Cuối năm là thời điểm các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, gắn với việc đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao trong năm, chỉ ra những ưu điểm, tồn tại, hạn chế, kinh nghiệm; từ đó, mỗi người sẽ tự tin, thoải mái bước vào năm mới với mục tiêu phấn đấu cao hơn.
Mặc dù, cuối năm phải tập trung xử lý nhiều công việc nhưng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn dành thời gian đến nhiều sở, ngành, đơn vị, địa phương dự họp kiểm điểm tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Nơi nào tổ chức bộ máy chưa vận hành tốt, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa cao, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đoàn kết nội bộ, lãnh đạo tỉnh đều quan tâm, chỉ đạo định hướng giải pháp khắc phục. Mục đích sau cuộc kiểm điểm nhằm giúp những người đứng đầu thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để có hướng khắc phục, làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng, thống nhất cao trong tập thể lãnh đạo, nội bộ cơ quan, đơn vị và sự đồng thuận của nhân dân,...
Trong kiểm điểm, người đứng đầu phải là tấm gương tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Ngoài tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, quan hệ với đồng nghiệp, nhân dân, đoàn kết nội bộ và ý thức tổ chức kỷ luật,... người đứng đầu phải kiểm điểm trách nhiệm, mức độ tận tụy với công việc; kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu còn kiểm điểm về tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; tinh thần và quyết tâm trong chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành. Điều này càng có ý nghĩa trong tình hình hiện nay khi một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Để thực sự nêu gương, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo cần tự giác, trung thực trong tự phê bình và phê bình; khi có khuyết điểm phải nhận và có kế hoạch sửa chữa. Trong kiểm điểm, cần có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu; đồng thời, không được dĩ hòa vi quý, bao che, hình thức.
Nếu làm tốt việc tự phê bình, phê bình và nêu cao vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên thì Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng./.
Kim Quy