Tiếng Việt | English

27/09/2016 - 10:22

Những người “mê” làm từ thiện

Bài học về lòng bao dung, tình yêu thương con người đã làm nên hình ảnh đẹp của những người thích làm công tác nhân đạo, từ thiện-xã hội. Với cái tâm và tấm lòng của mình, những cá nhân ấy góp phần thắp lên “ngọn lửa” của lòng nhân ái.

Hạnh phúc là sự cho đi

Từ nhỏ, bà Lưu Thị Tuyết Thanh, ngụ thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Vì vậy, ba mẹ của bà gửi bà đến Thánh thất xã Phước Tuy, huyện Cần Đước để làm công quả.

Tại đây, bà làm quen với việc giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn. Một thời gian sau, ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái, bà xin gia đình “tầm sư học đạo” tại chùa Phước Thiện, thị trấn Cần Đước với pháp danh Diệu Thanh.


Khám bệnh cho người bệnh

Hiện nay, 41 tuổi đời, bà có gần 20 năm tu hành. Bà nói: “Tôi quan niệm rằng, hạnh phúc chính là sự cho đi và không mong đền đáp. Học theo Bác, tôi luôn dặn lòng mình cần phải làm việc thiện để giúp người, giúp đời”.

Hàng ngày, bà cùng các thành viên trong chùa Phước Thiện tổ chức châm cứu, bốc thuốc nam phục vụ những người nghèo, khó khăn, người già trong và ngoài huyện. Dù công việc tại phòng thuốc nam bận rộn do lượng người bệnh đến châm cứu, khám bệnh khá đông nhưng bà lúc nào cũng vui vẻ, tận tình tiếp đón.

Ngoài ra, bà còn vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cũng như phật tử xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo, tặng quà những người có hoàn cảnh khó khăn trong dịp lễ, tết, tặng quà học sinh nghèo học giỏi; vận động, tổ chức cho đoàn y, bác sĩ ở các bệnh viện TP.HCM về khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo,...

Người “đi xin” vĩ đại

Gắn bó với Hội Khuyến học huyện Bến Lức từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Chí Cường được nhiều người ví von là người “đi xin” vĩ đại. Ông không “xin” cho bản thân mình mà xin cho học sinh trong huyện. Gần 20 năm làm công tác khuyến học, ông dành trọn thời gian, tâm huyết và làm không công. Nhưng với ông, không có niềm vui và hạnh phúc nào bằng khi nhìn thấy những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Ông Cường chia sẻ: “Lúc đầu khi đi vận động xây dựng quỹ hội, nhiều mạnh thường quân chưa hiểu đến công tác khuyến học nên có người tỏ ra khó chịu. Sau khi thấy được hiệu quả, ý nghĩa của công tác khuyến học, họ đồng hành và gắn bó với Hội. Làm công việc này đôi khi phải bỏ tiền túi, đi sớm về trễ; có khi, ngày cuối tuần vẫn làm”.


Khuôn viên thoáng mát tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu có sự đóng góp của ông Cường

Trong 5 năm qua, bản thân ông vận động xây dựng quỹ khuyến học hàng tỉ đồng. Riêng gia đình ông đóng góp 200 triệu đồng xây dựng bếp ăn cho học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Siêu (ngôi trường mang tên cha ông); hỗ trợ một số công trình về cảnh quan môi trường tại ngôi trường này.

Bên cạnh đó, ông thuyết phục, động viên gia đình ủng hộ tiền phúng điếu tang lễ mẹ (gần 1 tỉ đồng) vào việc xây dựng nhà tình thương, quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, quỹ khuyến học ở các địa phương, đơn vị của huyện Bến Lức, Thủ Thừa.

Hơn 10 năm nay, ông Cường còn là Chủ tịch Hội vận động bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện huyện Bến Lức. Hiện nay, dù bước sang tuổi 70 và vừa thôi giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học Bến Lức nhưng ông hứa với lòng vẫn luôn giúp.

Ngần ấy năm tham gia công tác, ông được 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh; 2 bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và nhiều giấy khen khác. Học tập và làm theo gương Bác, ông tâm đắc nhất chính là câu nói “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết