Thí sinh thi môn Lịch sử tại Cụm thi số 5 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Theo thông tin từ nhiều trường đại học chủ trì cụm thi, để kịp tiến độ, công tác chấm thi đã được tiến hành song song khi tổ chức thi, do vậy, tới nay nhiều trường đã gần hoàn tất công tác này.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, các Hội đồng thi hoàn thành chấm thi theo đúng lịch. Chậm nhất 20/7, các cụm thi phải công bố kết quả chấm thi, đảm bảo lịch xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bài thi tự luận sẽ chấm theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD-ĐT. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm.
Quy trình chấm được tổ chức theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Lần chấm thứ nhất, Trưởng môn chấm thi tổ chức bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm thi, giao riêng cho từng người. Trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài đảm bảo đủ số tờ, số phách và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết. Không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi.
Trong trường hợp phát hiện bài làm không đủ số tờ, số phách; bài làm trên giấy nháp; bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi; bài làm có chữ viết của hai người, viết bằng hai thứ mực khác nhau trở lên, viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết vẽ những nội dung không liên quan nội dung thi; bài làm nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu, cán bộ chấm thi có trách nhiệm giao những bài thi này cho Trưởng môn chấm thi xử lý.
Sau khi chấm lần thứ nhất, thành viên Ban Thư ký Hội đồng thi rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi để tổ chức bốc thăm cho người chấm lần thứ hai, đảm bảo không giao trở lại túi bài thi đã chấm cho chính người đã chấm lần thứ nhất.
Đối với bài thi trắc nghiệm, các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng. Trong quá trình chấm thi, có bộ phận giám sát trực tiếp và liên tục từ khi mở niêm phong túi đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm đến khi kết thúc chấm thi.
Các thành viên tham gia xử lý phiếu trả lời trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy vào phòng chấm thi và không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu với bất kỳ lý do gì. Mọi hiện tượng bất thường đều phải báo cáo ngay cho bộ phận giám sát và Tổ trưởng để cùng xác nhận và ghi vào biên bản.
Tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm sau khi đã quét phải tiến hành kiểm dò để đối chiếu hết lỗi (nếu có) ở quá trình quét. Dữ liệu quét được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của thanh tra và công an. Một đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu giữ, một đĩa gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD-ĐT.
Sau đó, tổ xử lý bài thi trắc nghiệm mới được mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm dưới sự giám sát của công an và thanh tra để tiến hành chấm điểm.
Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Ngoài các vòng chấm thi, sẽ thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi đã chấm của mỗi môn thi tự luận, theo tiến độ chấm thi môn đó; việc chấm kiểm tra thực hiện theo quy trình tại Điều 25 Quy chế này.
Sau khi có điểm thi, mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi, Sở GD-ĐT nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo, Hội đồng thi phải công bố kết quả phúc khảo.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ (GD-ĐT) quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để thẩm định toàn bộ hoặc một phần số bài thi hoặc kiểm tra kết quả phúc khảo của một hoặc một số Hội đồng thi.
Hiện nay, các đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đang tới làm việc với các cụm thi trên cả nước về công tác chấm thi như Thứ trưởng Bùi Văn Ga làm việc với cụm thi liên tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi tại Trường Đại học Quy Nhơn…/.
PV (TTXVN/VIETNAM+)