Cán bộ, đoàn văn nghệ tỉnh và chiến sĩ Trạm Ra đa 610 (đảo Thổ Chu) cùng nhau Hát mãi khúc quân hành
Nơi anh đến là biển xa/ nơi anh tới ngoài đảo xa/ từ mảnh đất quê ta/ giữa đại dương/ mang tình thương quê nhà... Khi những ca từ đầu tiên của bài hát Nơi đảo xa cất lên, chúng tôi thấy trong đôi mắt các chiến sĩ ánh lên niềm xúc động. Có chiến sĩ hát theo, có chiến sĩ nắm chặt đôi bàn tay như bị cuốn vào âm điệu hào hùng của bài hát. Bài hát này quá nổi tiếng và quen thuộc với chiến sĩ hải quân. Tuy nhiên, khi được những ca sĩ chuyên nghiệp thể hiện thì thông điệp và tình cảm mà tác giả gửi gắm được chuyển tải trọn vẹn hơn. Thật khó cho chúng tôi khi phải diễn tả lại tâm trạng ấy qua vài câu chữ hoặc một bức hình. Chúng tôi cũng không khỏi xúc động lẫn tự hào khi nghe những câu hát vừa hùng tâm tráng khí, vừa đậm chất thơ: Sóng ru mối tình/ đời thủy thủ càng thêm vui/ đây con tàu xa khơi/ đây con tàu xa khơi...
Tham gia phục vụ văn nghệ cho chiến sĩ ngoài biển, đảo lần thứ 3 nhưng ca sĩ Mạnh Tuấn (cộng tác viên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lần đầu. Theo anh, để âm nhạc chạm vào trái tim thính giả thì người ca sĩ cần hát bằng cảm xúc thật. Những chuyến đi thế này là cơ hội để anh trải nghiệm thực tế, nhờ vậy, lời ca của anh trở nên sinh động và truyền cảm hơn. Đối với ca sĩ, quên lời là điều tối kỵ, nhưng đôi khi anh Mạnh Tuấn cũng bị “khựng” lại 1-2 từ. Đó là lúc bài hát của anh được các chiến sĩ hưởng ứng, thích thú. Không phải do anh quên lời mà vì quá xúc động, câu từ dường như bị nghẹn lại, không tuôn ra được. Anh Mạnh Tuấn kể: “Hôm ở Hòn Đốc, tôi có tìm hiểu về đời sống người dân, nghe họ kể về những ngày gian khó, lúc bị Khmer đỏ tấn công, tôi rất xúc động. Lúc đó, tôi đã hát với tất cả sự yêu thương xen lẫn tự hào. Hát trên đất liền khác với hát giữa trùng khơi, cảm xúc rất khó tả”.
Các thành viên đoàn văn nghệ tỉnh biểu diễn tại Vùng 5 Hải quân
Còn đối với nghệ sĩ Thu Mỹ (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), biển, đảo Tây Nam đã in dấu trong tim chị từ năm 2016 khi lần đầu tiên biểu diễn tại đây. Tuy nhiên, cũng như ca sĩ Mạnh Tuấn, Thu Mỹ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của 8 năm trước. Ngần ấy năm trở lại, chị cảm thấy rất vui khi biển, đảo trời Nam có những thay đổi tích cực, cơ sở vật chất khang trang hơn, đời sống người dân tốt hơn. Là nghệ sĩ cải lương nhưng Thu Mỹ hát hay cả những thể loại như dân ca, nhạc cách mạng. Mỗi tiết mục của chị đều đem đến cho cán bộ, chiến sĩ niềm vui thích và hứng khởi. Nhiều chiến sĩ gốc miền Bắc, miền Trung nhưng say mê khi nghe chị hát cải lương - loại hình nghệ thuật vốn thịnh hành ở miền Nam. Chị đã đem cả Tây Nam Bộ về đêm văn nghệ với Hành trình trên đất phù sa, đem dòng Vàm Cỏ Đông anh dũng về Vùng 5 Hải quân anh hùng với bài tân cổ cùng tên. Trong sự bồi hồi, xúc động, nghệ sĩ Thu Mỹ chia sẻ: “Là nghệ sĩ cải lương, tôi xem mình là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Được đem lời ca, tiếng hát phục vụ các anh là niềm vinh dự, tự hào của tôi. Tôi chúc các anh luôn mạnh khỏe, vững chắc tay súng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tạo điều kiện để anh em nghệ sĩ chúng tôi có được cơ hội này!”.
Đại diện các chiến sĩ, Thượng úy Trần Đức Công - Trợ lý Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, cảm ơn những màn thể hiện đầy cảm xúc của đoàn văn nghệ tỉnh: “Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa. Nơi này xa đất liền, rất ít khi anh em chúng tôi được tiếp xúc, lắng nghe các bài hát, tiết mục chuyên nghiệp. Qua những bài hát ấy, cán bộ, chiến sĩ rất vui, rất tự hào về Tổ quốc. Các anh chị đã góp phần động viên chúng tôi, giúp chúng tôi vững vàng hơn nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc”.
Âm nhạc vốn mang sức mạnh diệu kỳ. Các nghệ sĩ đoàn văn nghệ Long An đã mang lời ca, tiếng hát thổi bùng thêm ngọn lửa nhiệt huyết, niềm tin sắt đá của cán bộ, chiến sĩ vùng biển Tây Nam. Trong tiếng sóng ộp oạp vỗ bờ, trong tiếng rung khẽ khàng của gió buổi sớm mai, tiền phương, hậu phương cùng Hát mãi khúc quân hành bất diệt./.
Châu Thanh