(Ảnh minh hoạ).
Đầu tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp, bao gồm những doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như Vinamilk, FPT, Bảo hiểm Bảo Minh…
Theo ước tính, khi thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp trên, Nhà nước có thể thu về khoảng 3 tỷ USD. Trong đó, riêng việc thoái hết 45,1% cổ phần tại Vinamilk đã có thể mang lại cho ngân sách thêm 2,5 tỷ USD.
Lộ trình còn “bỏ ngỏ”
Trước nhiều đồn đoán về thời điểm thoái vốn khỏi 10 doanh nghiệp trên, phát biểu trên VTV mới đây, ông Lại Văn Đạo - Tổng giám đốc SCIC cho hay, hiện đơn vị này chưa quyết định thời điểm cụ thể để rút vốn khỏi các doanh nghiệp.
“Thị trường chứng khoán cuối năm thường biến động lớn và cũng phải tính tới các tác động từ việc nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ ảnh hưởng thế nào đến giá cổ phiếu, nhất là khi danh mục 10 doanh nghiệp này đa phần sẽ được nới room”, ông Đạo nói.
Theo ông Đạo, trước khi đưa ra lộ trình cụ thể, SCIC sẽ rà soát xem thời điểm nào có lợi nhất để đảm bảo việc thoái vốn mang lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Về phương thức thoái vốn, các đơn vị niêm yết sẽ thực hiện bán khớp lệch hoặc giao dịch ngoài sàn, còn đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết sẽ áp dụng cơ chế bán đấu giá một phần hoặc bán theo lô.
Hiện có thể thấy, cả 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC lần này đều đang là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Việc thoái hết vốn Nhà nước dự báo sẽ tác động đáng kể tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Do đó, bản thân doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành cho rằng, cần có một lộ trình cụ thể để có lợi nhất về mặt chi phí cũng như lợi ích mà Nhà nước thu về. Câu chuyện thoái vốn cũng được lưu ý trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến động như hiện nay.
Chia sẻ về lộ trình rút vốn tại “con gà đẻ trứng vàng” Vinamilk, đại diện Bộ Tài chính, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp từng nói rằng, vấn đề quan tâm trước tiên khi quyết định bán vốn của Nhà nước hay không là cổ phần đó được định giá bao nhiêu và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi bán thế nào.
Tương lai nào cho doanh nghiệp và cả SCIC?
Có tới 8 doanh nghiệp trong 10 đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn lần này hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán và 2 trong số đó là Vinamilk và FPT rất được lòng các nhà đầu tư nước ngoài. Cả cổ phiếu VNM và FPT thường được giao dịch nội khối với mức giá chênh lệch cao hơn so với thị trường khoảng 10-20% do hết room dành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, việc SCIC thoái vốn cùng thời điểm với hướng dẫn tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo dự thảo thông tư 74 đang được thực hiện được giới chuyên môn đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho bên mua, trong số đó đặc biệt nhấn mạnh tới sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp như Vinamilk hay FPT được giới chuyên gia đánh giá rằng không những mang lại sự chủ động cho bản thân doanh nghiệp mà còn giúp thị trường tăng tính minh bạch, tăng khả năng cạnh tranh.
"Trên nguyên tắc, Chính phủ không nên đầu tư vào những doanh nghiệp mang tính cạnh tranh thị trường như vậy. Vinamilk không phải là doanh nghiệp liên quan tới an ninh, quốc phòng và trong lĩnh vực tiêu dùng, tại các nước tiên tiến trên thế giới, Chính phủ nước họ cũng không nắm giữ nữa. Do đó, đây là việc không thể không làm”, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, về phía SCIC, có lo ngại đặt ra rằng sau khi đem bán hàng loạt “con gà đẻ trứng vàng” thì đơn vị này sẽ sống dựa vào đâu?
Cần phải nhắc lại, hiện trong danh mục đầu tư của SCIC, những doanh nghiệp nổi bật nhất, mang lại khoản cổ tức hàng năm khổng lồ vẫn bao gồm những doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn lần này. Trong khi đó, nhiều khoản đầu tư lớn như dự án Tháp tài chính quốc tế hay dự án gang thép Thái Nguyên vốn bị thua lỗ lớn.
Dĩ nhiên, với số tiền thu về khi thoái vốn, ngoài một phần nộp lại cho ngân sách, SCIC có thể sẽ tiếp tục dành phần còn lại để đầu tư vào những doanh nghiệp khác, có đủ tầm thay thế Vinamilk hay FPT. Tuy nhiên, năng lực quản trị của SCIC cũng là vấn đề cần được lưu ý để nâng cao hiệu quả các khoản đầu tư.
Chứng khoán sẽ “lên hương”?
Nhận định về thông tin từ SCIC, Công ty chứng khoán HSC cho rằng, đây là một bước đột phá giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận nhiều hơn đối với những bluehcips lớn như VNM và FPT.
HSC nhận định, thị trường chắc chắn sẽ đón nhận thông tin này một cách tích cực do hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung các cổ phiếu chủ chốt dẫn đến khó thu hút các dòng vốn lớn hơn vào thị trường.
Tuy nhiên, thị trường sẽ còn phải chờ 3 yếu tố: Thời gian thực hiện cụ thể: Liệu thay đổi về định nghĩa công ty/nhà đầu tư nước ngoài như trong dự thảo thay thế Thông tư 74 có được phê duyệt hay không và danh sách ngành kinh doanh có điều kiện.
Chung quan điểm với HSC, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, động thái của Nhà nước có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty này, nếu các công ty này được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài.
“Tuy nhiên, việc thiếu lộ trình cụ thể khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại và giảm kỳ vọng vào thị trường. Nhà nước nên thể hiện quyết tâm bằng việc sớm công bố kế hoạch chi tiết và cam kết thực hiện”, một chuyên gia nhìn nhận./.
Phương Dung/dantri.com.vn