Tiếng Việt | English

05/05/2022 - 09:07

Nỗ lực giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư

Long An tổ chức triển khai các kế hoạch, tập trung quyết liệt thực hiện các biện pháp, giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) làm dự án (DA), tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, phục vụ phát triển KT - XH địa phương.

1. Cần Giuộc là một trong những địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh, có vị trí tiếp giáp TP.HCM, có đường giao thông thủy, bộ thuận lợi. Thời gian qua, huyện Cần Giuộc là địa điểm thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thực hiện các công trình, DA trên địa bàn. Qua đó, góp phần phát triển KT - XH địa phương, tạo việc làm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.000ha đất để phát triển KT - XH (Trong ảnh: huyện Cần Giuộc giải phóng mặt bằng hơn 2.296ha đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án)

Hiện nay, trên địa bàn huyện được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư 97 DA khu, cụm công nghiệp, đô thị, dân cư, tái định cư (TĐC), dân cư - TĐC, thương mại và dịch vụ, nghĩa trang,... với tổng diện tích khoảng 5.845ha và 9 công trình trọng điểm của Trung ương, tỉnh, huyện với tổng diện tích khoảng 626,16ha. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có chủ trương ghi nhận cho các công ty tài trợ lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 23 DA, diện tích 8.621ha.

Qua triển khai, thực hiện đến nay, huyện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 57 DA, chi trả bồi thường cho 7.785 hộ gia đình, cá nhân với số tiền trên 3.952 tỉ đồng, GPMB hơn 2.296ha đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện DA.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, công tác bồi thường, GPMB, TĐC được huyện tập trung quyết liệt trong việc thực hiện và đạt một số kết quả nhất định. Huyện tổ chức đồng bộ các giải pháp, phối hợp, từng bước khắc phục các tồn tại, tháo gỡ khó khăn, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để nâng cao hiệu quả trong công tác này.

Huyện Cần Giuộc giải phóng mặt bằng hơn 2.296ha đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án

Đặc biệt, từ khi triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 04/11/2021 của Tỉnh ủy đến nay, huyện GPMB được trên 42ha, số tiền gần 300 tỉ đồng; ban hành, công bố thông báo thu hồi đất 3 DA, diện tích 245ha với 1.658 hộ gia đình, cá nhân để thực hiện kê biên kiểm đếm đất, tài sản gắn liền với đất (DA Khu công nghiệp Nam Tân Tập, DA khu TĐC phục vụ Cụm công nghiệp Tân Tập, DA tạo quỹ đất sạch để phát triển đô thị).

Ông Nguyễn Anh Đức cho biết: Hiện nay, công tác bồi thường, GPMB tại huyện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Để khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác này, tạo quỹ đất thu hút đầu tư, phục vụ phát triển KT - XH địa phương, huyện tập trung thực hiện công tác bồi thường, GPMB đầu tư các khu TĐC phục vụ bố trí TĐC cho công trình Quốc lộ 50B, các DA, công trình trọng điểm khác trên địa bàn huyện. 

Đối với các hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, UBND huyện giao Ban Quản lý DA đầu tư xây dựng lập kế hoạch vận động chi tiết, phối hợp các ngành, UBND các xã, thị trấn và các chủ đầu tư tổ chức tiếp xúc, vận động theo danh sách đề nghị từng đợt; trường hợp hộ dân không đồng ý thì lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.

UBND huyện chủ trì mời các sở, ngành tỉnh nghe các chủ đầu tư báo cáo khó khăn, vướng mắc các DA TĐC, tháo gỡ cho các doanh nghiệp hoàn thành DA. Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và TĐC huyện chủ trì mời Thường trực Huyện ủy, các sở, ngành tỉnh, chủ đầu tư họp thông qua đơn giá bồi thường, khung chính sách TĐC trước khi trình thẩm định các DA.

Mặt khác, huyện tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai, xây dựng; kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp hạ thấp mặt bằng, khai thác đất trái phép thuộc phạm vi GPMB các DA. Đề xuất giải pháp kiểm soát giá đất, thị trường bất động sản minh bạch, giao Công an huyện đấu tranh, điều tra, truy tố các đối tượng có hành vi làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, gây khó khăn cho công tác bồi thường, GPMB.

Bên cạnh đó, huyện cũng kiến nghị cần xem xét hỗ trợ tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định chưa phù hợp với thực tế.

2. Tại huyện Tân Trụ, công tác bồi thường, GPMB đã đạt một số kết quả nhất định, góp phần thay đổi diện mạo địa phương, thúc đẩy KT - XH của huyện phát triển. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Trụ - Tô Văn Cư, căn cứ Nghị quyết số 25-NQ/TU của Tỉnh ủy và tình hình thực tế, huyện xác định lộ trình cụ thể trong công tác bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất, phục vụ phát triển KT-XH. Năm 2022, huyện tập trung hoàn thành Khu TĐC Mỹ Kim Long; Khu dân cư chỉnh trang đô thị trung tâm thị trấn Tân Trụ 2; tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp sớm xây dựng các nhà máy đi vào hoạt động ở Khu công nghiệp An Nhựt Tân; bồi thường, GPMB đường ven sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ cống Bần đến ranh TP.Tân An và đoạn từ bến phà Bình Tịnh đến Đức Tân), đường Cầu Tràm (xã Tân Bình); GPMB đường vào Khu di tích Vàm Nhựt Tảo đến sông Vàm Cỏ Đông; giải tỏa khu vực ngã tư Lạc Tấn; đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác GPMB Quốc lộc 50B (đoạn qua địa bàn huyện Tân Trụ).

Năm 2023, huyện bồi thường, GPMB 4 cụm công nghiệp trên địa bàn xã Tân Bình; GPMB, xây dựng công viên cặp sông Vàm Cỏ Tây và kè công viên; đồng thời, phối hợp thực hiện tốt công tác GPMB Quốc lộ 50B (đoạn qua địa bàn huyện Tân Trụ). Giai đoạn 2023 - 2025, huyện triển khai GPMB 4 khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái, khu dân cư trên địa bàn các xã: Bình Trinh Đông, Tân Phước Tây, Nhựt Ninh, Đức Tân và thị trấn Tân Trụ.

Năm 2022, huyện Tân Trụ tập trung giải phóng mặt bằng một số dự án

Ông Tô Văn Cư cho biết, với mục tiêu được xác định cụ thể, huyện đẩy mạnh huy động nguồn lực, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư, triển khai, thực hiện DA tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư, phục vụ phát triển KT - XH. Bên cạnh đó, huyện tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện tốt công tác quy hoạch và công bố, công khai quy hoạch.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người bị thu hồi đất; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và tiếp nhận đầu tư; huy động mọi nguồn lực để bồi thường, GPMB, TĐC, tạo quỹ đất sạch phục vụ phát triển KT - XH. Ngoài ra, huyện thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong công tác bồi thường, GPMB, TĐC trên địa bàn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong GPMB, TĐC các công trình, DA.

3. Là địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp, huyện Cần Đước tập trung các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn. Giai đoạn 2021 - 2025, theo kế hoạch, huyện sẽ GPMB gần 20 công trình với diện tích đất thu hồi gần 1.400ha.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, theo kế hoạch, huyện Cần Đước sẽ giải phóng mặt bằng gần 20 công trình với diện tích đất thu hồi gần 1.400ha

Theo Bí thư Huyện ủy Cần Đước - Nguyễn Văn Đát, để nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, huyện tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, quán triệt thực hiện nghiêm các chủ trương về GPMB, hỗ trợ TĐC các công trình, DA trên địa bàn; huy động, phát huy có hiệu quả sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, vận động, bảo đảm công tác phối hợp, phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn huyện, UBND các xã kịp thời, đồng bộ. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong công tác GPMB; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sâu sát tình hình cơ sở để chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, không để xảy ra khiếu kiện ảnh hưởng đến tiến độ triển khai DA. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện của các cấp ủy, UBND xã thực hiện nhiệm vụ GPMB và giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị của người dân liên quan công tác này.

Thực hiện nghiêm chủ trương công khai, minh bạch và bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân nhằm tạo sự lan tỏa và nhận thức được ý nghĩa của các DA đối với sự phát triển chung của địa phương, trong tổ chức thực hiện việc hỗ trợ TĐC phải bảo đảm điều kiện sống và sinh kế bằng hoặc tốt hơn. Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh về việc tăng cường công tác GPMB tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư để triển khai, thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ từ huyện đến cấp xã; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Chủ động báo cáo, đề xuất cấp trên về phương án giải quyết những tồn tại, vướng mắc vượt quá thẩm quyền với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân luôn đặt lên hàng đầu trong công tác GPMB.

Bên cạnh đó, huyện kiến nghị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các sở, ngành tham mưu, ban hành các chủ trương, chính sách trong công tác bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất thống nhất trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành tỉnh thường xuyên hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất./.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, GPMB, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện mục tiêu bằng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch kêu gọi, thu hút đầu tư đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển công nghiệp, dân cư đô thị, thương mại - dịch vụ của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra; đồng thời, bảo đảm đặt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết. Qua đó, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, không để phát sinh “điểm nóng” và giảm dần các vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người do thực hiện bồi thường, GPMB và TĐC trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung giải quyết dứt điểm các DA bồi thường, GPMB tồn đọng. Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bồi thường, GPMB khoảng 4.000ha đất để phát triển KT - XH, trong đó tập trung các DA thuộc chương trình đột phá, công trình trong điểm của nghị quyết đại hội, các DA tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh phấn đấu hoàn thành bồi thường, GPMB tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH nhanh và bền vững của tỉnh.

Sơn Quê

Chia sẻ bài viết