Tiếng Việt | English

27/02/2016 - 21:38

Phòng loãng xương từ khi còn trẻ

Trong độ tuổi từ 45 trở lên, nhất là phụ nữ mật độ xương trở nên giảm và mức độ giảm diễn ra rất nhanh chóng do có sự suy giảm nội tiết tố nữ. Vì thế, để phòng ngừa loãng xương, chúng ta cần bắt đầu từ khi tuổi còn rất trẻ, nhất là đối với những người làm các công việc ít vận động.


Ảnh minh họa

Dấu hiệu của loãng xương

Ở độ tuổi 30 đến 35, hầu hết chúng ta đều chưa cảm nhận được những biến đổi từ bên trong cơ thể do loãng xương, thế nhưng nó đã âm thầm diễn ra mà ta chẳng biết vì đây là lứa tuổi rất khỏe, luôn chủ quan không quan tâm đến vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu chúng ta quan tâm sẽ thấy có những biểu hiện như: Trong người thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi, uể oải, các khớp xương cử động khó khăn, có thể trở nên đơ cứng, cơ thể yếu, đuối và nhanh mất sức hơn so với trước kia. Đó là những biểu hiện ban đầu của loãng xương.

Loãng xương là tình trạng bị giảm mật độ xương làm cho xương xốp và nhẹ, xảy ra khi cơ thể bị mất cân bằng giữa quá trình tái tạo xương và hủy xương. Bệnh diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện rõ rệt nhưng gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lao động sản xuất, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Loãng xương là chứng bệnh xảy ra do rất nhiều nguyên nhân như ăn uống không đủ chất, nhất là calci; ít vận động và nhất là do thiếu hụt các nội tiết tố nữ ở giai đoạn mãn kinh.

Do thói quen ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng, thiếu calci cung cấp cho cơ thể

Thông thường, trong khẩu phần các bữa ăn hàng ngày thiếu calci, do đó khi calci cung cấp cho cơ thể thường xuyên bị thiếu hụt trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ loãng xương. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng calci cần thiết cho cơ thể hàng ngày là từ 1.000-1.200 mg, đồng thời còn phối hợp với 400 đơn vị vitamin D để giúp xương hấp thu calci dễ dàng hơn.

Do ít vận động

Trong xã hội hiện nay, hầu hết mọi người thường ít có điều kiện vận động, thường xuyên ngồi một chỗ, ít hoạt động ngoài trời, đặc biệt đối với nữ nhân viên văn phòng, công chức… khiến các tế bào huỷ xương tăng hoạt tính làm cho quá trình huỷ xương diễn ra nhanh hơn, quá trình tái tạo xương hoạt động kém hiệu quả do thiếu vitamin D nên làm tăng nguy cơ loãng xương.
Theo một số nghiên cứu của các chuyên gia y tế cho rằng nếu một người có thói quen ít vận động, ít tiếp xúc với ánh nắng thì cứ sau mỗi năm sẽ có khoảng 1% xương bị mất đi. Do đó, theo các chuyên gia y tế, thời gian dự phòng mất xương nên thực hiện ngay từ trước khi có loãng xương xảy ra, tức là nên dự phòng từ khi còn rất trẻ.

Do thiếu hụt nội tiết tố nữ khi mãn kinh

Bước vào giai đoạn mãn kinh, cơ thể bắt đầu giảm sản xuất estrogen, đây là hormone nữ có sự ảnh hưởng rất lớn đến khung xương cũng như cơ quan khác trong cơ thể như ngực và tử cung. Trong giai đoạn mãn kinh, lượng estrogen có thể giảm đến 80%, tiến trình mất xương xảy ra nhanh hơn tiến trình tái tạo, khiến xương trở nên xốp, nhẹ và giòn.

Các nghiên cứu cho thấy, trong vòng 5 năm sau khi mãn kinh, 1/3 khối lượng xương đốt sống có thể bị mất đi, nếu không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, kịp thời sẽ dẫn đến loãng xương và nguy hiểm hơn nữa là gãy xương.

Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, để phòng ngừa loãng xương, hàng ngày phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng calci cho cơ thể qua khẩu phần ăn có chứa nhiều calci như các loại tôm, cua và các loại hải sản, rau xanh… Hạn chế các loại đồ uống có cafein, thức ăn mặn và nhất là phải tăng cường vận động thể lực

Phòng ngừa bệnh loãng xương như thế nào?

Các bạn trẻ hãy quan tâm đến vấn đề loãng xương, hàng năm nên thực hiện việc đo loãng xương định kỳ từ 3–6 tháng một lần để tầm soát nguy cơ loãng xương và bổ sung kịp thời calci, vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra còn cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:

-Tăng cường vận động thể lực, luyện tập thể dục thể thao như đi bộ ngoài trời, tập dưỡng sinh, chạy xe đạp.

-Cần tránh xa các thói quen xấu như uống nhiều rượu, bia, cafe…

-Trong các bữa ăn hàng ngày cần xây dựng khẩu phần ăn đầy đủ chất như chất đạm, chất khoáng, đặc biệt là calci và vitamin D hoặc dùng các chế phẩm có chứa calci nhưng chỉ nên cung cấp lượng calci và vitaminh D phù hợp với nhu cầu cần thiết của cơ thể.

Phòng ngừa loãng xương là một việc làm không thể diễn ra trong một thời gian ngắn mà nó đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn của mỗi người trong việc tập luyện và nhất là cần phải được thực hiện thường xuyên, có như thế mới đạt hiệu quả./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết