Tiếng Việt | English

27/10/2016 - 10:58

Những "phiên tòa" tại sân trường

Mỗi năm học, Trường THPT Kiến Tường (thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) tổ chức một phiên tòa trong giờ sinh hoạt dưới cờ cho học sinh (HS) toàn trường tham dự. Thông qua đó, HS được giáo dục về ý thức, kiến thức pháp luật, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực học đường, vi phạm pháp luật ở học sinh. Điều đặc biệt của phiên tòa chính là từ chủ tọa đến bị cáo đều là... HS của trường.


Một phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Kiến Tường

Tháng 3/2013, trong một buổi sinh hoạt dưới cờ như thường lệ tại Trường THPT Mộc Hóa (nay là THPT Kiến Tường), có nhiều bàn ghế được kê, xếp và chiếc vành móng ngựa đặt bên trong hậu trường. Hôm đó, HS của trường không dự sinh hoạt dưới cờ mà dự một phiên tòa xét xử về việc HS dùng dao đâm bạn. Các em im lặng theo dõi diễn biến câu chuyện, từ một xích mích nhỏ dẫn đến xô xát, đến khi “bị cáo” bị đưa ra trước phiên tòa, mọi người ồ lên, thì ra đây chỉ là một phiên tòa giả định do Đoàn trường phối hợp Chi đoàn Tư pháp và ngành Tư pháp địa phương tổ chức.

Em Nguyễn Ngọc Phương Mai, HS lớp 12A1, Trường THPT Kiến Tường cho biết, sau khi tham dự phiên tòa, chúng em bàn tán sôi nổi về tình huống xảy ra. Đây là câu chuyện khá gần gũi và dễ xảy ra trong trường học. Phát huy kết quả đó, mỗi năm, trường đều tổ chức 1 phiên tòa giả định như thế, nhằm mục đích giáo dục HS.

Bí thư Đoàn trường THPT Kiến Tường - cô Nguyễn Thị Lam cho biết, ý tưởng hình thành mô hình xuất phát từ việc HS của trường thường xảy ra xô xát, đánh nhau. Từ thực tế đó, Đoàn trường chọn cách giáo dục kiến thức pháp luật cho HS thông qua phiên tòa giả định, vừa gần gũi, dễ đi vào lòng người lại mang tính răn đe, giáo dục cao. Được sự phối hợp chặt chẽ từ phía ngành Tư pháp, Đoàn trường tổ chức thành công nhiều phiên tòa, góp phần kéo giảm việc HS vi phạm pháp luật cũng như bạo lực học đường. Cô Lam cho biết thêm: “Khi xem phiên tòa giả định, các em cảm thấy sợ vì những tình huống được xây dựng trong kịch bản rất gần gũi và thường xuất phát từ thực tế các vấn đề hay xảy ra trong trường học”.

Kịch bản được Đoàn trường phối hợp các cơ quan, đơn vị xây dựng để phiên tòa giả định diễn ra đúng thủ tục pháp lý, đúng trình tự, quy trình, đặc biệt không được sai sót về chuyên môn. Đoàn trường chịu trách nhiệm đưa những vấn đề có thật trong HS, học đường vào kịch bản; tòa án bảo đảm tính pháp lý.

Kịch bản hoàn tất, đội kịch của trường tổ chức tập luyện và thể hiện cho HS xem. Những đạo cụ đặc thù chuyên ngành như: Vành móng ngựa, Quốc huy, sắc phục hội thẩm, kiểm sát viên, sắc phục công an,... được các đơn vị phối hợp cho mượn. Trong buổi diễn ra phiên tòa, đại diện Tòa án thị xã Kiến Tường cử người đến tham dự cùng HS.

Phiên tòa giả định tại Trường THPT Kiến Tường thực sự mang lại hiệu quả tích cực, HS được giáo dục và phổ biến pháp luật ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô Lam cho biết, phiên tòa góp phần vào công tác hướng nghiệp cho các em khi đội kịch của trường có 5/8 em đăng ký thi ngành Luật trong kỳ thi đại học. Em Phương Mai “bật mí” cũng sẽ chọn ngành Luật trong kỳ thi đại học sắp tới vì lần được đóng vai kiểm sát viên trong phiên tòa giả định ấy gây cho em nhiều ấn tượng./.

Phương Phương

Chia sẻ bài viết