Tiếng Việt | English

22/09/2015 - 09:29

Ông Tập Cận Bình đến Mỹ lúc cán cân quyền lực thay đổi?

Chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ 22-28/9 diễn ra trong bối cảnh cán cân quyền lực 2 nước đang có sự thay đổi.

Theo lịch trình, ngày 22/9 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thành phố Seattle bắt đầu chuyến công du Mỹ một tuần. Đến ngày 25/9, Tổng thống Obama sẽ tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Nhà Trắng. Ông Tập sẽ phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9, rồi trở về nước cùng ngày.

Nội dung cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và ông Obama

Theo báo chí Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thảo luận nhiều vấn đề trong các lĩnh vực, từ thương mại song phương tới an ninh mạng và các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông, song mục tiêu hàng đầu của ông Tập Cận Bình sẽ là xây dựng một sự nhất trí chung về ý nghĩa của khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” giữa Trung Quốc và Mỹ trong vòng 5-10 năm tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh. (ảnh: Reuters)

Ngày 16/9 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức cuộc họp báo nói rõ mục đích cũng như ý nghĩa của chuyến thăm, trong đó ông Vương Nghị nhấn mạnh chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình là nhằm tăng cường lòng tin, giảm bớt các mối nghi ngại, tăng cường giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác mở ra tương lai…

Theo báo Mỹ, vấn đề an ninh mạng sẽ là ưu tiên hàng đầu vì đây là vấn đề an ninh mà nước Mỹ đặc biệt quan ngại. Tiếp theo là tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông, liên quan đến an ninh, an toàn hàng hải. Thứ ba là vấn đề tài chính, kinh tế toàn cầu, thực chất là những vấn đề đang nảy sinh trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện nay khi Trung Quốc đang đối mặt với biến động chứng khoán, bất động sản cũng như phá giá đồng nội tệ. Và cuối cùng là những vấn đề toàn cầu như cuộc chiến chống khủng bố, vũ khí hạt nhân hay biến đổi khí hậu…

Căng thẳng Mỹ - Trung phủ bóng trước chuyến thăm

Trước chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, căng thẳng giữa 2 nước đang có chiều hướng gia tăng xung quanh cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng nhằm vào Mỹ và những diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông.

Trong một cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew, 54% người Mỹ bày tỏ quan điểm không thân thiện với Trung Quốc. Mức độ này ngày càng gia tăng kể từ năm 2010.

Theo AP, căng thẳng giữa hai nước xung quanh vấn đề an ninh mạng đang đạt đến mức chưa từng có. Bất chấp những cáo buộc của Mỹ, Trung Quốc luôn cho rằng mình cũng chỉ là một nạn nhân của các hacker.

AP dẫn lời chuyên gia Aaron L. Friedberg, Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ) nhận định: “Mỹ ngày càng tỏ ra nghi ngờ các hành động của Trung Quốc. Bầu không khí trước chuyến thăm khá tiêu cực hơn bất kỳ giai đoạn nào kể từ năm 1989”.

Ngoài vấn đề an ninh mạng, các quan chức Mỹ gần đây đã bày tỏ quan ngại về hoạt động cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng đường băng quân sự trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ từng nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt những hành động như vậy nhưng chỉ nhận được phản ứng cho rằng, đây không phải là vấn đề liên quan đến Washington.

Về kinh tế, Trung Quốc lại để thị trường chứng khoán “rơi tự do” với việc phá giá đồng nội tệ trong 3 ngày liên tiếp. Phía Mỹ đã lên án hành động này là có mưu đồ chính trị và tuyên bố sẽ phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế can thiệp.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại đưa ra nhiều lý lẽ biện minh cho hành động này. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, từ khi bắt đầu cải cách tiền tệ vào năm 2005 đến nay, đồng NDT đã tăng giá 35% so với đồng USD. Họ cho rằng việc phá giá đồng Nhân dân tệ chỉ là hoàn thiện giá tham chiếu của tỷ đá hối đoái giữa NDT và USD theo hướng thị trường hoá.

Theo các chuyên gia Trung Quốc thì tỷ giá giữa NDT và USD luôn ở mức cao trong thời gian gần đây là không phản ánh đúng tình hình thực tế, và việc điều chỉnh sau đó thả nổi tỉ giá đồng NDT theo hướng thị trường hoá đã được Quỹ tiền tệ Quốc tế hoan nghênh, đây là bước tiến dài để đồng NDT trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và có Quyền rút vốn đặc biệt vào cuối năm nay, Mỹ sẽ khó ngăn cản được việc này.

Trung Quốc vẫn trấn an thế giới rằng đây chỉ là lần can thiệp duy nhất của Chính phủ Trung Quốc và đồng tỷ giá đồng NDT sẽ vẫn được đảm bảo ổn định, họ cũng tuyên bố rằng Trung Quốc có đủ tự tin và tiềm lực để góp phần ổn định nền kinh tế thế giới. Có thể thấy ông Tập Cận Bình và Chính phủ Trung Quốc đã tính toán rất kỹ cho bước đi này.

Vị thế thay đổi

Hơn 2 năm trước (6/2013), ông Tập Cận Bình đến Mỹ lúc vị thế của Trung Quốc đang lên. Năm 2013, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và nắm 8% nợ quốc gia của Mỹ.

Ông Tập Cận Bình gặp ông Obama hồi tháng 2/2012. (ảnh: Reuters)

Mỹ đã tiếp ông Tập Cận Bình ở California bằng sự trọng thị không thể tốt hơn. Khái niệm về cái gọi “Quan hệ nước lớn kiểu mới” hình thành trong bối cảnh đặc biệt đó.

Tháng 9/2015, ông Tập Cận Bình lại có chuyến thăm chính thức Mỹ. Theo Washington, ông Tập Cận Bình sẽ được đón tiếp trọng thị với nghi thức cao nhất nhưng theo giới phân tích vị thế của nhà lãnh đạo Trung Quốc lần này đã có sự đổi thay.

Ông Tập tới Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nảy sinh nhiều vấn đề: kinh tế giảm tốc, biến động thị trường chứng khoán, bất động sản cũng như đồng nội tệ mất giá…

Người dân Trung Quốc cũng đang đặt nhiều hoài nghi trong việc xử lý các khó khăn kinh tế, cuộc chiến chống tham nhũng cũng như các vấn đề quốc tế.

Bên cạnh đó, khái niệm “Quan hệ nước lớn kiểu mới” như báo chí Trung Quốc đề cập trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình dường như không tiến triển.

Giới phân tích quốc tế đang nhìn nhận Washington dường như đang ở một vị thế cao hơn Bắc Kinh và bởi thế chuyến thăm là một cách để Trung Quốc cải thiện quan hệ song phương.

Với tình hình hiện nay thì chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ khó có thể tạo ra đột phá trong quan hệ Mỹ-Trung ngoài một vài tuyên bố giữa hai bên về những tiến bộ trong quá trình đàm phán về hiệp định đầu tư song phương hay trong hợp tác quốc tế, chẳng hạn như vấn đề hạt nhân của Iran./.

Ngân Giang/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết