Tiếng Việt | English

09/07/2018 - 18:02

Phân bón Đầu Trâu khắc phục yếu tố bất lợi trong canh tác lúa

Phân bón là thức ăn của cây trồng. Khi bón phân, nhà nông cần biết những yếu tố bất lợi của môi trường ảnh hưởng đến việc hấp thụ, nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe của cây và chọn loại phân phù hợp. Hiện nay, nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long đang đối mặt với những yếu tố bất lợi: Khí hậu biến đổi, đất bị suy thoái, phù sa ít làm tăng chi phí phân bón mà năng suất lại giảm. Trước thực trạng đó, một số chủng loại phân bón Đầu Trâu ra đời, góp phần khắc phục những yếu tố bất lợi mà nông dân đang gặp phải.

1. Ngộ độc phèn ở ruộng lúa

Hầu hết đất Đồng bằng Sông Cửu Long đều có phèn. Tuy khác nhau về mức độ nặng nhẹ và sự hiện diện của tầng phèn ở những độ sâu khác nhau trong đất, nhưng nhìn chung đều khiến đất bị “chua”. Chính vì đất chứa phèn nên sau khi thu hoạch lúa, lớp đất mặt bị khô, độc; chất phèn từ tầng đất dưới sâu sẽ mao dẫn lên tầng đất mặt, gây độc cho cây lúa mới gieo. Do đó, cần có biện pháp sau:

Cày ải cắt đứt mao quản không cho độc chất phèn kéo lên lớp đất mặt. Cày ải còn tạo lớp che phủ mặt đất, hạn chế tạo phèn của tầng đất bên dưới. Cần làm đất sâu 15-20cm càng tốt.

Sau thời gian cày ải, cần cho đất ngập nước khoảng 2 tuần. Lúc này hàm lượng sắt hoà tan trong dung dịch đất tăng cao (Hình 1), phải xả bỏ nước độc này ra khỏi ruộng.

Để trung hòa lượng độc chất phèn còn lại trong đất, bón lót phân Đầu Trâu Mặn - Phèn (Hình 2) trước khi làm đất lần cuối để phân vào sâu trong đất, với liều lượng 200-300kg/ha tùy độ chua của đất.

Dùng máy hay giấy đo pH kiểm tra độ chua của nước ruộng trước khi xuống giống. Nếu pH trên 5,5 là sạ được.

Hình 1 - Hàm lượng Fe hòa tan trong đất

Hình 2 - Phân Đầu Trâu Mặn - Phèn

2. Ngộ độc hữu cơ ở ruộng  lúa

Rơm rạ còn tươi chưa hoai mục khi chôn vùi vào đất ngập nước, thiếu không khí sẽ bị vi sinh vật yếm khí phân hủy, tạo ra nhiều axit hữu cơ (acetic axit, propionic axit, butyric axit, …), hydrogene sulphide (H2S), ethylene (C2H4), methane (CH4) và chất gây chua (H+) (Hình 3).

Vì vậy, ngay sau khi thu hoạch lúa mà cày vùi rơm rạ tươi vào đất ngập nước rồi trồng lúa ngay, cây lúa sẽ bị ngộ độc hữu cơ. Những chất độc này ở nồng độ cao sẽ làm giảm khả năng hô hấp của rễ, gây chết rễ, lúa hấp thu dưỡng chất kém. Do đó, cần có biện pháp sau:

- Sau khi thu hoạch lúa nên cày ải để rơm rạ được phân hủy ít nhất 3 tuần, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập từ 2 đến 3 tuần.

- Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại ngay sau khi thu hoạch, phải cắt gốc rạ (dùng máy cắt gốc rạ), di chuyển hết rơm và gốc rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Rơm rạ này có thể dùng để trồng nấm rơm hay ủ mục làm phân hữu cơ bón lại cho đất (chủng thêm nấm Trichoderma sp. cho mau mục).

- Nếu không cắt được gốc rạ để di chuyển ra khỏi ruộng, phải áp dụng biện pháp rút nước ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ. Nước được rút khô kiệt ít nhất 5 ngày (mực thủy cấp cách mặt đất 10 - 15cm), đến khi mặt đất nứt chân chim 2 - 3mm thì vô nước lại, bón phân.

- Để hóa giải độc chất hữu cơ và giúp cây lúa chống chịu tốt khi bị ngộ độc, cần cung cấp can-xi, lân và silic cho đất lúa bằng cách bón lót phân Đầu Trâu Mặn - Phèn (Hình 2) trước khi làm đất lần cuối để vùi phân vào sâu trong đất với liều lượng 200-300kg/ha.

Hình 3 - Sự phân hủy chất hữu cơ trong điều kiện đất ngập nước, yếm khí

3. Ngộ độc mặn ở ruộng lúa

Khí hậu toàn cầu biến đổi, trái đất nóng lên, băng ở hai cực tan và thể tích nước biển gia tăng làm nước biển dâng lên, xâm nhập mạnh và sâu vào nội đồng làm đất bị nhiễm mặn. Bên cạnh đó, lượng nước ngọt của Sông Cửu Long đổ về Đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng ít đi do rừng thượng nguồn bị tàn phá, ngăn chặn.

Chính vì vậy, mặn là nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất lúa, nhất là vụ lúa Hè thu trở nên thường xuyên hơn. Cần có biện pháp hạn chế sự ngộ độc mặn cho lúa như sau:

- Điều chỉnh thời vụ xuống giống vụ Hè thu. Nắng nóng làm hơi nước thoát nhiều qua lá, lúa bị héo do rễ hút nước không kịp. Ngoài ra, nắng nóng còn làm cho cây lúa quang hợp kém, hấp thu dinh dưỡng kém. Vì vậy, nên chọn thời điểm khi trời bắt đầu có mưa, thời tiết mát mẻ hơn mới xuống giống, thường vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 Dương lịch.

- Củng cố bờ bao, kiểm tra cống bọng, không để nước mặn lên ruộng là việc cần làm thường xuyên trong mùa khô ở vùng có nguy cơ bị mặn. Cần cày và để ải sau khi thu hoạch lúa Đông xuân.

- Để giúp cây lúa non chống chịu mặn, khi ngâm ủ nên ngâm lúa giống trong dung dịch phân kali (phân muối ớt) với liều lượng 2g cho 1 lít nước, sau đó rửa sạch hạt giống trước khi đem ủ.

- Trong lúc ủ, nên trộn hạt giống với những loại thuốc có khả năng giúp rễ lúa phát triển mạnh để chống hạn sau này.

- Để đuổi mặn nhanh ra khỏi đất và giúp lúa chống chịu tốt hơn ở đất mặn, cần bón lót phân Đầu Trâu Mặn - Phèn (Hình 2) trước khi làm đất lần cuối để vùi phân vào sâu trong đất với liều lượng 200-300kg/ha.

- Dùng dụng cụ kiểm tra độ mặn của nước trong sông rạch trước khi bơm lên ruộng.

4. Mất phân ở ruộng lúa

Hiệu quả sử dụng phân bón không cao ở ruộng lúa là do: (a) Phân tan trong nước chảy tràn qua bờ ra khỏi ruộng lúa; (b) Phân theo nước thấm xuống sâu ra khỏi vùng rễ của lúa; (c) Phân chuyển hóa thành thể khí bay hơi đi; (d) Phân bị cố định trong đất làm lúa không hấp thụ được.

Trong 13 chất dinh dưỡng cung cấp cho lúa, chỉ có chất đạm là bị thất thoát qua bay hơi (khí NH3, N2O, N2). Trong điều kiện nắng nóng, sự thất thoát này trung bình khoảng 40%. Còn chất lân không bị mất do bay hơi như đạm và cũng ít bị mất do thấm sâu hay chảy tràn, nhưng chất lân rất dễ bị cố định trong đất bởi chất sắt, nhôm, can-xi, ma-giê và trở nên không hữu dụng cho cây đến 70%. Để gia tăng hiệu quả sử dụng phân bón ở ruộng lúa, cần áp dụng các biện pháp sau:

- Củng cố bờ bao và đánh bùn để hạn chế mất phân do chảy tràn hay thấm sâu; giữ nước ruộng sau khi bón phân tối thiểu 5 ngày (tốt nhất 7 ngày).

- Ở đất không giữ được nước, đất thấm rút nhanh như đất cát, cần chia phân ra nhiều lần bón.

- Không bón phân khi cây lúa đang bị bệnh hay ngộ độc phèn, mặn, hữu cơ; khi ruộng bị khô hay có rong.

- Sử dụng phân urê có Agrotain như phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+ để làm chậm tiến trình thủy phân, giúp giảm mất N do bay hơi, tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm 20-25% lượng phân so với urê.

- Sử dụng phân DAP có bổ sung Avail như phân bón Đầu Trâu DAP-Avail để không cho các ion sắt,nhôm,mangan,...làmcốđịnhlân.Câytrồnghấpthụlânđượcdễdàng,tănghiệuquảsửdụng, tiết kiệm được 30% lượng phân so vớiDAP.

5. Đổ ngã ở ruộng lúa

Nông dân thường xuyên phải đối mặt với sự đổ ngã của lúa, nhất là trong mùa mưa. Đổ ngã làm giảm năng suất lúa trên 10%, có khi lên đến 40 - 50%, ảnh hưởng đến chất lượng gạo và gây khó khăn trong thu hoạch, nhất là thu hoạch bằng máy.

Lúa ngã ảnh hưởng đến quang hợp, quá trình tạo hạt bị đình trệ do sự vận chuyển chất khô bị trở ngại, tỷ lệ lép và lửng gia tăng. Ngoài ra, lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước, làm hạt nẩy mầm hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công, giảm chất lượng gạo. Để hạn chế đổ ngã cần áp dụng các biện pháp sau:

- Không sạ dày. Sạ dày làm cho lúa ốm yếu do vươn cao cạnh tranh ánh sáng; cần sạ 80 - 100 kg lúa giống/ha.

- Không bón thừa phân N vì N làm gia tăng hoạt động của hóc-môn tăng trưởng, thúc đẩy lúa vươn cao, dễ đổ ngã. Lượng đạm bón trung bình cho cả vụ nên ở mức 80 - 100 kg/ha, tùy vụ.

- Rút nước giữa vụ để đất chặt lại, rễ ăn sâu, bẹ lá tiếp xúc với ánh sáng trở nên cứng chắc, nâng đỡ thân lúa giúp giảm đổ ngã.

- Cần gia tăng độ cứng chắc các lóng thân bằng cách cung cấp silic, kali và can-xi như bón lót phân Đầu Trâu Mặn - Phèn (có chứa 14% silic, 20% canxi); Bón thúc lần 1 (7 - 10 ngày sau sạ) và thúc lần 2 (18 - 20 ngày sau sạ) bằng phân Đầu Trâu TE-A1 (có chứa 7% kali, 2% silic) và bón thúc lần 3 (lúc tượng đòng) bằng phân Đầu Trâu TE-A2 (có chứa 22% kali, 2% silic).

6. Phân Đầu Trâu trong canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Trong chương trình canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, do Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thực hiện qua 3 vụ Hè thu 2016, Đông xuân 2016-2017 và Hè thu 2017, các loại phân: Đầu Trâu Mặn - Phèn, Đầu Trâu TE-A1, Đầu Trâu TE-A2, Đầu Trâu 46A+ và Đầu Trâu DAP-Avail được đưa vào quy trình canh tác.

Kết quả của 195 mô hình ở 13 tỉnh, thành với tổng diện tích 97,5ha cho thấy các mô hình sử dụng đạm, lân, kali ít hơn; lượng giống gieo sạ cũng ít hơn nhưng năng suất cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn những ruộng đối chứng của nông dân (Bảng 1).

 

Bảng 1: Hiệu quả sử dụng phân Đầu Trâu trong canh tác lúa thông minh

Kết quả trên cũng cho thấy, nông dân sử dụng bộ phân bón Đầu Trâu ngày càng có hiệu quả cao hơn qua các vụ; thể hiện năng suất tăng từ 7-8% lên 12% và lợi nhuận tăng từ 3,5 triệu đồng ở vụ Hè thu 2016 lên gần 6 triệu đồng/ha ở vụ Hè thu 2017./.

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích