Ảnh minh họa. (Nguồn: NoCamels)
Bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo thế giới năm 2019 do Bloomberg thực hiện đã một lần nữa xướng tên Hàn Quốc ở vị trí đầu bảng, tiếp theo là Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Những tên tuổi đáng chú ý
Giành được nhiều sự quan tâm trong bảng xếp hạng có lẽ là nước Mỹ. Một năm sau khi lần đầu tiên bị “đánh bật” khỏi top 10 vì những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, nền kinh tế lớn nhất thế giới nay đã có bước nhảy vọt khi tăng đến 3 bậc và leo lên vị trí số 8 nhờ vào nỗ lực rút ngắn vòng đời sản phẩm. Bên cạnh đó, việc môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt cũng làm thay đổi cách thức làm việc của các nhà quản lý thuộc quốc gia này.
Trong khi đó, ở vị trí số 2, Đức đã tiến sát đến gần vị trí của Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất và nghiên cứu nhờ sự phát triển của một loạt "đại gia" công nghiệp như Volkswagen AG, Robert Bosch GmbH và Daimler AG. Điểm đáng nói là mặc dù Hàn Quốc vẫn tiếp tục kéo dài chuỗi thành tích (là “nhà vô địch” sáu lần) song khoảng cách dẫn đầu của họ đã bị thu hẹp một phần vì lĩnh vực hoạt động sáng chế có điểm số thấp hơn.
Trong khi đó, hoạt động sáng chế lại là yếu tố giúp Trung Quốc và Israel ghi điểm trên bảng xếp hạng. Trong đó, Israel đã tăng vọt đến 5 bậc và được hạng 5, lần lượt “bỏ xa” các đối thủ là Singapore, Thụy Điển và Nhật Bản.
Vương quốc Anh đã giảm một bậc xếp hạng xuống thứ 18, ghi dấu lần đầu tiên bị Trung Quốc “qua mặt.” Mặc dù đứng thứ 2 về các hoạt động sáng chế liên quan đến nghiên cứu và phát triển, trong đó có những cái tên phải kể đến như Huawei Technologies Co. và BOE Technology Group, nhưng nền kinh tế này vẫn thua xa hầu hết các công ty sáng tạo về năng suất tổng thể.
Trong khi đó, Thụy Điển - á quân năm 2018 - nay tụt xuống vị trí thứ 7, trong khi Tunisia và Ukraine là hai cái tên “lép vế” nhất với các vị trí đều nằm ngoài top 50. Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ghi dấu vị trí cao nhất từng đạt được là xếp hạng thứ 46, còn Brazil trở lại vị trí thứ 45 sau khi không được xếp hạng vào năm ngoái.
Ngoài ra, trong số những quốc gia mới được xếp hạng còn có một số nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Mexico, Việt Nam và Saudi Arabia. Nam Phi vẫn là quốc gia vùng miền nam Sahara (châu Phi) duy nhất được xếp hạng trong bảng xếp hạng này.
Chỉ đổi mới là chưa đủ
Nhận định về bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo thế giới của Bloomberg, Khoon Goh, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu của ngân hàng Australia & New Zealand Bank Group Ltd. (ANZ) tại Singapore, nhận định với vị trí “ngôi vương”, Hàn Quốc sẽ nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ chiến lược, cũng như các chương trình quy định nhằm khuyến khích các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng cảnh báo về những thách thức trong việc thực hiện sự đổi mới vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của các tập đoàn lớn hoặc các công ty gia đình (chaebol).
Ông Khoon Goh cho biết yếu tố đổi mới ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy hiệu quả kinh tế, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á có thu nhập cao hơn, khi những chuỗi lắp ráp sản xuất có giá trị gia tăng cao đã được chuyển sang các nước có chi phí thấp hơn trong khu vực.
Theo báo cáo của Juergen Michels, nhà kinh tế trưởng của Bayerische Landesbank (Đức), sự tăng hạng của Đức trong bảng xếp hạng của Bloomberg có thể sẽ không kéo dài, bởi vì nhà xuất khẩu lớn nhất châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân công lành nghề và sự thay đổi trong chính sách nhập cư. Vì thế, Berlin cần phải hoàn thiện lại chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm các ngành công nghiệp như diesel, truyền thông kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo.
Trong khi đó, Albert Albert Bourla, Giám đốc điều hành hãng sản xuất dược phẩm có trụ sở tại New York, đã phát biểu trong một Hội nghị về chăm sóc sức khỏe của ngân hàng J.P. Morgan rằng điều quan trọng là, song song với sự đổi mới, các quốc gia cần phải thay đổi cách thức vận hành để loại bỏ những quy trình quan liêu bởi vì đổi mới và quan liêu như nước với dầu, chúng không thể bị trộn lẫn với nhau.
Bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo thế giới năm 2019 của Bloomberg được thực hiện đối với hơn 200 nền kinh tế. Trong đó, mỗi nền kinh tế được đánh giá dựa trên thang điểm từ 0 đến 100 chia đều cho bảy hạng mục có trọng số tương đương.
Bảng xếp hạng đến nay đã bước sang năm thứ 7 phân tích các chỉ số được dựa trên rất nhiều tiêu chí, trong đó có bảy tiêu chí chính, bao gồm cả nghiên cứu và phát triển, năng lực sản xuất và sự tập trung của các công ty công nghệ cao tại quốc gia đó.
Bảng xếp hạng này được đưa ra khi giới tinh hoa toàn cầu tập trung tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ), nơi họ sẽ thảo luận về tương lai của tiến trình toàn cầu hóa, cũng như vai trò của nhà nước và cách thức đổi mới nhằm thúc đẩy các nước phát triển./.
Theo TTXVN