Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động có nhiều cố gắng, tích cực triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp đã được kiểm soát tốt hơn. Tình hình TNLĐ và tổ chức thực hiện các chính sách về ATVSLĐ được quan tâm theo dõi sát sao, công tác ATVSLĐ được chỉ đạo, triển khai kịp thời.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian gần đây, cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNLĐ, sự cố mất an toàn lao động tại một số dự án, công trình, doanh nghiệp, làm chết nhiều người. Điển hình như vụ TNLĐ xảy ra ngày 25-5-2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, làm 6 công nhân của Công ty Cổ phần Tân Phát thương vong; vụ TNLĐ xảy ra ngày 10-6-2020 tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, làm 3 người chết, 20 người bị thương; đặc biệt nghiêm trọng là vụ TNLĐ xảy ra ngày 14-5-2020 tại công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare - Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương),... Xảy ra tình trạng trên, một phần do sức ép công việc, một phần người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác ATVSLĐ và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.
Ở Long An, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019, tỉnh thống kê có 126 vụ TNLĐ, trong đó có 12 vụ TNLĐ chết người, làm chết 13 người và bị thương nặng 114 người. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ TNLĐ chết người, làm chết 5 người. Trong thực tế, số vụ TNLĐ xảy ra có khả năng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp chưa quan tâm trong việc khai báo tình hình TNLĐ, nhất là các vụ việc làm từ 2 người bị thương trở lên và TNLĐ chết người…
Để kịp thời chấn chỉnh công tác ATVSLĐ, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, bảo đảm sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Cần quan tâm công tác quản lý ATVSLĐ, kể cả khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về ATVSLĐ, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động; kiên quyết khởi tố các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông. Chú trọng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ chuyên môn ATVSLĐ,...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về ATVSLĐ. Khi xảy ra TNLĐ, cần công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tích cực thực hiện chủ đề của Tháng ATVSLĐ năm 2020: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc” để hạn chế tốt đa TNLĐ, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động./.
Tân An