Phiên chợ hàng việt 0 đồng
Sau khi sắp xếp đồ lên xe cẩn thận, chị Lê Thị Giang (ấp Vĩnh Viễn, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) lấy viên kẹo nhỏ cho con. Kẹo chị vừa mua được trong Phiên chợ 0 đồng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thanh Vĩnh Đông. Chị Giang chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đi chợ 0 đồng. Chợ có đủ từ gạo, gia vị đến rau, trái cây tươi và cả bánh, kẹo. Có bánh, kẹo nên con tôi mừng lắm!”.
Người dân mua hàng ở Phiên chợ 0 đồng tại xã Thanh Vĩnh Đông
Lần đầu tiên UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành phối hợp các đoàn thể và mạnh thường quân tổ chức Phiên chợ 0 đồng dành cho các hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo. Phiên chợ diễn ra khá thành công. Khi mới nhận thư mời dự Phiên chợ 0 đồng, nhiều người tò mò, e ngại bởi không biết Phiên chợ 0 đồng sẽ như thế nào, liệu có giống một buổi tặng quà thường thấy hay không? Nhờ cách bố trí các gian hàng theo hình vòng cung và quy định người đi chợ chỉ được đi theo 1 chiều nên dù đông người nhưng Phiên chợ 0 đồng tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thanh Vĩnh Đông diễn ra rất trật tự, vui vẻ. Rời phiên chợ, ai nấy đều “tay xách nách mang” cùng nụ cười rạng rỡ.
Ngồi nghỉ dưới tán cây khi vừa rời phiên chợ, chị Trần Thị Tuyết Hoa (ấp Xuân Hòa 2, xã Thanh Vĩnh Đông) vui vẻ nói: “Tôi đi chợ giùm cô hàng xóm, cô ấy lớn tuổi, sức khỏe không tốt. Cũng may là hôm nay tôi đi, chứ nếu là cô ấy, tôi không biết làm sao cô có thể mang hết bao nhiêu đây hàng hóa về được. Cái hay của chợ này là sản phẩm toàn là hàng Việt Nam. Tôi ở nhà cũng sử dụng hàng Việt nên nhìn qua là biết ngay, hàng Việt mình đâu có thua kém gì hàng ngoại đâu, mà giá rẻ hơn”.
Theo Đại đức Thích Huệ Quang - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Châu Thành, một trong số các mạnh thường quân tài trợ cho phiên chợ, toàn bộ sản phẩm, hàng hóa được bán tại chợ đều là hàng Việt bởi ngoài mục đích hỗ trợ các hộ khó khăn, phiên chợ còn mong muốn truyền thông đến người dân về việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Đại đức Thích Huệ Quang khẳng định: “Sản phẩm Việt của chúng ta rất chất lượng, giá cả lại phải chăng. Khi sử dụng hàng Việt, chúng ta vừa tiết kiệm cho gia đình, vừa góp phần giúp các doanh nghiệp Việt duy trì và phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động cũng chính là con em của mỗi chúng ta”.
Người đi Phiên chợ 0 đồng "tay xách nách mang" khi ra về
Sau gần 1 giờ, Phiên chợ 0 đồng tan hẳn. Người đi chợ chất đầy hàng hóa lên xe, mang theo niềm vui và câu chuyện hàng Việt về nhà, kể cho xóm giềng cùng biết.
Đổi rác thải nhận con giống
Sẻ chia, đùm bọc vốn là truyền thống tốt đẹp của người Việt nên những mô hình hay, ý nghĩa luôn được chính quyền, người dân xây dựng, duy trì và nhân rộng. Tính đến nay, mô hình Đổi rác thải nhận con giống của Chi hội Phụ nữ (PN) ấp Bàu Trai Thượng (xã Tân Phú, huyện Đức Hòa) duy trì được gần nửa năm. Ban đầu, mô hình được chị Nguyễn Thị Bé Tư (Chi hội trưởng Chi hội PN ấp Bàu Trai Thượng) khởi xướng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo hội viên (HV). Cách thức thực hiện mô hình khá đơn giản. HVPN trong Chi hội thu gom ve chai ở gia đình, tập hợp lại một điểm để bán vào một ngày nhất định. Toàn bộ số tiền thu được dùng mua gà con tặng cho HV có hoàn cảnh khó khăn trong ấp. Khi chị Bé Tư vừa nêu ý tưởng, các HV đã ủng hộ nhiệt tình.
Rác thải được thành viên tham gia mô hình gom lại vào một ngày nhất định để bán
Ve chai thì hầu như nhà nào cũng có, nếu không thu gom sẽ gây ô nhiễm môi trường. Khi mô hình được thực hiện, HV trong Chi hội dần hình thành thói quen thu gom và phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường. Chị Bé Tư cho biết, ngoài mục đích hỗ trợ HV có hoàn cảnh khó khăn trong ấp, mô hình Đổi rác thải nhận con giống còn góp phần thực hiện cuộc vận động "5 không, 3 sạch" do Trung ương hội phát động. Ban đầu, mô hình chỉ kêu gọi trong HVPN thuộc Chi hội ấp, tuy nhiên, sau vài lần góp ve chai, trao con giống thì số lượng thành viên tham gia mô hình tăng lên nhanh chóng, trong đó có cả các chị em không phải là HV.
Là một trong những người được nhận con giống, chị Nguyễn Thị Đẹp (ấp Bàu Trai Thượng, xã Tân Phú) cho biết: “Bầy gà của tôi phát triển tốt lắm. Nhờ giống tốt nên gà lớn nhanh, khỏe mạnh. Đến khi gà lớn, tôi có thể bán để có thêm thu nhập hoặc dùng cải thiện bữa ăn gia đình. Nhận được tấm lòng của chị em, tôi quý lắm! Tôi cũng tham gia góp ve chai cùng chị em, mong là mình cũng góp phần giúp người khác có được niềm vui như mình”.
Những ngày đổi ve chai thực hiện mô hình, nhà chị Bé Tư như có hội. Chị em PN trong ấp lần lượt đến. Mỗi người mang theo một bao tải ve chai. Khi tất cả được tập hợp lại thành đống lớn giữa sân, mọi người mới ngỡ ngàng trước hiệu quả của mô hình. Nếu không thu gom thì toàn bộ số ve chai đó sẽ mang đến tác hại cho môi trường. Nhờ có mô hình Đổi rác thải nhận con giống mà số ve chai đó được “tái sinh” một cách ý nghĩa, mang lại niềm vui cho PN yếu thế tại địa phương.
Những Phiên chợ 0 đồng, những mô hình trao - nhận vừa phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", vừa thể hiện sự tinh tế khi trao đi, giúp người nhận vơi phần mặc cảm. Bên cạnh món quà về vật chất, các hoạt động đó còn trao cả niềm vui!./.
Quế Lâm