Cho vay, kể cả cho vay nặng lãi là vấn đề không mới, nhưng gần đây, “tín dụng đen” nở rộ ở nhiều nơi, tác oai tác quái là vấn đề được chính quyền, cơ quan chức năng và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Có người bảo đây là một dạng tội phạm của thời buổi kinh tế thị trường (giải quyết nhu cầu vay vốn một cách đơn giản, nhanh chóng, tinh vi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, sử dụng công nghệ thông tin để nhắn tin uy hiếp, điện thoại khủng bố tinh thần,…).
“Tín dụng đen” đang gây ra nhiều hệ lụy, đẩy nhiều người vay vào cảnh tán gia bại sản, suy sụp tinh thần, có người phải ly hương trốn nợ, bị hành hạ về thể xác,… Do vậy, tấn công triệt xóa loại “cướp ngày” này, trả lại bình yên cuộc sống cho người dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của các cấp chính quyền, ngành chức năng.
Tuy nhận diện được mức độ nguy hiểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi của “tín dụng đen”, nhưng để triệt xóa loại tội phạm này vô cùng khó khăn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Trước hết, MTTQ và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan truyền thông đại chúng cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tác hại, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân nhận diện, nhận thức đúng, cảnh giác không sa chân sụp bẫy; tổ chức các nhóm tín dụng - tiết kiệm ở cộng đồng để kịp thời hỗ trợ nguồn vốn; phối hợp các tổ chức ngân hàng, tín dụng hợp pháp tuyên truyền các chính sách, quy định về cho vay tiêu dùng, sản xuất để người dân thuận lợi tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Tổ chức bóc xóa các tờ rơi, áp phích quảng cáo cho vay kiểu “tín dụng đen”.
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay; mở rộng mạng lưới hoạt động, nhất là ở địa bàn khu, cụm công nghiệp, nông thôn, xóm lao động nhập cư, vùng sâu, vùng xa. Ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có đăng ký dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; phối hợp ngành liên quan và địa phương kiểm tra các cơ sở kinh doanh này về việc chấp hành quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, các cơ quan có chức năng phòng, chống tội phạm, xử lý vi phạm liên quan “tín dụng đen” cần tăng cường công tác phối hợp nắm tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm nạn “tín dụng đen”. Kiên quyết tấn công triệt xóa các băng nhóm có dấu hiệu hoạt động “xã hội đen”, đòi nợ; tăng cường quản lý địa bàn, đối tượng, phát hiện và xử lý nghiêm nạn cờ bạc, cho vay nặng lãi. Tham mưu, tổ chức tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là tội phạm về “tín dụng đen”.
Chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tình hình địa phương, lãnh đạo phát triển KT-XH, quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về sinh kế. Tăng cường xử lý tình trạng cấp phát, treo dán các tờ rơi quảng cáo cho vay “tín dụng đen”.
Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, phát huy cao trách nhiệm, được nhân dân đồng tình ủng hộ, ngành chức năng trấn áp quyết liệt, tin rằng sẽ khống chế được tội phạm “tín dụng đen”, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân./.
Kim Quy