Tiếng Việt | English

31/10/2018 - 15:20

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần những giải pháp "bứt phá"  

Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Long An chọn 3 cây trồng (rau, thanh long, lúa), 1 vật nuôi (con bò) nhằm thực hiện ƯDCNC vào các khâu chính: Giống, canh tác, sau thu hoạch. Qua hơn 2 năm triển khai, thực hiện, bên cạnh những kết quả, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới.

Thiếu vốn sản xuất

Toàn tỉnh hiện có hơn 13.500ha sản xuất rau, năng suất đạt trên 164 tạ/ha, sản lượng đạt gần 222.000 tấn/năm. Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh xây dựng được 41 mô hình với tổng diện tích gần 800ha ƯDCNC. Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh hình thành 2.000ha rau ƯDCNC tại các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và TP.Tân An.

Sản xuất ƯDCNC lợi nhuận cao hơn trồng rau truyền thống 2-7 triệu đồng/1.000m2/vụ

Tổ trưởng Tổ Hợp tác (THT) Rau Hưng Phát (huyện Cần Giuộc) - Phan Văn Tiện cho biết:  “Các tổ viên sản xuất ƯDCNC lợi nhuận cao hơn trồng rau truyền thống 2-7 triệu đồng/1.000m2/vụ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu vốn đầu tư; đầu ra sản phẩm chủ yếu thông qua thương lái, khó vào các hệ thống siêu thị, bếp ăn tập thể;…”.

Đối với cây lúa, đến nay, toàn tỉnh xây dựng 45 mô hình ƯDCNC, diện tích trên 2.800ha; phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất 20.000ha lúa ƯDCNC tại các huyện Đồng Tháp Mười. Mô hình sản xuất lúa ƯDCNC góp phần tiết kiệm chi phí ước khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với ngoài mô hình.

“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là định mức hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình, đầu tư trạm bơm điện còn thấp so với kinh phí thực hiện theo thực tế nên nông dân chưa mặn mà” - Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí bộc bạch.

Nông dân còn “ngại” sản xuất ứng dụng công nghệ cao

ƯDCNC vào chăn nuôi bò thịt là hướng đi đúng đắn trong nền nông nghiệp hiện đại. Tại tỉnh, nuôi bò ƯDCNC được địa phương triển khai, thực hiện tại 6/22 xã: Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông, Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ), Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, Hòa Khánh Đông (huyện Đức Hòa); phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn có 5.000 con bò hướng thịt; trong đó, có trên 3.500 - 4.000 con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Tuy hiệu quả bước đầu mang lại khá cao nhưng hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi bò còn chậm, do nhận thức của nông dân theo hướng sản xuất an toàn còn hạn chế” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết.

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha thanh long tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Châu Thành

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 10.300ha thanh long, đạt 102% kế hoạch, bằng 116,6% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, có khoảng 7.440ha cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An. Hiện, toàn tỉnh xây dựng 14 mô hình ƯDCNC trong sản xuất với diện tích trên 840ha. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha thanh long tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại huyện Châu Thành.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, đến nay, huyện có 580 hộ thuộc các THT, HTX đi vào thực hiện với diện tích 353ha, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất thanh long. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn còn nhiều hộ chưa nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, nhất là chưa bảo đảm được các tiêu chí trong khâu ƯDCNC: Chọn giống, quy trình canh tác, chăm sóc, phân bón, quy trình quản lý, xây dựng thương hiệu,...

Cần nhiều chính sách hỗ trợ

Nông nghiệp ƯDCNC được xây dựng với mục tiêu phát triển toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hiện nay, người trực tiếp sản xuất đều lo ngại về nguồn lực đầu tư và thị trường tiêu thụ.

“Gia đình tôi ủng hộ sản xuất nông nghiệp ƯDCNC nhưng điều lo lắng nhất là khi mình đầu tư nhiều vốn, công sức nhưng đầu ra nông sản không được bảo đảm. Liên kết với doanh nghiệp, nông dân có nhiều thuận lợi, nhất là được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, khó khăn là do nông dân phải thực hiện nhiều quy trình, quy định; giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung” -  Ông Từ Nam Hùng, ngụ ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa nói.

Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn có 5.000 con bò hướng thịt

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp, rau, củ, quả Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Trần Văn Minh chia sẻ: “Giá vật tư nông nghiệp ngày càng cao, trong khi nguồn vốn kinh doanh của HTX có hạn nên việc cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên còn hạn chế. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chính sách phát triển nông nghiệp: Tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ phân bón hữu cơ, xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định”.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh cần hỗ trợ về thủ tục đất đai; thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, xuất, nhập khẩu; kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm; áp dụng lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại từ 0,5-1,5% vừa khuyến khích doanh nghiệp, vừa bảo đảm cho các ngân hàng thương mại vận hành theo cơ chế thị trường.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Mục tiêu của Đề án Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là giúp nông dân giảm giá thành sản xuất; tăng năng suất, thu nhập, phát triển ổn định và thân thiện với môi trường. Để lĩnh vực này tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, hiện nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh có những giải pháp, chính sách mang tính đột phá hơn. Qua đó, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất.  

Sản xuất lúa ƯDCNC góp phần tiết kiệm chi phí ước khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, hiện, tỉnh thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trước hết, tỉnh quy hoạch các vùng nông nghiệp ƯDCNC, tạo quỹ đất “sạch”; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Thủ tục hành chính đơn giản, nhanh gọn. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp không quá 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hiện đại nhằm nâng cao năng suất sản xuất, nghiên cứu cải tiến, chuyển giao, ƯDCNC, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ các chi phí liên quan đến lập dự án: Khảo sát thiết kế, đo đạc vẽ bản đồ quy hoạch vùng công nghệ cao,... với mức hỗ trợ 50% chi phí cho dự án; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xưởng, xưởng sơ chế, đóng gói các sản phẩm từ nông nghiệp ƯDCNC, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, không quá 2 tỉ đồng/dự án;..../.

Sông Măng - Hùng Anh

Chia sẻ bài viết