Tiếng Việt | English

06/02/2021 - 14:05

Những tiểu thương “bất đắc dĩ”

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19, thương lái bỏ cọc, nhiều nông dân trong tỉnh Long An trồng hoa màu, trái cây điêu đứng. Trước tình hình này, họ đành phải làm những tiểu thương “bất đắc dĩ”.

Anh Khiêm tự viết chữ lên dưa để đem ra chợ bán nhưng vẫn không bán được

Tết Canh Tý 2020, anh Trần Thiện Khiêm, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành trồng 5.000m2 dưa Hoàng Kim xen canh với thanh long. Nhờ thời tiết thuận lợi, bình quân 1.000m2 cho năng suất hơn 1 tấn, với giá bán 60 nghìn đồng/cặp, đồng thời thương lái đến tận vườn thu mua. Sau khi trừ chi phí, anh Khiêm lợi nhuận vài chục triệu đồng. Nhận thấy tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tết Tân Sửu 2021, anh Khiêm quyết định thu hẹp diện tích trồng dưa còn 2.000m2. Tuy nhiên, dù cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhưng đến nay thương lái vẫn chưa đến thu mua, trong khi dưa đang chín ngoài đồng.

Trước tình hình này, anh Khiêm đành biến mình thành tiểu thương “bất đắc dĩ”. Anh Khiêm trải lòng: “Thương lái không mua thì nông dân phải tự đi bán, bán được đồng nào đỡ đồng đó. Hơn hết, thấy nhiều người ưa chuộng thư pháp trên dưa nên tôi tập tành viết thử. Hiện tại, dưa Hoàng kim bán với giá 40.000 đồng/cặp, thấp hơn năm rồi rất nhiều. Song bán mấy ngày nay cũng ế, không ai mua nên tôi cũng chán, tính không bán nữa”.

Anh Tuấn đành làm tiểu thương "bất đắc dĩ" khi thương lái không thu mua hoa sống đời

Tương tự trường hợp của anh Khiêm, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, anh Lê Thanh Tuấn, ngụ xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc trồng gần 11.000 cây hoa sống đời. Anh Tuấn chia sẻ: “Thông thường vào ngày 23 tháng Chạp, thương lái sẽ đến tận vườn thu mua hoa, với giá dao động 13.000 - 15.000 đồng/cây. Riêng năm nay, thương lái không đến mua nên tôi phải tự mua chậu, sơ dừa để vào chậu đem ra trước cửa nhà người quen bán. Bình thường làm nông dân ít tiếp xúc với nhiều người, từ đó khi ra đây bán tôi cũng không bán lại các tiểu thương khác".

Nông dân trồng dưa xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc "rầu thúi ruột" khi thương lái vẫn chưa đến thu mua

Những năm trước, thời điểm này, nông dân trồng dưa hấu tại xã Mỹ Lộc nói riêng, Long An nói chung phấn khởi khi dưa hấu được mùa, trúng giá, thương lái đến tận vườn thu mua. Còn năm nay, các con đường dẫn vào ruộng dưa hấu của nông dân xã Mỹ Lộc đìu hiu, trên gương mặt ai cũng lộ rỏ vẻ lo lắng, vì thương lái bỏ cọc không mua hoặc mua tượng trưng, từ đó số dưa còn lại nông dân đành làm những tiểu thương "bất đắc dĩ".

Ông Hồ Thanh Bình, ngụ ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc nghẹn ngào nói: “Hơn 10 năm trồng dưa hấu tết chưa có năm nào gia đình tôi thê thảm như năm nay. Gia đình tôi trồng hơn 12.000m2 dưa hấu nhưng thương lái chỉ dặn trước 1/4 diện tích trồng, với giá 10.000 đồng/kg. Gia đình tôi bán được giá này vì ruộng nằm ngay đường, không phải thuê nhân công vận chuyển, đồng thời buôn bán lâu năm nên năn nỉ thương lái mua tiếp. Dự định số dưa còn lại, vợ chồng tôi cũng phải đem ra chợ bán, giá thấp cỡ nào cũng phải bán, bởi vợ chồng tôi bỏ vốn trên 60 triệu đồng, trong đó chủ yếu tiền vay mượn. Còn các nông dân trồng dưa khác do ruộng sâu chỉ bán được giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến mua".

Dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp trong cộng đồng vào những ngày giáp Tết Tân Sửu 2021 làm thị trường tết trở nên ảm đạm. Ở Long An tại các tuyến phố, hàng hóa được bày bán tràn lan ở các chợ và cửa hàng. Song trái ngược với không khí tết mọi năm, lượng người mua chỉ nhỏ giọt, giới tiểu thương lẫn nông dân đều đang rất nóng ruột khi khách vẫn thờ ơ và thắt chặt chi tiêu.

Anh Lê Tấn Hùng, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An cho biết: “Tết năm rồi gia đình tôi nhập 6-7 tấn dưa hấu, với giá bán 12.000 - 13.000 đồng/kg. Riêng năm nay, tôi bán chỉ giá 8.000 đồng/kg nhưng sức mua vẫn rất chậm. Vì vậy, tôi chỉ dám nhập về 3 tấn dưa bán tết thay vì 6-7 tấn như trước đây”.

Hàng hóa tết năm nay từ rau màu, hoa cảnh đến trái cây đâu đâu cũng gặp khó. Điều này cho thấy dịch bệnh Covid -19 đang ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, thậm chí làm nhiều gia đình không có tết. Hy vọng, người dân sẽ ý thức trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thay vì làm việc thiếu trách nhiệm hay chạy theo lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi đi mồ hôi, nước mắt, công sức của nhiều người./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết