Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 10:12

Rạch Núi – Di tích khảo cổ bên nhánh sông Cần Giuộc

 

Một góc kiến trúc của Linh Sơn Tự

Di tích khảo cổ Rạch Núi thuộc ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc là một gò đất rộng khoảng 1 ha, đường kính trung bình 100m, cao hơn 6 mét so với mặt đất tự nhiên và chứa đựng những di vật của cư dân cổ cách đây từ 2.500 năm đến 3.500 năm. Được phát hiện vào đầu năm 1937, đến nay, di tích Rạch Núi đã trải qua nhiều lần khai quật, thám sát. Trong đó, đáng chú ý là lần khai quật của Sở Văn hóa Thông tin phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội TP.HCM năm 1978. Qua khai quật, tầng văn hóa xuất hiện rất dày, đạt đến độ sâu 5m gồm nhiều lớp đất với các hiện vật khác nhau. Tầng văn hóa của di tích này chính là 3 lớp ở giữa cộng lại, có tính chất liên tục, không bị gián đoạn. Kết quả cho thấy, đây là di tích cư trú trong vùng sinh thái ngập mặn vùng ven biển. Rạch Núi có quá trình tồn tại lâu dài hàng ngàn năm với lượng cư dân khá lớn, thể hiện qua tầng văn hóa dày nhất trong các di tích tiền–sơ sử ở nước ta cũng như khối lượng các di vật phong phú được tìm thấy.


Rìu yếm, mai rùa


Rìu đá


Gốm


Cụm gốm


Khu vực trải qua nhiều lần khai quật từ năm 1978 đến nay

Các hiện vật bằng đá được tìm thấy trong lần khai quật này gồm 128 chiếc gồm cuốc, rìu, đục, lưỡi, thân và chui của các loại rìu cuốc, bàn mài sa thạch,…Trong hàng vạn mảnh gốm và đồ dùng bằng gốm thu được, có thể thấy 2 loại gốm khác nhau rõ rệt về chất liệu cũng như kỹ thuật chế tác là gốm thô và gốm mịn. Hoa văn trang trí trên gốm thô cũng khá đơn điệu, hầu hết được tạo bằng lối in thừng với sợi to, thô, được tạo hình chủ yếu trên vò và nồi. Rạch Núi có nhiều bi gốm khá lớn, nhiều bi gốm có lỗ xuyên qua. Loại này có thể đã được dùng làm chì lưới hoặc đạn câu cua hiện nay địa phương vẫn còn sử dụng. Đặc biệt, nhiều mảnh cà ràng (bằng đất nung) cũng được tìm thấy. Ngoài ra, gốm mịn chỉ chiếm không tới 10% toàn bộ số mảnh gốm thu được, chúng nằm lẫn lộn với gốm thô trong suốt tầng văn hóa. Loại gốm này có chất liệu đất sét pha nhiều cát hạt mịn, không pha bã thực vật và đều được làm bằng bàn xoay. Các loại hoa văn thường thấy là khắc vạch, chải song song hoặc chéo nhau, được tạo hình đa dạng như bình, lọ, dĩa có đế,…Tại đây đã phát hiện 25 hiện vật làm từ xương, sừng thú và mai hoặc yếm rùa. Đó là các đồ trang sức như vòng làm từ mai rùa hoặc là công cụ lao động được dùng để cắt, xẻ như dao hoặc đào xới đất, xắn đất sét phục vụ nghề làm gốm,…

Ngoài ra, di tích này còn tìm được nhiều loại xương động vật và vỏ các loại nhuyễn thể mà con người vứt bỏ sau khi ăn,…Những lần khai quật sau này, bên cạnh các hiện vật bằng đá, đồ gốm, đất nung, đồ trang sức bằng vỏ nhuyễn thể, di cốt động vật,…thể hiện yếu tố kinh tế, xã hội của cư dân cổ, những mẫu phân người và phân chó được phát hiện cũng có giá trị nghiên cứu rất đặc biệt. Tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tất cả đều thống nhất rằng Rạch Núi, trên căn bản thuộc văn hóa Đồng Nai nhưng có nhiều sắc thái riêng biệt do môi trường tại chỗ quy định. Đó là môi trường sình lầy nước mặn khác với vùng cao Đông Nam Bộ. Do vậy, đời sống của những cư dân thời kỳ này là giỏi săn bắt, đánh bắt thủy sản, dùng nhiều dụng cụ bằng xương, mai hoặc yếm rùa, ít thấy dấu tích của nghề trồng trọt.

Bao quanh khu di tích là một con rạch nhỏ thuộc một nhánh của sông Cần Giuộc (Sông Rạch Cát). Bên cạnh di tích khảo cổ Rạch Núi, 2 “dấu ấn” lịch sử cũng được ghi nhận tại nơi này chính là ngôi mộ nằm ở phía đông nam chân gò Rạch Núi có từ thế kỷ XVIII và Linh Sơn Tự (hay còn gọi là Chùa Núi) được xây dựng từ thế kỷ XIX. Ngôi mộ cổ của Mỹ Đức Hầu-Nguyễn Văn Mỹ là quan đại thần đại phu chính trị thời Kiến Hưng Quốc (nhà Lê). Hiện nay linh vị của Mỹ Đức Hầu cùng vợ là bà Võ Thị Châu đang được thờ phụng tại từ đường của gia tộc ở ấp Tây, xã Đông Thạnh. Còn theo trụ trì chùa Linh Sơn-Hòa thượng Thích Huệ Bạch, vào năm Đinh Mão (1867), sư Nguyễn Quới (tục gọi là Thầy Rau) lập am nhỏ để tu hành. Sau nhiều lần sửa chữa, xây mới nhưng đến nay vẫn giữ được kiến trúc chính như chánh điện, nhà thờ tổ, hậu đường,…bảo quản được những tượng thờ, phù điêu, hoành phi, câu đối,…có từ lâu đời.

Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh-Trần Văn Ngộ thông tin: “Rạch Núi với tầng văn hóa và di vật quý hiếm từ thời xưa, kết hợp cùng mộ cổ của Mỹ Đức Hầu và Linh Sơn Tự đã hợp thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc. Với những giá trị đó, Rạch Núi đã vinh dự được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1999. Đây là niềm tự hào to lớn của người dân Đông Thạnh. UBND huyện, phòng Tài nguyên Môi trường kết hợp cùng chính quyền địa phương đã tiến hành cắm mốc toàn bộ khu đất cũng như thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền để người dân cố gắng gìn giữ, không xâm phạm đến khu vực này. Hiện tại, di tích vẫn được bảo tồn khá đầy đủ, phần di chỉ tiền sử vẫn được giữ ổn định, không bị đào phá do được bảo vệ trong khuôn viên chùa. Những ngày rằm lớn, người dân đến lễ Phật rất đông, thậm chí những người ở địa phương khác cũng quan tâm, tìm hiểu về di tích Rạch Núi. Hy vọng sau này, Rạch Núi sẽ được chú trọng đầu tư để phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống, phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển tiềm năng tham quan du lịch của địa phương.”

Ngọc Mận-Thu Ngân

Chia sẻ bài viết