Tiếng Việt | English

17/06/2024 - 08:14

Sẵn sàng tâm thế 'sống chung với biến đổi khí hậu'

Mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh Long An, có hàng ngàn hộ dân tại các xã vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ chịu ảnh hưởng thiếu nước sạch sinh hoạt do bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ UBND tỉnh đã công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Bên cạnh đó, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 36.000ha lúa, 4.600ha cây chanh thuộc các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Đức Hòa và TP.Tân An có khả năng bị giảm năng suất do ảnh hưởng hạn, mặn, thiếu hụt nguồn nước tưới,…

Hiện nay, sau những cơn mưa đầu mùa, tình hình nắng nóng, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn diễn ra. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp ghi nhận nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng ở huyện Thủ Thừa, Châu Thành, gây cản trở giao thông, thậm chí uy hiếp đến tài sản, tính mạng của người dân.

Cụ thể, khu vực ấp 1, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa có tổng chiều dài sạt lở, sụt lún khoảng 460m; trên địa phận ấp Phú Xuân 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, xuất hiện đoạn sạt lở dài khoảng 15m và nguy cơ sạt lở gần đó.

Điều đáng quan tâm là sạt lở ngày càng diễn ra nhanh, diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn, nhất là trên tuyến đê bao ven sông Vàm Cỏ Tây. Không chỉ vậy, trên một số bờ kênh, rạch nhỏ cũng xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, giao thông và đời sống của người dân trong khu vực.

Theo ngành chức năng, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở, trong đó, tình trạng khô hạn kéo dài làm cho đất bờ sông, đê bao khô cằn mất độ kết dính, khi mưa lớn làm rửa trôi, xói mòn, sụt lún, sạt lở đê, bờ kênh.

Rõ ràng, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp gây nên tình trạng sạt lở, thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Những năm qua, tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn diễn ra với tần suất nhiều hơn, sạt lở cũng tăng cao, sản xuất và đời sống khó khăn hơn.

Theo dự báo của các chuyên gia, nguồn nước sông Mê Kông ngày càng suy giảm do nhiều đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn và biến đổi khí hậu. Do vậy, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có kế hoạch căn cơ, bài bản, lâu dài hơn về các giải pháp công trình, phi công trình lẫn tổ chức mùa vụ, thay đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền cho nông dân về kỹ thuật sản xuất, sử dụng công nghệ cao để chủ động, giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, mọi người không được chủ quan cho rằng Long An không còn tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô. Thực trạng hàng ngàn hộ dân vùng hạ rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt do bị ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn mà tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân phải tổ chức tiếp nước,... chính là bài học.

Về phía người dân cũng cần chủ động các giải pháp ứng phó để tránh bị thiệt hại trong sản xuất và đời sống. Trước mắt, nông dân cần thay đổi thói quen sử dụng nước; khẩn trương xử lý và chăm sóc để vườn cây ăn trái sớm phục hồi khi mưa nhiều.

Trong nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2024, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý, vận hành các công trình thủy lợi phù hợp với diễn biến hạn, mặn hiện nay nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại; báo cáo UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ; tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt mùa khô 2023-2024 theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đồng thời, đánh giá hiện trạng hệ thống đê bao, bờ bao hiện có và xây dựng phương án hộ đê bảo đảm an toàn phòng, chống bão, lũ năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Nông nghiệp chính là bệ đỡ của nền kinh tế vốn hội nhập sâu vào thế giới như Long An, đang gặp khó khăn do tác động phức tạp của tình hình quốc tế. Kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 2,9 triệu tấn lúa. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phải được quan tâm đúng mức, để bảo đảm an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu và nâng cao đời sống của gần 70% dân số sống ở nông thôn.

Trải qua khó khăn, thách thức do thiên tai, với truyền thống bất khuất, kiên cường, Long An quyết liệt, kiên trì vượt qua và quan trọng là rút tỉa được những kinh nghiệm quý báu. Trước đây, chúng ta từng “sống chung với lũ” nay phải sẵn sàng tâm thế “sống chung với biến đổi khí hậu”./.

Bảo đảm cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu

Bảo đảm cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu 

Hướng đến Ngày Môi trường Thế giới 05/6/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024.

Tân An

Chia sẻ bài viết