhà sản xuất điện thoại di động, như Apple, khuyến cáo rằng việc để điện thoại sạc qua đêm sẽ rất có hại. Đó là bởi vì điện thoại của bạn sẽ ngừng sạc sau khi đạt 100% và khi đạt đến 99%, nó sẽ cần phải nỗ lực gấp đôi để sạc lại. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, tuổi thọ pin được bảo quản tốt nhất nếu sạc điện thoại đến 80%, và điều này hiển nhiên sẽ không xảy ra nếu nó được cắm điện cả đêm.

9. Nâng máy tính xách tay bằng màn hình

Nâng máy tính xách tay bằng “màn hình” là một ý tưởng tồi và có thể làm hỏng máy tính của bạn. Việc tác động quá nhiều lực lên bản lề sẽ gây ra hư hỏng toàn bộ màn hình, khiến bản lề bị gãy.

Cách tốt nhất để nâng máy tính xách tay của bạn lên là nắm lấy máy bằng cả hai tay từ mỗi bên và nhẹ nhàng đưa máy lên bề mặt bằng phẳng. Hãy nhớ rằng để máy tính xách tay của bạn trên các bề mặt không bằng phẳng có thể khiến máy bị cong.

10. Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa gia dụng để làm sạch màn hình

Đừng bao giờ nghĩ đến việc sử dụng nước lau kính cửa sổ hay bất kể các chất tẩy rửa đồ gia dụng nào khác để vệ sinh màn hình máy tính của bạn. Các hóa chất trong đó, đặc biệt là amoniac, là những chất tẩy rửa quá mạnh đối với màn hình.

Trong trường hợp bạn không có nước tẩy chuyên dụng và bạn cần làm sạch màn hình ngay lập tức thì hãy sử dụng một mảnh vải và một ít nước thường, thay vì các chất tẩy rửa khác. Tuy nhiên, bạn không nên đè quá nhiều lên màn hình vì nó có thể gây ra điểm chết. Đặc biệt, đừng sử dụng khăn giấy trong bất kỳ trường hợp nào vì chúng sẽ làm xước màn hình của bạn./.

CTV Vũ Tuyến/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích