Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền là ai?
Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn, viết: Huỳnh Tấn Công người Hóa Châu (quãng Thừa Thiên-Huế trở vào; nay vẫn còn di tích thành cổ Hóa Châu, nơi công chúa Huyền Trân từng nghỉ chân trong cuộc hành trình về làm Hoàng hậu cho vua Chế Mân của Chiêm quốc). Khi đi Thăng Long tìm người bác là đại thần tại triều Trần, giữa đường, Huỳnh Tấn Công gặp nạn, được Lý Xuân Điền ở Ninh Bình ra tay cứu giúp. Hai người kết bạn tâm giao từ đó.
Sau khi tìm được bác, Công đưa Điền về giới thiệu và bác Công đã tiến cử Điền lên vua Trần Duệ Tông. Gặp lúc biên thùy phía Bắc có giặc giã quấy nhiễu, vua sai Lý Xuân Điền cầm quân đi tiễu trừ.
Hai pho tượng - một ông sơn đỏ, một ông sơn đen đang được thờ tại chính điện chù Nhạn Sơn (Ảnh: INTERNET)
Ở nhà, Huỳnh Tấn Công thi đỗ Trạng nguyên. Gặp lúc quân Chiêm gây loạn ở đất Hóa Châu, vua sai Công đem quân vào đánh đuổi. Khi quân Chiêm tháo chạy khỏi đất Hóa Châu, Công thừa thắng đốc quân đánh lên thành Đồ Bàn thì rơi vào quỷ kế của Chế Bồng Nga. Công bị địch bắt, bán cho nhiều nơi dùng làm nô lệ. Sau cùng, Công rơi vào tay một lão thần Chiêm quốc đang bị bệnh dịch tả. Tại đây, Công ra tay cứu chữa cho vị lão thần khỏi bệnh nên được đối đãi tử tế, khỏi phải làm gia nô.
Phần Lý Xuân Điền, sau khi dẹp xong bọn giặc quấy nhiễu ở biên thùy, quay về triều lãnh thưởng thì hay tin Huỳnh Tấn Công lâm nạn ở Chiêm quốc. Điền xin trí sĩ để gom hết tiền của, tìm đường đi cứu bạn. Cuộc hành trình của Điền lâu ngày chầy tháng vô cùng gian khổ, đơn độc trên đất Champa. Kết cục, Điền cũng tìm được Công ở nhà vị lão thần nọ. Điền đưa hết tiền của mang theo ra chuộc bạn nhưng vị lão thần đã thọ ơn Công cứu bệnh và cảm tấm lòng Điền đối xử tốt với bạn nên trao trả Công cho Điền mà không nhận tiền chuộc, lại còn bày tiệc lưu luyến tiễn đưa hai bạn lên đường trở về cố quốc. Sau đó, vị lão thần Champa nhớ thương đôi bạn ở Đại Việt, đã thuê nghệ nhân tạc tượng Lý Xuân Điền và Huỳnh Tấn Công để ngày ngày nhìn ngắm cho đỡ nhớ. 2 tượng Chăm ấy cuối cùng “ngự” vào chùa Nhạn Sơn sau khi vua Lê Thánh Tông đánh chiếm, sáp nhập vào đất Đại Việt.
Ly kỳ thành đồ bàn…
Thành Đồ Bàn còn gọi thành Chà Bàn, thành Trà Bàn, là kinh đô vương quốc Champa cũ. Thành đã được Nguyễn Nhạc sửa sang và đóng đô sau khi lên ngôi vua, xưng hiệu Thái Đức nên còn gọi thành Hoàng Đế, nay thuộc phường Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành Đồ Bàn do Ngô Nhật Hoan - 1 trong 12 sứ quân từng bị Đinh Bộ Lĩnh đánh bại ở Hoa Lư, chạy về đây xây vào thế kỷ X. Thành rất kiên cố trên khu đất chu vi hơn 10 dặm, có 4 cửa, bên trong có tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn làm cánh che cửa Tây; có núi Long Cốt làm tiền án và gò chùa Thập Tháp yểm hậu. Ở phía ngoại thành, xa xa là sông và đồi núi điệp trùng. Nơi đây, vào thế kỷ XIII, vua Nguyên muốn chiếm nước ta, bèn sai con trai là Thái tử Thoát Hoan cùng bọn Toa Đô, Ô Mã Nhi lãnh 50 vạn quân, chia làm 2 cánh, một cánh do Thoát Hoan chỉ huy đánh vào Đại Việt, bị quân của Hưng Đạo Đại vương - Trần Quốc Tuấn tiêu diệt; một cánh (10 vạn thủy quân) do Toa Đô chỉ huy đi đường biển vào cửa Thi Nại (Quy Nhơn), bị quân Chiêm Thành ở Đồ Bàn và đồn Thi Nại do vua Chế Bồng Nga chỉ huy vây đánh, giặc hết đường rút ra biển, phải bỏ thuyền chạy bộ thục mạng ra Bắc, bị quân nhà Trần diệt gọn.
Năm Bính Thìn (1376), vua Chiêm - Chế Bồng Nga đem đến Hóa Châu 15 mâm vàng để cống cho Vua Trần Duệ Tông. Quan Trấn thủ Hóa Châu - Đỗ Tử Bình đã không đệ nộp cống phẩm về triều mà còn dâng sớ vu cáo Chế Bồng Nga đã bỏ lệ triều cống, lại đến Hóa Châu nhục mạ, thách đố vua Trần; y xin vua cử binh sang chinh phạt. Vua Trần liền sai Hồ Quý Ly đốc vận quân lương, còn mình thì đem 12 vạn quân vừa thủy, vừa bộ thẳng vào cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đóng và thao diễn. Tới đầu năm sau (Đinh Tỵ, 1377), vua kéo quân vào cửa Thi Nại. Quân Chiêm chưa đánh đã rút chạy về thành Đồ Bàn. Không đánh mà thắng, vua Trần đốc quân xông vào thành Đồ Bàn. Lúc này, Chế Bồng Nga đã lập quỷ kế: Cho quân làm cừ sắt cắm quanh thành; bắn tin vua Chăm vì sợ hãi vua Trần, đã bỏ thành mà trốn. Trần Dụ Tông cả tin bèn đốc quân vào chiếm thành, vướng phải bãi cừ sắt, bị quân Đồ Bàn tứ diện mai phục, xông ra với cung tên bắn như mưa. Trần Duệ Tông tử trận cùng quan quân... Đến năm 1446, vua Lê Thánh Tông không chỉ lấy lại được thành Đồ Bàn mà còn bắt sống vua Chiêm là Bi Cái. Tới năm 1470, tân vương Chiêm Thành là Trà Toàn lại đưa quân sang đánh phá đất Hóa Châu, vua Lê Thánh Tông thân chinh bắt sống Trà Toàn và chiếm thành Đồ Bàn, sáp nhập vào đạo Quảng Nam làm phủ Hoài Nhơn.
Chỉ là tượng hộ pháp cổ của Champa
Về tượng Ông Đen, Ông Đỏ, tác giả Hồ Thùy Trang ở Bảo tàng Bình Định, cho hay, đó chỉ là tượng Hộ pháp, nguyên bản tượng đá cao 2,4m và to 2 vòng tay ôm, do nhà chùa tự sơn một tượng màu đen, một tượng màu đỏ mà gọi Ông Đen, Ông Đỏ. Tượng tạc theo phong cách Champa. Ngày 28/6/2019, Hội đồng Thẩm định hiện vật và hồ sơ hiện vật tỉnh Bình Định đề nghị công nhận tượng Ông Đen, Ông Đỏ là Bảo vật quốc gia, xác định đây là 2 tượng Hộ pháp (Dvarapala), không đề cập về Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền. Tượng đẹp, mỗi tượng nặng 800kg, tương đối còn nguyên vẹn, niên đại khoảng nửa sau thế kỷ XIII (đời Trần). Cả 2 tượng đều có cùng phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ XII - XIII). Tượng cổ lâu đời, Ông Đen, Ông Đỏ có nhiều chuyện dân gian hư cấu. Sử ký thời Trần không có vị tướng nào là Lý Xuân Điền và Trạng nguyên là Huỳnh Tấn Công. Vụ vua Trần Duệ Tông chinh phạt Chiêm Thành cũng không có Huỳnh Tấn Công bị bắt...
Hai tượng Hộ pháp (Dvarapala) ở chùa Nhạn Sơn - cổ vật Champa thuộc chùa Nhạn Sơn (xóm Xuân An, thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2019 (Ảnh: INTERNET)
Tác giả Hồ Thùy Trang còn cho biết: 2 tượng Hộ pháp chùa Nhạn Sơn vừa mang yếu tố văn hóa Việt, vừa mang yếu tố văn hóa Champa, một đặc điểm hiếm có. Yếu tố văn hóa Champa có dấu ấn tín ngưỡng Ấn Độ giáo: Hộ pháp là vị thần canh giữ cửa đền tháp. Vậy phải chăng, việc gán tượng Ông Đen, Ông Đỏ làm nhân vật lịch sử (hư cấu) là Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền nhằm tôn vinh tình bạn lúc tột đỉnh hiển vinh hay khi sa cơ lỡ vận vẫn đối xử trước sau như một?
Nghe nói tỉnh Bình Định đã có kế hoạch khôi phục quần thể phế tích thành Đồ Bàn để làm sản phẩm du lịch tâm linh văn hóa - lịch sử như ở quần thể phế tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), hy vọng sẽ có một địa chỉ du lịch kỳ thú như vậy ở Bình Định!./.
Quang Hảo
*Bài viết có dựa theo tư liệu sách Nước non Bình Định của Quách Tấn (NXB. Thanh Niên.1999)