Tiếng Việt | English

12/11/2021 - 10:09

Sáng 12/11: Gần 846.000 ca COVID-19 được chữa khỏi; Hành khách đi máy bay khai báo y tế trên PC-Covid

Đến nay gần 846.000 ca COVID-19 đã được chữa khỏi; TP HCM yêu cầu phát túi thuốc đến F0 trong 24 giờ; Tất cả hành khách đi máy bay khai báo y tế đầy đủ trên ứng dụng PC-Covid; F0 tại các tỉnh, thành khu vực miền Tây tiếp tục tăng

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.000.897 ca mắc COVID-19, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.159 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 995.903 ca, trong đó có 843.131 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (443.815), Bình Dương (241.589), Đồng Nai (75.843), Long An (36.252), Tiền Giang (19.516).

Gần 846.000 ca COVID-19 đã được chữa khỏi

Tổng số ca được điều trị khỏi: 845.948

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.567 ca, trong đó:  Thở ô xy qua mặt nạ: 2.539; Thở ô xy dòng cao HFNC: 617; Thở máy không xâm lấn: 97; Thở máy xâm lấn: 301; ECMO: 13

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 72 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.849 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 23.582.959 mẫu cho 63.383.732 lượt người.

Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 95.575.407 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 63.502.556 liều, tiêm mũi 2 là 32.072.851 liều.

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 468.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 252,5 triệu ca, trong đó trên 5,09 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (50.133 ca), Anh (42.408 ca) và Nga (40.759 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.237 ca), Ukraine (652 ca) và Mỹ (511 ca).

Như vậy, trừ Mỹ, các quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất trong 24 giờ qua đều nằm ở châu Âu - châu lục lại một lần nữa trở thành tâm dịch COVID-19 của thế giới. Tới nay, châu Âu đã ghi nhận tổng cộng trên 67,3 triệu ca mắc, trong đó trên 1,34 triệu ca tử vong.

Tính tổng số ca tích lũy từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia đứng đầu với trên 47,6 triệu ca mắc và trên 780.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với trên 34,4 triệu ca mắc và Brazil với trên 21,9 triệu ca mắc COVID-19.

Tất cả hành khách đi máy bay khai báo y tế đầy đủ trên ứng dụng PC-Covid 

Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công văn 11887/BGTVT-CYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và kiểm soát hành khách về từ vùng dịch bằng đường hàng không.

Theo Nhằm tăng cường kiểm soát những người về từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam (đặc biệt từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và những địa phương có số ca mắc cao) qua đường hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các đơn vị làm việc tại cảng hàng không, cảng vụ hàng không, các hãng hàng không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

Tăng cường kiểm soát hành khách đi từ Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cần Thơ tới các địa phương khác, đảm bảo 100% hành khách đi máy bay thực hiện khai báo y tế đầy đủ trên ứng dụng PC-Covid và kiểm tra khai báo y tế nghiêm ngặt, thông báo danh sách hành khách kịp thời tới đầu mối các địa phương.

Tăng cường các hình thức tuyên truyền, khuyến cáo đối với hành khách khi về các địa phương: bắt buộc phải khai báo y tế trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin khai báo để phân loại đối tượng nguy cơ; tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh...

Cục hàng không có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra hoặc chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường công tác kiểm tra và có báo cáo về việc thực hiện các Hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải trong công tác phòng, chống dịch khi tổ chức vận tải hành khách bằng đường hàng không.

Dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, TP HCM ra văn bản yêu cầu tăng cường phòng, chống

UBND TP HCM - đã có văn bản gửi thủ trưởng các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp trên địa bàn  ngày 11/11 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu ban chỉ đạo phòng, chống dịch các sở, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ, Chỉ thị 18 của TP. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả gắn với khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, việc kiểm tra công tác phòng, chống dịch cần tăng cường tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy... nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe. Quy trình xử lý F0 khi phát hiện tại cơ sở cần được đặc biệt quan tâm, các trường hợp cố tình vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch, có biểu hiện trốn tránh trách nhiệm làm lây lan dịch bệnh cần xử lý nghiêm.

Các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch trong giai đoạn hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. TP Thủ Đức, các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra, đánh giá dịch bệnh, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, không để dịch lây lan rộng, khó kiểm soát.

Đối với lĩnh vực y tế, UBND TP.HCM yêu cầu chủ động rà soát, chuẩn bị và kịp thời cấp phát túi thuốc cho F0. Tuyệt đối không để bất kỳ F0 nào cách ly tại nhà không tiếp cận được thuốc điều trị.

Các địa phương rà soát lại tình hình nguồn nhân lực để chủ động thành lập trạm y tế lưu động tương ứng với số ca mắc COVID-19 mới, nhanh chóng nâng cao năng lực y tế cơ sở.

Trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 tại TP HCM có dấu hiệu gia tăng, số ca mắc liên tục khoảng 1.000-1.200 ca.

Chiều 11/11, Sở Y tế TP HCM đã họp báo thông tin tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn. Tại đây, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận định nhóm nguy cơ cao tử vong do COVID-19 hiện nay là nhóm những người mắc bệnh nền, cao tuổi và đặc biệt là những người bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày, chưa tiêm vaccine.

Do đó,  lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khuyến cáo các quận huyện tiếp tục tìm những người lớn tuổi, khó khăn đi lại chưa được tiêm vaccine thì phải xem xét tiêm sớm vaccine phòng COVID-19 hoặc có những biện pháp bảo vệ.

Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM khuyến cáo các quận huyện tiếp tục tìm những người lớn tuổi, khó khăn đi lại chưa được tiêm vaccine thì phải xem xét tiêm sớm vaccine phòng COVID-19 Ảnh: minh hoạ

Các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây tiếp tục ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng cao

*An Giang ghi nhận 661 ca mắc COVID-19 (tăng 64 ca so với ngày 10/11), trong đó có 222 ca cộng đồng. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 từ ngày 15/4 đến nay là 16.342 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính).

*Tiền Giang ghi nhận 417 ca mắc COVID-19, trong đó 91 ca cộng đồng, 300 trong khu cách ly và 26 ca trong khu phong tỏa. Hiện địa phương này đã ghi nhận 19.516 F0, đã điều trị khỏi 15.717 ca, tử vong 424 ca.

*Đồng Tháp ghi nhận 352 ca mắc mới (tăng 78 ca so với ngày 10/11), trong đó có 21 ca về từ vùng dịch, 74 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 4 ca trong cơ sở điều trị, 170 ca trong khu phong tỏa, 83 ca trong cộng đồng.

Địa phương này cũng đã thông báo tạm dừng1 số tuyến xe bus và bến phà trong nội tỉnh và đi TP Cần Thơ cho đến khi có thông báo mới

*Trà Vinh ghi nhận 121 ca mắc COVID-19 (tăng 47 ca so với ngày 10/11). Trong đó, 75 ca phát hiện trong cộng đồng, 25 ca phát hiện trong khu cách ly tập trung, 8 ca phát hiện trong khu phong tỏa, 7 ca phát hiện tại cơ sở y tế và 6 là người ngoài tỉnh về địa phương.

*Sóc Trăng ghi nhận 303 trường hợp mắc mới COVID-19 (tăng 4 ca so với ngày 10/11). Trong đó, 161 trường hợp là F1 chuyển thành F0, 105 trường hợp cộng đồng; 20 trường hợp phát hiện trong khu vực phong tỏa và 17 trường hợp về từ vùng dịch.

*Kiên Giang ghi nhận 399 mắc COVID-19. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang, trong vòng 7 ngày qua, toàn tỉnh phát sinh 2.770 ca mắc mới (tăng 589 ca so với 7 ngày trước)

Cũng trong gày 11/11, tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo kích hoạt lại tất cả các khu cách ly F1 trên toàn tỉnh, để thu dung, điều trị F0; triển khai cách ly toàn bộ F1 tại nhà, nơi lưu trú./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích