Tiếng Việt | English

06/07/2015 - 09:41

Về chùa Tôn Thạnh hôm nay

 

Người dân đến lễ Phật tại chùa Tôn Thạnh

Tại ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, có một ngôi chùa nằm nép mình giữa những hàng điệp rợp bóng và những cây sala ngát hương. Đó chính là chùa Tôn Thạnh (nay là Tổ đình Tôn Thạnh) – ngôi cổ tự được nhiều người biết đến vì là nơi lưu trú một thời gian dài của nhà Chí sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Chùa Tôn Thạnh được thiền sư khai sơn Tổ Viên Ngộ xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808), lúc bấy giờ có tên gọi là chùa Lan Nhã (hay còn gọi là Lan Nhược).


Bia tưởng niệm tại khuôn viên chùa nhằm thể hiện lòng biết ơn Cụ Đồ Chiểu và tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các nghĩa sĩ Cần Giuộc đã anh dũng hy sinh

Sau này, chùa đổi tên thành Tôn Thạnh với ý nghĩa mong mỏi dòng dõi sau này đời đời hưng thịnh. Ấp Thanh Ba (trước là xã Thanh Ba) cũng chính là quê hương của bà Lê Thị Điền – vợ Cụ Đồ Chiểu. Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đã chạy về quê vợ và tá túc suốt 3 năm tại chính ngôi chùa này. Nơi đây, ông vừa dạy học, bốc thuốc, làm thơ và tham gia kháng chiến cùng nghĩa quân Trương Định. Năm 1861, các nghĩa sĩ Cần Giuộc – dưới sự chỉ huy của tướng Bùi Quang Là đã tiến công đồn Tây Dương của Pháp nhưng bọn chúng huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác phản công. Đau xót trước sự hy sinh, mất mát của những nghĩa quân yêu nước, Cụ Đồ Chiểu đã viết “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” để tưởng nhớ những người đã anh dũng xả thân vì nước.

“Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng
Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”…
“…Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh
Tấm lòng son gởi lại bóng trăng rằm”

Chùa có tổng diện tích trên 2ha, mặt trước quay về phía Nam, giáp tỉnh lộ 835A, phía Bắc là Thị trấn Cần Giuộc, phía Đông giáp sông Cần Giuộc và phía Tây là xã Phước Lâm. Theo Phó Trụ trì chùa Tôn Thạnh – Thượng tọa Thích Tắc Nhàn, hiện tại có 2 tấm bia lịch sử trong khuôn viên chùa. Một bia tưởng niệm chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu được dựng lên phía phải lối vào chùa năm 1973. Tấm thứ 2 vừa được dựng lên vào tháng 6-1998 ca ngợi công đức của Cụ Đồ Chiểu và kỷ niệm ngày chùa được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Kể từ lễ lạc thành chùa năm 1813 đến đầu thế kỷ 20, chánh điện và các công trình phụ đã xiêu vẹo, xuống cấp. Từ lần trùng tu đầu tiên năm 1962, các lần trùng tu kế tiếp từ năm 1958 đến 1994 đều do Hòa thượng Đạt Đồng trông coi, thay lại rui mè bằng gỗ căm xe. Lần mới nhất gần đây là vào năm 2003 chùa đã được xây dựng tiền điện, năm 2005 tu sửa lại chính điện và năm 2007 xây thêm giảng đường để các Phật tử nghe giảng thuyết pháp, học giáo lý, chữ Hán Nôm…Tuy nhiên, dù thời gian có làm thay đổi ít nhiều thì ngôi chùa vẫn còn giữ được kiến trúc của thời xưa cũ, vẫn vẹn nguyên nét cổ kính đặc trưng và ẩn chứa bao giá trị lịch sử trường tồn với thời gian.

Về chùa Tôn Thạnh hôm nay, trong khung cảnh thanh bình, yên ả, đứng trước tấm bia ca ngợi công đức của cụ Đồ Chiểu trong khuôn viên chùa, bồi hồi đọc lại những dòng chữ, câu từ của Áng Văn tế bi hùng thuở trước, ta lại càng thấy tự hào và biết ơn bao anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh bảo vệ non sông. Nối tiếp truyền thống cha ông thuở trước, thế hệ trẻ hôm nay lại càng thôi thúc mình phải học tập, luyện rèn để quê hương ngày càng giàu đẹp, đúng như ý nghĩa của tên ngôi chùa Tôn Thạnh thiêng liêng.

Phạm Ngân

 

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích