Tiếng Việt | English

17/09/2023 - 09:39

Sao lại phải cấm lập vi bằng đối với công chức, viên chức?

Người dân khi làm việc với cán bộ nhà nước và cơ quan nhà nước có nhu cầu lập vi bằng trong một số sự kiện nhưng lại không được phép, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Lập vi bằng sự kiện, hành vi công chức, sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng

Theo Cục Bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp, cả nước có 145 văn phòng thừa phát lại, được thành lập tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Từ tháng 10/2021 - 9/2022, các văn phòng thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt hơn 972.000 văn bản, lập hơn 145.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 2 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 4 vụ việc, tổng doanh thu đạt hơn 267 tỉ đồng.


Người dân yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng

Người dân yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng

Riêng TP.HCM có 11 văn phòng thừa phát lại; từ tháng 2.2020 - 3.2023 có hơn 99.000 vi bằng được lập, với doanh thu hơn 104 tỉ đồng. Theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện nhu cầu xác lập chứng cứ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân thông qua việc lập vi bằng của thừa phát lại ngày càng cao. Các vi bằng được sử dụng làm chứng cứ cung cấp cho tòa án phục vụ việc xét xử và để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác là rất lớn.

Tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc liên quan đến lập vi bằng. Tại điều 2, 3 và điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định: "Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc...". Theo đó, các cơ quan được quyền yêu cầu lập vi bằng được hiểu là có cả cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, khoản 7 điều 37 Nghị định số 08 lại quy định thừa phát lại không được lập vi bằng "Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ".

Như vậy, khi cơ quan nhà nước yêu cầu lập vi bằng và cử cán bộ, công chức, viên chức đi cùng với thừa phát lại thì lại vướng quy định nêu trên. Bởi cho dù chủ động yêu cầu lập vi bằng hay bị lập vi bằng thì cán bộ, công chức, viên chức vẫn đang thi hành công vụ.

Căn cứ Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ, nếu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức... đang thi hành công vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu đồng.

Cán bộ và dân muốn lập vi bằng nhưng không được

Theo ông Nguyễn Tiến Pháp, Phó chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM, có 3 trường hợp điển hình mà thừa phát lại không được lập vi bằng khi ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ nhất, người dân đề nghị lập vi bằng ghi nhận hành vi của cán bộ, công chức không thực hiện đúng trách nhiệm của mình làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Chẳng hạn khi người dân đến nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền dù đã chuẩn bị đủ hồ sơ nhưng cán bộ nại lý do để không tiếp nhận…

Thứ hai, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước có nhu cầu lập vi bằng để giải quyết những quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính...

Thứ ba, khi lập vi bằng một sự kiện theo yêu cầu của tư nhân, nhưng quá trình lập vi bằng có sự tham gia của cán bộ, công chức vào sự kiện đó. Ví dụ, ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm và có sự tham gia của UBND, công an khu vực; hàng xóm xây nhà làm nứt tường nhà mình nên thanh tra đô thị xuống chứng kiến, lập biên bản...

Ông Pháp cho rằng vì vướng quy định nên cả 3 trường hợp trên đều không thể lập vi bằng, trong khi việc lập vi bằng mang nhiều ý nghĩa tích cực cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước. "Cán bộ biết có bên thứ ba là thừa phát lại chứng kiến hành vi, việc làm của mình thì họ sẽ phải làm tốt công việc của mình hơn. Có như vậy mới hạn chế tình trạng nhũng nhiễu người dân", ông Pháp nhấn mạnh.

Thừa phát lại Nguyễn Thúy Hằng (Trưởng văn phòng Thừa phát lại Hằng Nguyễn, tỉnh Tây Ninh) cho biết thêm thực tế nhiều cơ quan nhà nước (tổ chức), hay cán bộ công chức, viên chức có nhu cầu yêu cầu thừa phát lại ghi nhận sự kiện, hành vi trong khi thi hành công vụ. Cụ thể: Ghi nhận buổi làm việc lấy ý kiến về thỏa thuận mức giá trong thu hồi đất, kiểm đếm, kiểm kê tài sản, hiện trạng đất khi có quyết định thu hồi; ghi nhận việc giao thông báo đến cá nhân, tổ chức; ghi nhận buổi cưỡng chế của UBND, của cơ quan thi hành án…

Bên cạnh đó, có những trường hợp người dân yêu cầu lập vi bằng chứng kiến ghi nhận giao thông báo đòi nhà (đất) cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ… Đôi lúc khi giao thông báo người cho thuê bị bên thuê đe dọa, có thể gây nguy hiểm đến an toàn. Vì vậy, thừa phát lại đề nghị chính quyền địa phương đảm bảo an ninh, thế nhưng do quy định tại khoản 7 Điều 37 nên việc ghi nhận sự có mặt của lực lượng chức năng trong trường hợp này bị "ách tắc".

Sửa nghị định sao cho sát thực tế

Từ vướng mắc trên, Sở Tư pháp TP.HCM đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung điều 37 Nghị định 08 về việc lập vi bằng đối với công chức, viên chức đang thi hành công vụ.

Ông Nguyễn Tiến Pháp đề xuất đối với hoạt động giao dịch bình thường của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, nếu không nhằm thực hiện nhiệm vụ, hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án, thì thừa phát lại được phép lập vi bằng.

Trong trường hợp thừa phát lại lập vi bằng một sự kiện có sự tham gia của cán bộ, công chức, để đảm bảo tính khách quan của vi bằng thì phải cho phép thừa phát lại ghi nhận chung trong sự kiện.

Với những bất cập trên, ông Pháp cho rằng Bộ Tư pháp cần có văn bản hướng dẫn thống nhất thực hiện khoản 7 điều 37. Về lâu dài, cần sửa đổi Nghị định 08 theo hướng cho phép lập vi bằng về hành vi của cán bộ, công chức, viên chức... (trừ trường hợp việc lập vi bằng đó gây cản trở trái pháp luật trong quá trình thi hành công vụ của họ).

Bà Nguyễn Thúy Hằng cũng đồng tình với quan điểm cần phải xem lại khoản 7 điều 37. Theo đó, Bộ Tư pháp nên có văn bản hướng dẫn phạm vi thừa phát lại được lập vi bằng có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, hoặc người có thẩm quyền được giao xử lý trong quá trình thi hành công vụ với mục đích phối hợp giữa các bên. Chẳng hạn như cho phép công an chứng kiến thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận giao thông báo đòi nhà cho thuê, ở nhờ hoặc thỏa thuận của các bên trong tranh chấp đất đai và các giao dịch dân sự khác…

"Theo tôi, chỉ nên cấm lập vi bằng trong trường hợp nhằm cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Có như thế, việc lập vi bằng làm nguồn chứng cứ mới đáp ứng được thực tiễn đời sống xã hội", bà Hằng chia sẻ. 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tiến Pháp, Phó chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM, cho biết vừa qua có một trường đại học công lập yêu cầu lập vi bằng về việc một trường học khác sử dụng giáo trình trực tuyến của họ mà không xin phép. Tuy nhiên, do là trường công nên lãnh đạo nhà trường đều là viên chức, vì thế không thuộc diện được lập vi bằng. Trong khi đó, vi bằng ghi nhận việc sử dụng giáo trình trực tuyến trái phép là chứng cứ quan trọng để trường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hợp pháp của mình... Từ đó, để tránh phạm luật, nhà trường phải cử một người không thuộc diện viên chức thay mặt nhà trường đi lập vi bằng.

Theo thanhnien.vn

Chia sẻ bài viết