Tiếng Việt | English

16/05/2016 - 16:28

Rùng mình xâm nhập lò chế mỡ lợn thối

Mọi dụng cụ đều cáu bẩn, đen xì. Mỡ váng màu, đựng trong những thùng phuy cũ kĩ.

Đó là hình ảnh tại một số cơ sở sản xuất mỡ lợn ở thôn Bình Lương, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Được biết mỗi cân mỡ chỉ được mua với giá 3.000 - 5.000 đồng tùy mùi nặng nhẹ. Mỡ nước có giá 15.000 đồng/kg. Mỗi ngày, hàng trăm lít mỡ từ đây được chuyển đi khắp nơi, trong đó có làng Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Mỡ bẩn được các cơ sở sản xuất hành khô tại làng này thu mua. Tại một cơ sở, hàng tạ hành khô được chiên từ mỡ bẩn lại được tỏa đi phân phối tại nhiều nơi như chợ Xanh (Kim Liên), chợ Thái Hà, chợ Ngã Tư Sở...

Ngay nhà vị trưởng thôn Bình Lương Đỗ Như Cót cũng là nơi chế biến và tập kết mỡ với số lượng lớn.

Ông Ngô Tất Thành, cán bộ y tế xã Tân Quang, là người trực tiếp cùng phóng viên ghi hình tại cơ cở sản xuất của gia đình ông Cót.

Xem clip lò chế mỡ lợn thối:

Ông Thành nói: “Nếu cơ sở này chế biến thực phẩm dành cho người ăn thì hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh. Nếu thành lập đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ sở này sẽ bị chấm là không đạt”.

Tuy nhiên, trước câu hỏi vì sao một cơ sở sản xuất được cho là không đảm bảo vệ sinh như thế vẫn được hoạt động, ông Thành cho hay: “Trước kia cơ sở này có sản xuất mỡ lợn. Vào khoảng năm 2014, nhiều cơ sở sản xuất mỡ bẩn bị phanh phui trên báo chí, đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã xuống cơ sở này kiểm tra. Thế nhưng, khi đoàn đến thì cơ sở đã ngừng hoạt động. Từ đó đến nay, cơ sở này không đăng ký sản xuất mỡ lợn mà chỉ sản xuất bóng bì”.

Tuy vậy, nhà vị trưởng thôn vẫn tập kết, chế biến mỡ lợn với số lượng lớn.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Quang Trường, Phó chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: Nghề sản xuất mỡ lợn đã có từ rất lâu ở địa phương này, cơ quan chức năng cũng thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành đến kiểm tra điều kiện sản xuất cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Chúng tôi cũng có cán bộ kiểm tra an toàn thực phẩm, nếu đảm bảo mới đóng dấu rồi mới cho xuất đi các nơi” - ông Trường nói.

Trước những hình ảnh sản xuất mỡ lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh mà phóng viên ghi được, ông Trường cho biết: “Chúng tôi sẽ lập đoàn liên ngành xuống kiểm tra. Nếu không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ cho dừng sản xuất”.

Theo ông Trường, năm 2015, tại thôn Bình Lương đã có 2 trường hợp bị đình chỉ do chưa đủ giấy phép kinh doanh và các điều kiện sản xuất.

“Còn về cơ sở của gia đình ông Cót (trưởng thôn Bình Lương - PV), hiện chúng tôi chưa kiểm tra. Nhưng tới đây nếu kiểm tra mà không đủ các yêu cầu để sản xuất kinh doanh, chúng tôi sẽ đình chỉ sản xuất” - ông Trường cho hay./.

Theo vietnamnet.vn

Chia sẻ bài viết