Tiếng Việt | English

29/09/2021 - 16:40

Những nữ soạn giả cải lương hiếm hoi: NSND Bảy Nam, soạn giả đầu tiên của cải lương

Có lẽ hầu hết soạn giả cải lương đều là những cây bút nam giới với tên tuổi và số lượng hùng hậu. Tuy nhiên, phụ nữ cũng đã góp mặt vào làng cải lương với những tên tuổi đáng nể dù hiếm hoi.


NSND Bảy Nam lúc trung niên

Năm 2005, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh NSND Bảy Nam ở hạng mục Nữ soạn giả cải lương đầu tiên của Việt Nam.

Mở lại lịch sử, bà Bảy Nam chính thức bước lên sân khấu từ lúc 14 tuổi (năm 1927), và chỉ 5 năm sau (1932), lúc mới 19 tuổi, bà tự đứng ra lập gánh hát riêng tên gọi Nam Hưng. Từ đó, bà không chỉ gánh trách nhiệm diễn viên mà còn gánh cả vai trò làm bầu, ngoại giao, lo cơm áo gạo tiền, lo ý tưởng, kịch bản. Tất nhiên, gánh hát có soạn giả cung cấp kịch bản, nhưng bà có những ý tưởng riêng của mình, có con mắt nghệ thuật riêng, và bà bắt tay vào công việc chấp bút.

NSND Kim Cương, con gái bà, cho biết: “Theo các giấy tờ má còn để lại, tôi soạn ra xem, thì má bắt đầu viết khoảng năm 1935, 1936. Hồi đó gánh nào cũng hát tuồng Tàu nhiều lắm, nên má viết Chung Vô Diệm, Trảm Trịnh Ân, Tiêu Anh Phụng, Điều Tam Xuân báo phu cừu… Vở Na Tra lóc thịt má viết để “lăng xê” tôi khi mới 6 tuổi. Rồi khi tôi 19 tuổi, má viết vở Phấn hậu cung, tôi đóng vai nam, là thái tử Ngọc Giao; cộng với vai A Liễu trong vở Giai nhân và ác quỷ (của soạn giả Duy Lân) đã đẩy tôi lên, để tôi được báo chí đặt biệt danh kỳ nữ Kim Cương”.

Như vậy, những kịch bản của bà Bảy Nam đều đạt chất lượng rất cao giúp nghệ sĩ thăng hoa, được khán giả và báo chí công nhận. Bà còn viết cả tuồng sử Việt như Mánh Lê Tắc, Gươm vàng máu đỏ, Lê Lợi khởi nghĩa… với tinh thần yêu nước nồng nàn.

NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương trong vở Lá sầu riêng

Có một điều đáng nể là bà Bảy Nam viết được cả tuồng xã hội, trong khi tuồng xã hội lúc ấy mới manh nha không lâu. Bà viết Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam được khán giả vô cùng yêu thích. NSND Kim Cương kể: “Má viết Người đàn bà Việt Nam năm 1950. Lúc đó, tiếng Việt gọi “đàn bà” chứ không gọi “phụ nữ” như bây giờ. Nội dung kịch bản lấy cảm hứng từ một câu chuyện thật, kể về một bà luật sư cứ lo làm việc, lo đi cãi cho người ta mà lơ là chuyện gia đình. Ông chồng lại đóng vai trò nội trợ ở nhà nấu cơm. Bà luật sư không có thời gian dành cho chồng, bởi vì bà bận tiếp khách liên tục, mà ai muốn nói chuyện với luật sư thì phải trả tiền, tính theo giờ. Thế là ông chồng âm thầm đăng ký nói chuyện với vợ bằng cách đó. Ông bảo: “Muốn nói chuyện với em khó quá, anh đành phải làm vậy”. Khán giả cười nghiêng ngả”.

NSND Kim Cương kết luận rằng má mình hồi đó cũng biết thủ pháp châm biếm hài hước, rất mới mẻ so với kiểu viết “chính kịch” thịnh hành. Rõ ràng đề tài về phụ nữ rất mới và rất thu hút, khi mà họ vừa được bước chân ra xã hội, chưa biết cách cân bằng giữa công việc và gia đình gây nên những trái khoáy, chưa được chấp nhận, chưa được thông cảm. Kim Cương cười: “Bây giờ thời thế đổi thay, phụ nữ đi làm, đàn ông nội trợ có khi thấy bình thường, chứ hồi đó là chuyện kinh khủng lắm, nói chi tới việc muốn nói chuyện với vợ phải bỏ tiền thuê theo giờ. Chính vì má tôi đã đánh đúng vào phong trào nữ quyền, tìm lối ra cân bằng cho phụ nữ, mà vở tuồng được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt”. Và Kim Cương còn nhớ bà có trông thấy những tấm ảnh bà Bảy Nam đóng vai chính, mặc áo luật sư, in trên các báo.

Hỏi bà Bảy Nam viết tuồng vào lúc nào trong khi công việc quá bộn bề, NSND Kim Cương buột miệng: “Thì cũng như hỏi tôi viết kịch bản lúc nào khi tôi cũng y như má, vừa làm bầu, vừa làm diễn viên, vừa lo trăm công ngàn việc cho đoàn kịch Kim Cương vậy. Chắc má cũng như tôi, viết khi các con đã ngủ say, viết trên đường di chuyển gánh hát, viết lúc dừng chân nơi bến chợ, bến đình… Bất cứ nơi đâu cũng gây cảm hứng cho mình”.

Bà Bảy Nam đã sinh ra cô con gái Kim Cương giỏi không thua gì mình, cũng tự lập gánh hát riêng khi mới 19 tuổi, cũng viết mấy chục kịch bản trong lúc bộn bề gánh nặng. Và bà đã ngưng đoàn cải lương để chuyển sang phụ với Kim Cương phụ trách đoàn kịch. Bà góp ý kịch bản cho Kim Cương, bà hỗ trợ rất nhiều khi bước lên sàn diễn, biến nhân vật mà Kim Cương ấp ủ trên trang giấy trở thành sống động, tuyệt đẹp trong lòng khán giả. Kim Cương bùi ngùi: “Dù má tôi viết cải lương tất nhiên giọng văn xưa hơn tôi viết kịch, nhưng tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ má. Ảnh hưởng tình cảm, ảnh hưởng đạo đức, khiến tôi tạo nên những câu chuyện, những nhân vật lay động lòng người”./.

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết