Tiếng Việt | English

04/11/2023 - 10:10

Phát triển kinh tế hộ gia đình

Bằng sự cần cù, nhạy bén, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc tận dụng tiềm năng sẵn có ở địa phương để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ông Lưu Hoàng Lâm (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo, góp phần giảm chi phí nuôi, tăng lợi nhuận

1. Hiện nay, nhiều hộ nuôi heo ngại tái đàn hoặc “treo” chuồng vì giá thức ăn gia súc tăng cao trong khi giá heo hơi xuống thấp, dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, gia đình ông Lưu Hoàng Lâm (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vẫn duy trì nuôi heo thịt, heo nái. Bình quân, gia đình ông Lâm có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, thậm chí có năm trên 150 triệu đồng từ nuôi heo thịt, heo nái.

Để có thu nhập ổn định và duy trì đàn heo, vợ chồng ông Lâm vừa áp dụng khoa học - kỹ thuật, vừa dựa vào kinh nghiệm nuôi heo mấy chục năm qua. Ông Lâm chia sẻ: “Hiện tôi nuôi 7 con heo nái sinh sản, 60 con heo con, gần 53 con heo thịt. Để giảm chi phí chăn nuôi, tôi tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo như lúa lửng xay thành cám trộn cho heo nái đang có chửa khoảng 1 tháng ăn; heo thịt ngoài cho ăn cám, thức ăn công nghiệp còn trộn thêm các loại rau đồng;... Ngoài ra, tôi còn trồng trên 1ha lúa dùng để làm thức ăn cho heo nên ít mua thêm thức ăn bên ngoài. Nguồn nước cho heo uống là nước giếng, được thiết kế tự động, heo khát tự uống”.

Trong quá trình nuôi heo, ông Lâm tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Bình quân hàng tháng, vợ chồng ông phun thuốc sát khuẩn, rải vôi xung quanh chuồng 1 lần.

Ông Lâm nói: “Tôi chú trọng nuôi heo theo hướng an toàn sinh học nên hạn chế cho người lạ vào tham quan chuồng. Chuồng trại xây dựng xa nơi ở. Tất cả thức ăn đều nấu chín trước khi cho heo ăn. Nhờ vậy, đàn vật nuôi được bảo vệ tốt, góp phần duy trì đàn heo thịt, heo nái”.

Nghề xúc trùn chỉ trên kênh 79 mang lại thu nhập cho nhiều lao động nhàn rỗi

2. Những ngày này, trên dòng kênh 79 (đoạn qua xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường), dễ dàng bắt gặp hàng chục chiếc xuồng của người dân xúc trùn chỉ. Theo quan sát, dụng cụ xúc trùn chỉ khá đơn giản, chỉ cần cái vợt bằng lưới cước, cán làm bằng sắt, vài cái thau để ủ và đãi trùn. Mỗi xuồng thường có 3 người, trong đó, người nào có sức khỏe tốt thì lặn xuống sông và kéo vợt, còn người nào yếu sức hơn thì đãi trùn chỉ.

Theo những người xúc trùn chỉ, trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 40kg trùn/xuồng, bán 60.000 đồng/kg, nhẩm tính thu nhập trên 2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, người xúc trùn chỉ phải có kinh nghiệm và chịu được vất vả vì ngâm mình thường xuyên dưới dòng nước lạnh.

Anh Nguyễn Văn Tình (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) bộc bạch: “Tôi đến với nghề này trong một lần tình cờ gặp người đãi trùn chỉ gần nhà. Qua quan sát, tôi thấy nghề xúc trùn chỉ không tốn nhiều chi phí, chủ yếu sử dụng sức khỏe là chính. Cũng từ đó, tôi tận dụng thời gian nhàn rỗi đi xúc trùn chỉ. Ban đầu, tôi cũng không xúc được nhiều nhưng lâu dần có kinh nghiệm nên thu nhập ổn định. Ngày nào xúc trùn chỉ trúng, tôi có thu nhập gần 5 triệu đồng/xuồng”.

Theo những người có kinh nghiệm, để xúc được nhiều trùn chỉ, trước tiên phải lựa chọn địa điểm và thử vài lần ở cùng một nơi để xem có nhiều trùn hay không. Trùn chỉ thường ở dưới đáy bùn khoảng 3cm. Được biết, trùn chỉ là giống giun nước có thân hình rất mảnh, màu hồng. Loại này thường sống ở những vùng nước chảy chậm, đầm lầy,... Mùa vụ xúc trùn chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 11 Âm lịch.

Trùn chỉ là món “khoái khẩu” của cá kiểng, cá giống. Vì vậy, từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh xúc, bán trùn chỉ cho các vùng nuôi cá ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ,... Và nghề này đang dần mang lại thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích