Tiếng Việt | English

29/05/2024 - 10:01

Quyết liệt trong phòng, chống cháy, nổ

Vụ cháy xảy ra tại một nhà trọ ở ngõ 119, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương vào đêm 23, rạng sáng ngày 24/5/2024 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống cháy, nổ tại các khu nhà ở tập thể cao tầng, nhà ống, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư đô thị.

Đây không phải là câu chuyện mới khi vào tháng 9/2023, một vụ cháy kinh hoàng cũng đã xảy ra tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội, cướp đi sinh mạng của 56 người.

Điểm chung của 2 vụ cháy này đều xảy ra vào ban đêm, với con số thương vong lớn và vị trí cháy nằm trong ngõ rất sâu, đường rất hẹp, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng cũng như việc thoát hiểm của người dân.

Không riêng TP.Hà Nội mà tại TP.HCM, tỉnh Bình Dương cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy gây chết nhiều người, trở thành nỗi kinh hoàng, ám ảnh với người dân cả nước. Nguyên nhân ban đầu được xác định là sự chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khiến các vụ hỏa hoạn xảy ra ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ thiệt hại.

Theo báo cáo từ Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an, năm 2023, cả nước xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản ước tính 878 tỉ đồng và 236ha rừng. Trong đó, khu vực thành thị xảy ra 2.105 vụ, chiếm 61,2%; khu vực nông thôn xảy ra 1.335 vụ, chiếm 38,8% và số vụ cháy nhà dân vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 1.000 vụ.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4/2024, 4 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.555 vụ cháy, nổ, làm 28 người chết và 26 người bị thương, thiệt hại ước tính 89,8 tỉ đồng.

Có thể thấy, chưa bao giờ tình trạng cháy, nổ trong cả nước lại xảy ra nhiều và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như những năm gần đây. Đau thương, mất mát và những hệ lụy do “giặc lửa” gây ra vô cùng lớn, là điều không ai mong muốn. Thế nhưng, thực tế vẫn còn tâm lý chủ quan, xem công tác phòng, chống cháy, nổ là của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Khi cháy xảy ra thì rút kinh nghiệm, vào cuộc kiểm tra, đôn đốc nhưng bẵng đi một thời gian thì đâu lại vào đó.

Ngay sau khi xảy ra vụ cháy ở ngõ 119, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 52/CĐ-TTg, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC, nhất là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; rà soát lại các quy định của pháp luật và điều kiện về PCCC liên quan đến việc kinh doanh, cho thuê trọ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2024.

Song song đó, kiểm tra, phân loại, có ngay giải pháp về PCCC đối với nhà ở cho thuê trọ, dứt khoát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, nhất là ở các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh cần khẩn trương, trách nhiệm, quyết liệt trong thực hiện để công tác PCCC hiệu quả.

Đặc biệt, mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy, nổ, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”, bởi “giặc lửa” không chừa một ai./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết