Tiếng Việt | English

27/07/2020 - 15:02

Nâng cao kỹ năng truyền thông dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Ngày 27/7, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức lớp Tập huấn cho phóng viên báo chí về truyền thông dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) của 7 tỉnh, thành (Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An) thuộc Chương trình Viện trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ cho phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) tại Việt Nam.

Cố vấn y tế cao cấp của Tổ chức CDC tại Việt Nam – Bác sĩ Ramona Bhatia giới thiệu chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

Cả nước hiện có khoảng 230.000 người nhiễm HIV. Tỷ lệ mắc hiện có xu hướng gia tăng, trong đó, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao: 1,7%/100 người/năm; nghiện chích ma túy chiếm 0,4%; mại dâm chiếm 0,2%. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV: Trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người.

Tại lớp tập huấn, Cố vấn y tế cao cấp của Tổ chức CDC tại Việt Nam – Bác sĩ Ramona Bhatia giới thiệu chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Việt Nam và các thông điệp cần truyền tải về PrEP. Theo bác sĩ Ramona Bhatia, những người cần dùng PrEP là người có bạn tình là người có HIV, quan hệ tình dục qua đường hậu môn/âm đạo không dùng bao cao su với nhiều bạn tình, mắc các nhiễm trùng lây qua đường tình dục, dùng chung dụng cụ tiêm chích hoặc có bạn chích nhiễm HIV,... Nhóm MSM là nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao và cần phải dùng PrEP. Trong công tác truyền thông cần chú trọng đến nhóm MSM.

PrEP là một chiến lược dự phòng HIV an toàn và hiệu quả, PrEP không phải là thuốc điều trị HIV mà chỉ dành cho những người không có HIV. PrEP không phải là vắc xin phòng ngừa HIV mà là loại thuốc sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa lây nhiễm HIV, thuốc này sẽ mất hiệu lực khi ngừng dùng thuốc. PrEP không đồng nghĩa thông điệp K=K. PrEP không phải PEP (PEP dùng để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm, được sử dụng trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm với HIV).

Có hai cách sử dụng PrEP: Dùng hàng ngày hoặc tình huống (áp dụng khi có quan hệ tình dục: Uống 2 viên trong vòng 2 - 24 giờ trước khi quan hệ tình dục và uống 1 viên trong vòng 24 giờ sau khi quan hệ tình dục).

Ngoài được chia sẻ kiến thức về PrEP, học viên còn gặp gỡ và trao đổi về PrEP với đại diện một số nhóm (khách hàng sử dụng PrEP, khách hàng sống chung với HIV và cán bộ y tế cung cấp dịch vụ PrEP); đồng thời, chia nhóm đi thực tế tại một số phòng khám về PrEP trên địa bàn TP.HCM và chia nhóm thảo luận kế hoạch viết tin, bài về PrEP.

Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) – Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Tâm khẳng định, việc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (hay còn gọi là PrEP) là một biện pháp dự phòng có hiệu quả đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Cung cấp thông tin về PrEP giúp đội ngũ phóng viên nâng cao kỹ năng truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS là việc làm cần thiết. Qua đó, giúp cộng đồng, nhất là nhóm MSM-TG (nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới) tiếp cận PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết