Những thông tin ít ỏi từ các bia ký cổ
Trong lịch sử, khu đền tháp này từng bị cướp phá trong chiến tranh, nên các tượng thờ từng phải nhiều lần làm lại.
Cụm đền tháp Po Nagar còn lưu giữ được khoảng 20 bia ký cổ, cả bằng chữ Phạn và chữ Champa cổ - là một trong số di tích lưu giữ được nhiều bia ký Champa cổ nhất ở miền Trung – nội dung được dịch từ những bia ký này đã phần nào giúp thế hệ sau biết được lịch sử của khu đền thờ.
Một góc khu đền tháp Po Nagar
NAM HOA
Ghép nối những thông tin từ các bia ký, người ta biết rằng, từ xưa trên ngọn đồi thấp ở cửa biển xứ Kauthara này đã có một ngôi đền bằng gỗ. Trong cuộc đổ bộ cướp phá của người Java năm 774, ngôi đền bị đốt cháy và các linh vật bị cướp đi. Sau khi đánh đuổi quân Java khỏi lãnh thổ, năm 784 vua Satyavarman đã cho dựng lại ngôi đền, và trong số linh vật mới có một bức tượng nữ thần Bhagavati.
Sau đó hơn 30 năm, bức tượng nữ thần Bhagavati vì một lý do nào đó đã bị mất, và năm 817 vua Harivarman tiếp tục dựng lại tượng Bhagavati bằng đá để thờ phụng. Sau khi có sự thay đổi triều đại vào khoảng năm 854, kinh đô Champa từ Virapura ở vùng Phan Rang ngày nay được di chuyển lên Indrapura ở phía bắc (vùng Đồng Dương thuộc Quảng Nam ngày nay), có thể khu đền tháp này tạm thời bị “lãng quên” một thời gian.
Đến năm 918, vua Indravarman III đã cho đặt một tượng nữ thần Bhavagati bằng vàng tại khu đền thờ này để thờ phụng, nhưng tiếc thay, năm 950 người Khmer đã tấn công Kauthara, đốt phá khu đền và cướp đi tượng nữ thần Bhavagati bằng vàng đó. 15 năm sau, năm 965 vua Jaya Indravarman I đã cho dựng lại tượng nữ thần Bhavagati bằng đá tại khu đền thờ này.
Sau lần vua Jaya Indravarman I dựng lại tượng nữ thần Bhavagati năm 965, các bia ký sau đó không còn nhắc đến việc khu đền Po Nagar bị cướp phá, hay tượng nữ thần có bị thay thế lần nào nữa hay không.
Theo thời gian, nữ thần Bhagavati (tính nữ của thần Siva) dần dần đã trở thành nữ thần Po Inu Nagar (hay Po Nagar) – Nữ thần Mẹ xứ sở của người Champa, rồi thành thánh Mẫu Thiên y Ana do người Việt thờ cúng hiện tại.
Phiên bản tượng nữ thần Po Nagar tại phòng trưng bày
T.L
Vậy, bức tượng đá hiện đang được thờ phụng tại tháp chính của khu đền tháp Po Nagar liệu có phải là bức tượng được vua Jaya Indravarman I cho dựng từ năm 965 hay không?
Kiến giải của các nhà nghiên cứu
Đầu thế kỷ 20 khi nghiên cứu khu đền tháp Po Nagar cùng các di vật tại đây, H. Parmentier đã đề cập tới khả năng bức tượng thờ ở tháp chính có thể là bức tượng đá được Jaya Indravarman I dựng vào năm 965 - theo tác phẩm Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Việt Nam(Inventaire descriptif des monuments Chams de L’Annam - H. Parmentier, Paris 1909). Tuy nhiên ông chỉ đề cập chứ chưa có những nghiên cứu tỉ mỉ.
Đến năm 1942, một nhà nghiên cứu người Pháp khác là Phillippe Stern trong tác phẩm Sự phát triển của nghệ thuật Champa (L'art du Champa et son evolution - Toulouse, 1942) đã trình bày sự nghiên cứu cụ thể của mình về pho tượng đá được thờ trong ngôi đền chính ở khu đền tháp Po Nagar ở TP. Nha Trang.
P. Stern thông qua việc nghiên cứu và phân tích phong cách nghệ thuật đã đưa ra nhận xét rằng “chiếc bệ và tấm ngai tựa của pho tượng có niên đại sớm (thuộc vào đầu phong cách Mỹ Sơn A1) còn bản thân pho tượng thì không cùng với phong cách tấm ngai tựa, và có thể được làm lại vào giữa thế kỷ XI” - theo Tháp Bà Thiên y Ana, hành trình của một nữ thần (Ngô Văn Doanh, NXB Trẻ 2009).
Tượng nữ thần – thánh Mẫu Thiên y Ana tại tháp chính
NAM HOA
Tiếp sau đó, năm 1963 Jean Boisselier - một nhà khảo cổ học, dân tộc học và sử học nghệ thuật người Pháp khác, trong tác phẩm Tượng Champa (La statuaire du Champa, Paris 1963) tiếp tục có những nghiên cứu tỉ mỉ hơn nữa tới cấu tạo và các họa tiết trang trí phía trước cũng như phía sau lưng ngai tựa của bức tượng, cũng như ở các chi tiết nhỏ trang trí trên thân tượng, rồi đi đến kết luận niên đại của pho tượng ở vào khoảng cuối thế kỷ 10, sau năm 965 một chút.
Dựa trên những tài liệu nghiên cứu đã công bố của các nhà nghiên cứu Pháp, sau này các nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục dành nhiều thời gian nghiên cứu sâu thêm một cách rất kỹ lưỡng về pho tượng thờ ở đền tháp Po Nagar, mặc dù theo một số thông tin, đầu thế kỷ 20, người Pháp đã lấy đi đầu tượng và 2 tay (hiện nay đầu pho tượng được phục chế bằng vật liệu khác) đã gây ra một số khó khăn cho công việc nghiên cứu.
Theo sách đã dẫn, nhóm nghiên cứu của ông Ngô Văn Doanh đã xem xét tới cấu tạo hình thể các bộ phận của pho tượng, các chi tiết đồ trang sức được điêu khắc, cả tới nếp nhăn được khắc họa trên bụng tượng, … để đi đến kết luận, pho tượng Mẫu hiện đang được thờ phụng tại tháp chính Po Nagar chính là pho tượng nữ thần được vua Jaya Indravarman I cho dựng vào năm 965.
Như vậy, đây là pho tượng đã hơn ngàn năm tuổi và có lẽ cũng là pho tượng Champa được thờ phụng lâu dài nhất cho đến tận ngày nay./.
Theo Thanh Niên