Tiếng Việt | English

13/03/2017 - 19:45

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - Nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính lâu dài

Cây lúa, thanh long, rau và con bò là những cây trồng, vật nuôi được tỉnh Long An chọn để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Sau hơn 1 năm thực hiện đề án, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc triển khai những năm tiếp theo.


Liên kết, xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho sản phẩm

Hiệu quả bước đầu

Cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh, vùng sản xuất lúa ƯDCNC, theo kế hoạch đến 2020 là 20.000ha - nằm trong vùng lúa chất lượng cao 40.000ha, phục vụ xuất khẩu của tỉnh, đây là vùng có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa; được thực hiện trên địa bàn từng ấp của 26 xã thuộc các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường. Vụ Đông Xuân 2016-2017, tỉnh triển khai xây dựng 3 mô hình điểm ƯDCNC tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng), HTX Tiên Tiến (huyện Mộc Hóa), Tổ hợp tác (THT) Tân Tây (huyện Thạnh Hóa).

Mỗi mô hình trên có diện tích 50ha với các nội dung triển khai: Ứng dụng tia laser để san bằng mặt ruộng; sử dụng giống chất lượng cao, đạt chuẩn cấp xác nhận; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ như máy cấy, sạ lúa, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy tự hành, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và máy cuộn rơm; tập huấn và ứng dụng quy trình sản xuất 1 phải, 6 giảm và gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đang giai đoạn tổng kết mô hình. Nhìn chung, nông dân đánh giá cao mô hình bởi lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, khả năng cho năng suất cao.

Về cây rau, tỉnh xây dựng 7 mô hình điểm trình diễn sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất rau (hỗ trợ 1.150kg phân hữu cơ) và tổ chức nhân rộng 85ha với 249 hộ tham gia tại 4 HTX và 4 THT trên địa bàn các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc và Đức Hòa. Những mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả đáng kể: Lượng phân sử dụng giảm, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn,... và sản phẩm được kiểm tra đạt an toàn.

Qua đó, tỉnh cấp giấy xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo chuỗi cho 3 HTX rau: Phước Hòa (Cần Đước), Phước Hiệp (Cần Giuộc), Tân Hiệp (Đức Hòa) để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh; bên cạnh đó, các ngành chức năng còn tổ chức cho 3 HTX này tham gia phiên chợ nông sản an toàn. Mục tiêu đề án đến năm 2020, toàn tỉnh có 2.000ha sản xuất rau ƯDCNC trong vùng sản xuất rau an toàn của tỉnh, tập trung tại các huyện: Cần Giuộc (950ha), Cần Đước (700ha), Đức Hòa (285ha) và TP.Tân An (65ha) và được phân bổ cụ thể đến từng xã theo lộ trình đến năm 2020.


Rau màu được sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Vùng sản xuất thanh long ƯDCNC được tỉnh xác định cụ thể trên địa bàn từng ấp, từng xã của huyện Châu Thành, đến năm 2020, có 2.000ha thanh long ƯDCNC. Trong năm qua, ngành nông nghiệp triển khai xây dựng 2 mô hình sản xuất thanh long theo VietGAP tại 2 HTX: Long Hội và Tầm Vu; thực hiện thành công 1 mô hình thí điểm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây thanh long tại xã Long Trì. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp Công ty CP Tư vấn Đầu tư Vĩnh Lợi thực hiện trình diễn phân bón lá hữu cơ vi sinh Agribio trên cây thanh long tại HTX Long Hội; hướng dẫn kỹ thuật canh tác thanh long có chiếu sáng bằng đèn compact; tập huấn kỹ thuật sản xuất thanh long đạt chứng nhận VietGAP cho 11/12 xã của huyện Châu Thành.

Những năm qua, đàn bò liên tục phát triển, năm 2016, tổng đàn bò của tỉnh đạt 94.150 con, trong đó, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ (chiếm 81,2% tổng đàn toàn tỉnh). Vì vậy, để thực hiện đề án, trong năm qua, ngành thực hiện điều tra, khảo sát hiện trạng ngành hàng bò thịt tại 2 huyện Đức Hòa và Đức Huệ nhằm xác định thực trạng về phát triển chăn nuôi (hình thức, phương thức chăn nuôi, trình độ và khả năng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi,...). Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ với tổng đàn tăng trên 5.000 con.

Cần có sự liên kết

Những năm qua, liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Việc đẩy mạnh ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh chú trọng triển khai càng minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp tỉnh nhà. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề quan tâm, đó là sự thiếu đồng bộ trong chuỗi liên kết, giữa các tác nhân và chủ thể liên kết,...

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, hiện nay, phần lớn nông dân vẫn sản xuất mang tính nhỏ, lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý đến việc liên kết nhóm (hộ) mà vẫn sản xuất tự phát nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm thường ký hợp đồng với các trang trại lớn, các vùng có lượng sản phẩm đủ cung ứng và ổn định. Vì vậy, phải có sự liên kết trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.


Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu

Tại Hội nghị sơ kết, đánh giá tiến độ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học có tư duy mới về chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sự kết nối giữa các tổ chức kinh tế với nhau, giữa các tổ chức kinh tế với cơ sở sản xuất, hộ nông dân,... cùng với việc ứng dụng khoa học - công nghệ là những yếu tố then chốt để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, tăng tính cạnh tranh, qua đó, góp phần chuyển đổi, tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh nhà, nhiệm vụ quan trọng để nâng cao đời sống nông dân,...

Kết quả nổi bật của năm qua là trong quá trình triển khai thực hiện đề án tuy gặp nhiều khó khăn nhưng bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho triển khai năm 2017. Thắng lợi ban đầu đầy ý nghĩa là tạo được sự nhận thức sâu sắc trong hệ thống chính trị. Từ đó, để thực hiện đề án đạt hiệu quả, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận cơ sở; tích cực vận động nông dân tham gia thực hiện chương trình, tổ chức họp dân công bố vùng sản xuất ƯDCNC trên từng xã để người dân nắm rõ chủ trương và biện pháp phối hợp thực hiện, thay đổi nhận thức về phát triển nông nghiệp ƯDCNC; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia THT, HTX.

Các sở, ngành tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện chương trình; có chiến lược xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường khó tính,... bảo đảm đầu ra cho nông sản có giá trị kinh tế; quan tâm công tác xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ thực hiện đánh số mã vùng trồng phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết