Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Long An nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân
Nâng cao nhận thức về bệnh lao
Năm nay, chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao của nước ta có chủ đề: “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”. Chủ đề lạc quan này mang đến nguồn năng lượng tràn đầy, thôi thúc và thể hiện tinh thần quyết tâm cao; đồng thời, cho thấy sự cấp bách và cần thiết của việc đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô, tăng tốc độ thực hiện nhiều hơn việc chẩn đoán, điều trị dự phòng và chăm sóc bệnh lao sẽ cứu sống thêm hàng triệu người.
Covid-19 và lao là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là "kẻ giết người" thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và được phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến lúc tử vong thì đã lây sang rất nhiều người. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống bệnh nhân mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Long An - bác sĩ (BS) Lê Văn Bảy cho biết: “Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - WHO). Trong đó, 63% bệnh nhân (BN) lao thường, 98% BN lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa, nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của hơn 12.000 người/năm hiện nay và hàng trăm ngàn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao. Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là cơ hội để mọi người chung tay, giúp sức nâng cao nhận thức về bệnh lao. Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng để tiến tới chấm dứt bệnh lao”.
Bệnh viện Phổi Long An tích cực áp dụng các kỹ thuật mới trong khám, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao
Thời gian qua, Ngành Y tế nói chung, BV Phổi Long An nói riêng phối hợp triển khai nhiều giải pháp trong hoạt động phòng, chống lao giai đoạn 2016-2022. Đi đôi nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, BV phối hợp triển khai khám sàng lọc chủ động nhằm phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Hoạt động này giúp người dân hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng bệnh lao, chủ động khám bệnh, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời theo phác đồ của BS, tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng và hạn chế được lao kháng thuốc.
Bên cạnh tuyên truyền, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhân viên y tế tại trạm y tế tuyến xã thường xuyên tuyên truyền người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe, phòng, chống bệnh lao. Đồng thời, vận động những người nghi nhiễm lao đi xét nghiệm để được điều trị sớm và hiệu quả. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức về bệnh lao để chủ động phòng tránh.
Ông P.N.C. (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) đang được quản lý bệnh tại trạm y tế xã. Trước đây, ông bị ho nhiều, sốt, cơ thể gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau ngực, đôi khi khó thở. Qua tư vấn, thăm khám và làm xét nghiệm, BS cho biết ông mắc bệnh lao và được hỗ trợ đăng ký điều trị theo phác đồ chuẩn của Chương trình Chống lao Quốc gia. “Tôi đến trạm y tế xã để khám, lãnh thuốc về uống theo chỉ định của BS nên bệnh thuyên giảm nhiều. Người làm công tác phòng, chống lao ở đây tận tình theo dõi, hướng dẫn BN cách chăm sóc sức khỏe để mau khỏi bệnh” - ông C. chia sẻ.
Chung tay đẩy lùi bệnh lao
Mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 188 xã, phường, thị trấn
Hiện mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh được phủ kín 188 xã, phường, thị trấn và có sự phối hợp, hỗ trợ giữa các tuyến trong phát hiện, quản lý, điều trị bệnh. Việc điều trị thành công BN lao mới và tái phát hàng năm đạt trên 90%. Điều trị BN có bằng chứng vi khuẩn học khỏi bệnh đạt trên 85%. Tỷ lệ mắc bệnh lao giảm từ 149/100.000 dân năm 2020 còn 131/100.000 dân năm 2022. Số BN lao kháng thuốc đang được quản lý là 93 BN.
BS Lê Văn Bảy cho biết thêm: “Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Người dân cần giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; thường xuyên luyện tập thể dục để nâng cao sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng hợp lý và chủ động tham gia tầm soát, điều trị lao tiềm ẩn. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách”.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chương trình Chống lao Quốc gia dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Để đạt mục tiêu này, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao. Các cơ sở y tế nói chung, BV Phổi Long An nói riêng tiếp tục áp dụng các kỹ thuật mới nhằm chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng (chiến lược 2X, tầm soát bệnh lao trên nhóm người nguy cơ,…) đưa vào quản lý và điều trị. Đồng thời, kiểm soát tốt nhiễm khuẩn lao, hạn chế lây bệnh trong cộng đồng. Ngoài sự chủ động của ngành Y tế, rất cần quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư của cấp trên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chung tay của toàn dân trong thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao./.
THÔNG ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG LAO 24/3/2023
Hàng năm, Ngày Thế giới phòng, chống lao được tổ chức vào ngày 24/3 để kỷ niệm ngày BS Robert Koch thông báo đã tìm ra trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis - thủ phạm gây ra bệnh lao, vào năm 1882. Ngày Thế giới phòng, chống lao hàng năm là một chủ đề quan trọng để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi sự quan tâm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các hậu quả do bệnh lao gây ra: Sự tàn phá sức khỏe, tàn phá xã hội và kinh tế; đồng thời, thúc đẩy các nỗ lực nhằm thanh toán đại dịch lao trên toàn thế giới.
Với những nỗ lực toàn cầu nhằm thanh toán bệnh lao, từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã cứu sống 74 triệu người khỏi chết vì bệnh lao. Năm 2021, có 10,6 triệu người mắc bệnh lao và 1,6 triệu người đã chết vì bệnh lao. 1/3 dân số toàn cầu đã bị nhiễm lao (còn gọi là bệnh lao tiềm ẩn) mà không phát bệnh; nhưng trong suốt cuộc đời sẽ có khoảng 10% phát bệnh, tức là trở thành BN lao thực sự.
Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2023 do WHO đưa ra là “Yes! We can end TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao). WHO đã cân nhắc và chọn chủ đề này cho nhiều nước đang có gánh nặng bệnh lao cao (trong đó có Việt Nam) nhằm phục hồi mọi mặt từ sau tác động của dịch Covid-19 và bảo đảm những nước này tiếp cận được những phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị mới, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho bệnh lao. Chủ đề này cũng nhằm tăng cường sự tham gia của những người bị tác động bởi bệnh lao (BN lao và gia đình), của cộng đồng và toàn xã hội hướng đến mục tiêu thanh toán bệnh lao.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Long An (nay là Bệnh viện Phổi Long An) - ThS.BSCK1 Nguyễn Đức Hồng (lược dịch)
|
Ngọc Mận