Tiếng Việt | English

09/10/2017 - 20:10

PGS Văn Như Cương: Người lái đò miệt mài gần 60 năm không nghỉ

Suốt gần 60 năm qua, người lái đò xứ Nghệ ấy đã miệt mài chở bao thế hệ học trò sang sông bằng cả trái tim mình. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người.

Phó giáo sư Văn Như Cương bên các học trò. (Ảnh: LTV)

Sáng sớm nay, ngày 09/10, một tin buồn làm bàng hoàng cả vạn trái tim: Người thầy giáo tài hoa và nhiệt huyết Văn Như Cương đã rời xa cõi tạm, yên nghỉ chốn vĩnh hằng.

Suốt gần 60 năm qua, người lái đò xứ Nghệ ấy đã miệt mài chở bao thế hệ học trò sang sông bằng cả trái tim mình. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ông vẫn đau đáu với sự nghiệp trồng người.

“Văn Như Cương, toán cũng Như Cương”

Phó giáo sư Văn Như Cương sinh năm 1937, trong một gia đình có truyền thống Nho học tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, học xong phổ thông, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm giảng viên của trường.

Thời gian học ở Hà Nội cũng là khi ông bén duyên với cô nữ sinh trường Trưng Vương - mối tình đầu và cũng là mối lương duyên suốt đời gắn bó của ông. Đó là khi chàng giáo sinh Văn Như Cương thực tập tại trường Trưng Vương và phải lòng cô nữ sinh Hà Thành Đào Kim Oanh.

Năm 1954, ông rời Hà Nội về Vinh và là một trong những người đặt nền móng thành lập trường Đại học Vinh. Sau đó, ông theo học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ) và bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ vào năm 1971. Trở về nước, ông tiếp tục sự nghiệp trồng người khi làm giảng viên môn Hình học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Vinh.

Ông đã viết trên 60 đầu sách toán học các loại, từ sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo, giáo trình đại học.

[Nhà giáo nổi tiếng Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80]

Là một trong những nhà hình học hàng đầu của Việt Nam, nhưng phó giáo sư Văn Như Cương cũng nổi tiếng là người giỏi chữ Hán, giỏi thơ văn.

Ông chia sẻ, thời đi học, ông giỏi cả văn và toán. Nhưng khi học đại học, ông quyết định chọn toán vì học toán vẫn có thể theo đuổi tình yêu văn học, trong khi học văn thì khó mà hiểu nổi sách toán.

Ông sáng tác khá nhiều thơ, trong đó có nhiều bài mà học trò của ông lưu truyền mãi. Một lần, ông nhìn lên bàn giáo viên, thấy lọ hoa, bèn ứng khẩu: “Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/Mong rằng toán học bớt khô khan/Em ơi trong toán nhiều công thức/Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn.”

Nể phục trước tài năng của ông, một người bạn có thơ đề tặng: “Văn Như Cương, toán cũng Như Cương/Một đời người hai nửa vấn vương.”

Thầy Văn Như Cương ân cần chào đón học sinh lớp 6 trong ngày khai trường. (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

Dạy trò bài học làm người

Phó giáo sư Văn Như Cương là người đầu tiên khai mở giáo dục dân lập ở Việt Nam, kể từ sau khi thống nhất đất nước. Đó là năm 1989, khi ông cùng với người cộng sự là thầy giáo Nguyễn Xuân Khang thành lập trường Lương Thế Vinh.

Ngay từ ngày đầu thành lập, trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy cho các phụ huynh gửi gắm con em mình.

Chất lượng giáo dục được khẳng định bằng việc Lương Thế Vinh luôn là một trong những trường có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao nhất cả nước.

Nhưng Lương Thế Vinh nổi tiếng không chỉ với những con số biết nói về chất lượng đào tạo tri thức, trường còn nổi tiếng bởi những bài giảng về đạo đức, về lối sống, về nhân cách của người thầy tài hoa và tận tâm Văn Như Cương, bài học làm người.

Mỗi mùa khai giảng, ông đều dành cho học trò những lời tâm huyết từ tận trái tim mình.

Năm 2014, cả nước sục sôi hướng về biển đảo khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981 vi phạm chủ quyền Việt Nam. Thầy Văn Như Cương đã tổ chức lễ khai giảng đặc biệt rực trong màu cờ Tổ quốc khi hàng nghìn học sinh và thầy cô giáo trường Lương Thế Vinh cùng mặc áo cờ đỏ sao vàng.

Giọng người thầy giáo già rưng rưng: “Thật là xúc động trong buổi tựu trường ngày hôm nay, chúng ta mặc cho mình bộ đồng phục với lá cờ linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu!"

"Chúng ta hãy thể hiện tình yêu nồng thắm và lớn lao đối với đất nước mình. Chúng ta yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa. Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất…"

"Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô… Hãy nhớ rằng chúng ta được nuôi dưỡng bằng dòng sữa mẹ Việt Nam, tuy rất ngọt ngào nhưng được chắt lọc từ biết bao nhọc nhằn và cay đắng…”

Năm 2015, bài phát biểu trong lễ khai giảng của ông tiếp tục gây bão khi thức tỉnh học trò về việc “những gì học trong trong nhà trường không phải là bảo bối” và “với tư cách là một thầy giáo nhiều tuổi nghề và nhiều tuổi đời, thầy muốn nhắn nhủ với các em rằng: biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi.”

Theo đó, ông khuyên học trò không nên chỉ chăm chú vào sách vở mà phải tham gia nhiều hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện để có thêm những trải nghiệm mới, tri thức mới mà những tiết học trong nhà trường không thể có.

Mới đây thôi, trong ngày khai giảng năm học 2017-2018, ông tiếp tục “bắt bệnh” cho các học trò mình: “Mỗi một người đều có một thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên rất ngắn ngủi.”

Và không quên đưa ra bài thuốc chữa: “Thầy giới thiệu phương pháp KAIZEN. Phương pháp này được phát minh bởi nhà hiền triết Nhật Bản. Theo phương pháp này, mỗi ngày, em chỉ cần bỏ ra đúng một phút vào khoảng thời gian cố định hàng ngày để làm công việc mà em lười nhất, ngại nhất."

"Công việc trong một phút có thể là chống tay hít đất 10 cái hoặc học một từ tiếng Anh cùng với trong một câu tiếng Anh có từ đó, hay giải một bài toán đơn giản trong sách bài tâp… Em phải làm việc đó hàng ngày và quyết tâm không để cho bất cứ sự trì hoãn nào. Sau khi làm việc đó một thời gian em sẽ cảm thấy bị cuốn hút và đó là khi em đã bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng.”

Những lời dạy của thầy Văn Như Cương có lẽ sẽ còn in dấu mãi trong lòng mỗi học sinh trường Lương Thế Vinh và còn nguyên giá trị với mọi thế hệ học trò.

Cả cuộc đời mình, ông đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người, không chỉ cho học sinh Lương Thế Vinh mà còn cho cả nền giáo dục nước nhà.

Đó là khi ông dám nghĩ, dám làm, dám mở một hướng đi mới cho giáo dục với ngôi trường dân lập đầu tiên, khi còn chưa có văn bản, quy định nào làm hành lang pháp lý cho trường tư thục đi vào hoạt động. Đó là khi ông luôn mạnh dạn và thẳng thắn chỉ ra những điểm bất cập của giáo dục để từ đó những mong giáo dục Việt Nam sẽ tốt hơn lên. Những phát ngôn của ông đã khiến không ít người giật mình, như “40% chương trình giáo dục Việt Nam là vô bổ."

Với phó giáo sư Văn Như Cương, như lời phát biểu của ông trong ngày khai trường năm 2016: “Thầy có thể nói rằng hơn 50 năm thầy đã sống và làm việc thật là sung sướng. Thầy làm việc trong một môi trường trường học như thế này.”

“Bố thầy nói rằng rồi con sẽ khóc khi con bước lên bục giảng đầu tiên và con sẽ hạnh phúc hơn nếu con được sống những giờ phút cuối cùng bên những học sinh thân yêu của mình.”

Hôm nay, người thầy ấy có lẽ đã rất toại nguyện với mong ước của mình, bởi suốt gần 60 năm của cuộc đời mình, cho đến tận giờ phút cuối cùng, ông vẫn được miệt mài với những học sinh thân yêu.

Vĩnh biệt ông, người thầy đồ xứ Nghệ khả kính tài hoa./.

Theo TTXVN 

Chia sẻ bài viết